Ông lão vốn là người trồng hoa nhưng yêu thơ ca nên kết mối tâm giao với tôi, để cùng mạn đàm về văn chương. Đôi lần nhàn tản, cùng ngồi nhâm nhi ly trà, người bạn vong niên khẽ khàng hỏi tôi: “Cậu nhớ nhất điều gì về Tết ở quê nhà?”. Không cần phải ngần ngại quá lâu, tôi quả quyết bản thân nhớ hoa đào nhất.
Cũng bởi, đây là thứ hoa đặc trưng cho mùa xuân ở quê nhà tôi nói riêng và nông thôn Bắc bộ nói chung. Đặc trưng đến độ tôi chẳng thể nhớ mình được thưởng thức những món ăn đặc trưng nào trong ngày Tết quê nhà khi còn thơ dại, mà chỉ nao nao nhớ đến biết bao lần được theo chân ông nội dạo chơi những phiên chợ hoa Tết quê hương với ngập tràn sắc hồng, sắc đỏ của các loài hoa mùa xuân. Chợt nhớ có lần viếng thăm thung lũng trồng đầy hoa anh đào ở Nhật Bản, nhìn từng nụ hoa chúm chím trong gió, bản thân đã cao hứng đọc cho chủ nhân vườn đào nghe mấy câu Đường thi của Thôi Hộ mà ông nội thường ngâm nga khi xưa: “Nhân diện bất tri hà xứ khứ/ Đào hoa y cựu tiếu đông phong” khiến họ ngạc nhiên vô kể. Riêng bản thân, chỉ thấy lòng nao nao biết bao nỗi niềm.
Sực nhớ ở quê tôi, hình như vườn nhà ai cũng trồng vài cây hoa đào nhỏ. Khi ấy, ở quê tôi cũng chẳng có đào bích màu hồng thẫm hoặc đào bạch màu trắng kiêu sa, chỉ có loại đào phai hồng nhạt khoe sắc e ấp mỗi xuân về. Hoa đào vốn là loại hoa thuần khiết, nhìn vẻ ngoài mỏng manh nhưng nghị lực và nhẫn nại đến lạ kỳ. Vào những mùa đông giá rét, khi những loài thực vật khác đều héo tàn hoặc trơ trụi lá cành, thì hoa đào lại cho nụ, để kịp đến mùa Tết hay ra Giêng thì e ấp bung hoa. Hoa đào phai cánh mỏng, chỉ có vài lớp cánh giản dị, tỏa hương thơm thuần khiết, phơn phớt hồng tựa màu má hồng thiếu nữ ửng lên khi đang cời than bên bếp lửa phụ mẹ nấu bánh chưng. Cái tên đào phai, theo ông nội tôi, có lẽ cũng từ đặc trưng sắc màu ấy mà thành.
Cành đào nhà tôi trồng có vẻ ngoài khá sần sùi nhưng được ông nội uốn cành tạo thế rất duyên dáng. Theo lời ông tôi kể thì đây là loại hoa đào phai được ông chiết cành từ nhà của một người bạn chiến đấu cũ. Loài hoa đào này có năm cánh hồng hồng như lụa mỏng, tương đối mỏng manh nên chỉ cần một đợt gió mạnh thổi đến, cũng dễ dàng rơi tơi tả, lan tỏa hương thơm dịu dàng nên đôi lúc phải thật tinh ý mới ngửi thấy.
Mỗi lúc ông nội ra vườn chăm sóc cho cây hoa đào, tôi thường lẽo đẽo theo sau, hỏi han đủ điều. Nhưng ông nội không thấy làm phiền phức mà ngược lại rất nhiệt tình giảng giải cho bản thân tôi về nguyên tắc uốn cành, tạo nhánh và chăm sóc hoa đào sao cho tỉ mỉ. Đứa trẻ ngây thơ là tôi khi ấy chẳng hiểu được nhiều nhưng khẽ nhìn thấy trong đôi mắt ông một nụ cười vui ẩn ý và hiền từ, cảm tưởng như mùa xuân đã về cùng với sắc hồng tươi của những cánh hoa đào bừng nở khi gió mùa tràn về.
Sáng 30 Tết hằng năm, chị em tôi sẽ thong thả theo ông ra vườn cắt cành đào. Ông tôi thường cầm con dao trong tay đi vòng quanh, băn khoăn chẳng biết chọn cắt cành nào cho đỡ tiếc. Cũng bởi, cành nào cũng tràn đầy sức sống, e ấp những nụ hoa hồng đào chúm chím còn dè dặt chưa chịu nở. Chị em tôi thường hồi hộp chờ sự quyết định của ông nhưng dường như chính ông tôi cũng chẳng thể quyết định được.
