Trong số 31 phim truyện ở hạng mục Phim dự thi, “Đất rừng phương Nam” là một trường hợp đặc biệt. Ở chỗ bộ phim khi công chiếu đã tạo ra những làn sóng khen chê trái chiều. Dù vậy, “Đất rừng phương Nam” đáp ứng tiêu chuẩn và được Hội đồng tuyển chọn Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23 chọn vào hạng mục Phim dự thi.
Cảm xúc của anh thế nào khi biết tin “Đất rừng phương Nam” được chọn vào danh sách phim Dự thi tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 23?
– Tôi là người làm phim thương mại nên đến với Liên hoan phim Việt Nam với tâm thế giới thiệu bộ phim của mình thêm cho khán giả tại Liên hoan phim và gặp gỡ các đồng nghiệp để giao lưu, tìm sự hợp tác trong tương lai. Với các liên hoan phim trong nước, chúng tôi luôn xác định trách nhiệm góp phim để ngày hội điện ảnh có thêm màu sắc, thêm sự đa dạng.
Anh làm “Đất rừng phương Nam” theo tâm thế nào?
– “Đất rừng phương Nam” cho tôi cơ hội làm phim về quá khứ, một bộ phim gia đình và quê hương. Và vì câu chuyện và bối cảnh của bộ phim đòi hỏi mình phải cố gắng nâng cao kỹ năng làm phim khi phải điều hành đoàn phim lớn và tốn kém. Cho nên, kể cả về tính nghề nghiệp hay cảm xúc thì với tôi “Đất rừng phương Nam” là một cơ hội với tôi, thế nên tôi dấn thân vào dự án này.
Trước khi tham dự Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23, “Đất rừng phương Nam” đã trải qua”cơn bão dư luận”. Anh quan niệm việc bộ phim nhận nhiều chỉ trích từ phía công chúng là “sự cố”, “tai nạn nghề nghiệp” của người làm phim hay là một phần tất yếu trong hành trình tồn tại và tìm được đường đến với công chúng của bộ phim?
– Tôi nghĩ vấn đề nằm ở chỗ thị trường của chúng ta có quá ít phim từ các tác phẩm văn học lớn với các bối cảnh có các cột mốc đặc biệt như “Đất rừng phương Nam”. Và như một điều tất yếu, vì lâu lâu chúng ta mới có một phim như thế nên mọi người soi xét nhiều hơn, đặt nhiều kỳ vọng, đặt nhiều trọng trách cho bộ phim đó nhiều hơn.
Nếu chúng ta có nhiều phim, khán giả sẽ cảm thấy mỗi phim có một góc nhìn riêng, mỗi phim có một mục đích, một nhiệm vụ nào đó. Để một bộ phim phải gánh vác quá nhiều kỳ vọng của khán giả là một gánh nặng với nó, cụ thể ở đây là phim “Đất rừng phương Nam”. Bản thân tôi cũng xác định, khi chọn dự án đặc biệt như vậy thì mình phải có trách nhiệm lớn hơn và chấp nhận áp lực chắc chắn là cũng sẽ nhiều hơn các dự án khác, dù rằng có những vấn đề vượt xa hơn mình nghĩ nhiều. Nhưng tôi nghĩ mình phải chịu thôi.
Kế hoạch làm phim tiếp theo của anh trong thời gian tới?
– Tôi cần nghỉ ngơi một thời gian để xác định rõ hơn việc mình nên chọn hướng nào trong thời gian sắp tới, nên làm những dự án thương mại vui vẻ nhẹ nhàng hay vẫn dấn thân vào những dự án lớn với đề tài khó. Cuộc sống mà! Có lúc mơ mộng, có lúc phải về thực tại cơm, áo, gạo, tiền, cái nào cũng được miễn mình được làm việc với tinh thần tích cực.
Một bộ phim hay, xét cho cùng cần đáp ứng 3 yếu tố: nghe, nhìn và tư duy. Trong một “rừng” ý kiến nhận xét về “Đất rừng phương Nam”, có thể thấy đại đa số các nhận xét đều ủng hộ, tức dành lời khen, cho phim ở 2 yếu tố nghe và nhìn. Nghĩ theo hướng tích cực hơn thì như thế cũng đã quá tốt rồi, đúng không?
– Ngay từ đầu, khi bắt tay vào làm “Đất rừng phương Nam”, chúng tôi xác định là sẽ dành nhiều tâm sức, thời gian và kinh phí hơn cho bộ phim. Dù biết không thể làm hài lòng tất cả mọi khán giả được nhưng chúng tôi ý thức phải làm hết khả năng của mình. Và có thể còn có những điều chưa thực sự ưng ý, nhưng ít ra nó phải có những điểm tốt hơn so với những gì mình làm trước đây.
Tiêu chí của Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23 là: “Xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam giàu bản sắc dân tộc, hiện đại và nhân văn”. Ở vị trí là người làm phim, anh quan niệm như thế nào về một tác phẩm điện ảnh “giàu bản sắc dân tộc, hiện đại và nhân văn”?
– Theo tôi một tác phẩm có bản sắc dân tộc là tác phẩm mà khi xem người ta thấy thú vị, thấy cảm xúc, thấy thương và muốn tìm hiểu về dân tộc đó nhiều hơn. Truyền thống hay thời đại nếu vẫn đạt được những điều trên đều là có bản sắc vì bản sắc có tính truyền thống, có thể kế thừa, có thể phát triển.
Xin cảm ơn anh đã chia sẻ!
Nguồn: Internet