Ấn tượng lớn nhất của tôi là thời điểm những nụ hoa đào bừng nở vào sáng mùng 1 đầu năm, khiến cả nhà bừng sáng, ngập tràn hương thơm thuần khiết. Mấy chị em tôi cứ thế đứng ngẩn ngơ bên chậu hoa đào, ngắm nhìn say sưa. Vài ngày sau Tết, những nụ hoa cứ thế nở bừng, càng nở rộ cho đến giữa tháng Giêng, nhưng em gái tôi cứ níu tay ông nội không cho bứng cây đào từ chậu đào ra vườn. Khi Tết dần hết, những cánh hoa đào cũng tàn dần, từ đài hoa bắt đầu kết quả thành những quả đào nhỏ xíu càng khiến bọn trẻ như chúng tôi hào hứng ra mặt. Đứa em gái nhỏ của tôi, vốn rất yêu hoa, cứ đứng thì thầm quanh chậu đào, mắt ngời sáng vẻ lấp lánh. Từ đôi mắt của em tôi, cảm tưởng như mùa xuân chỉ vừa mới bắt đầu.
Ông nội tôi thường chia sẻ cách chọn hoa đào phai chơi Tết nên ưu tiên chọn những cành có dáng vươn lên với thế cong tự nhiên và phải có nhiều nụ. Những cành đào có nhiều nụ sẽ cho hoa suốt nhiều ngày sau đó, có khi đến tận rằm tháng Giêng còn cho hoa. Nếu biết cách chăm sóc thì những cành đào sau mùa Tết vẫn sẽ đầy sức sống với đủ đầy chồi non, hoa trái, gợi sức sống tươi mới báo hiệu một năm mới hạnh phúc, đủ đầy của cả gia đình.
Chưng đào phai ngày Tết đã trở thành một truyền thống đối với những người dân quê tôi. Vườn nhà ai có cây hoa đào thì trực tiếp hái từ vườn, nhà không trồng thì vào những ngày cận Tết, có thể thong dong ra chợ quê sắm một cành. Cành đào chẳng cần quá to, chỉ cần một cành nhỏ cắm vừa cổ chai thôi cũng đủ thấy không khí trong nhà trở nên tươi tắn hơn. Dưới nhành đào bừng nở hoa xuân, mọi người ngồi quây quần cùng nhau thưởng thức chén rượu hoặc nhấm nháp chén trà để cảm nhận sự thi vị của đời sống. Thi thoảng, những cơn gió thoáng qua làm mấy đóa hoa đào phai hàm tiếu chao nghiêng, tỏa hương thanh khiết trong không gian lảng bảng hương trầm nghi ngút. Phòng khách nhà tôi vốn là một thư viện nhỏ với vô vàn quyển sách cổ do ông nội sưu tầm. Những ngày mùa xuân của khoảng đời niên thiếu, đứa trẻ mới lớn là tôi, thường học theo ông nội, ngồi trầm tư đọc thơ Đường bên chậu hoa đào phai bừng nở vài nụ hàm tiếu, lặng lẽ nghe mưa xuân lất phất bay ngoài cửa sổ, cảm nhận sâu sắc mối giao hòa giữa trời đất và lòng người.
Quãng đời vô tư đầy bình lặng ấy, thoáng chốc đã trôi qua khi nào chẳng rõ. Ông nội đã qua đời, chỉ còn lại bản thân lặng lẽ giữa cuộc đời. Thi thoảng, vào những ngày cuối năm, khi tiết trời dần trở nên ấm áp hơn, tôi thường giữ thói quen đi dạo đường hoa xuân. Bao giờ cũng thế, khi đi giữa một biển trời hoa xuân, đắm mình vào muôn sắc hoa, nghe những âm thanh náo nhiệt vọng vang từ lòng thành phố, lòng tôi vẫn cảm thấy vô cùng trống trải. Bởi thiếu đi cái dáng lưng còng còng, trầm tư suy nghĩ của ông nội bên cành đào bừng nở hồng tươi khi xưa.
Cánh đào năm xưa giờ hẳn đã tàn phai ở kiếp khác. Một mùa xuân mới lại về, tôi lặng lẽ ngồi ngắm nhìn những vườn hoa đào ngan ngát, nhớ thương biết bao hoài niệm đẹp với cành đào ông nội trồng ngày nào. Biết tôi yêu hoa đào nên mỗi năm ghé thăm, người bạn vong niên lại tỉ mỉ chọn một cành ưng ý và trân trọng gửi tặng. Đôi lần, tôi xin được gửi lại ông chút thù lao, ông gạt đi bằng cái lắc đầu đầy ý nhị: “Tôi với cậu là bạn vong niên. Cành đào này là quà mùa xuân tôi gửi tặng cậu để hoài niệm về quá khứ. Vẻ đẹp của hoa đào vốn là vô giá, không tiền bạc nào để so sánh được đâu”. Chỉ nói thế, ông lại vội vã quay trở về vườn đào đang nở rộ những nụ hồng, bận rộn với công việc tất bật vào những ngày cuối năm của bản thân. Tôi đứng nhìn theo bóng dàng của ông mờ dần giữa muôn vàn sắc hoa hồng tươi, thấy lòng dìu dặt biết bao hồi ức về mùa xuân.
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục “Kể chuyện làng” từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Bài viết cộng tác với chuyên mục “Kể chuyện làng” xin gửi về email: [email protected]; điện thoại liên hệ: 0903226305.
Nguồn: Internet