Giáo sư Lê Đình Phái sinh năm 1938 tại Hà Nội. Ông là dược sĩ, Tiến sĩ Hóa – Sinh (Viện Hàn lâm Đức), Tiến sĩ khoa học (Đại học FSU Jena – Đức), có bằng Sư phạm để giảng dạy Đại học như một Giáo sư về hóa sinh (1975). Ông nguyên là thành viên Hội Dược học Đức và là thành viên Ban biên tập tạp chí Công nghệ Sinh học (Biotechnological – Viện Hàn lâm khoa học Đức – Berlin trong 1 thập kỷ (10 năm từ 1980 – 1990).
Về nước, công tác tại viện Kỹ thuật quân sự. Năm 1980 ông nhận được giải thưởng Khoa học Nhà nước (cùng với tập thể phòng Hóa sinh Viện kỹ thuật quân sự). Ông từng ra mắt 2 cuốn sách: Những vấn đề Dược học dân tộc (1980); Micro acupressure (bằng tiếng Anh, tại Katowice 1991).
Cuốn sách Dưỡng sinh phân tử được ông viết bằng quá trình nghiên cứu, đúc kết của cả đời mình về vấn đề dưỡng sinh phân tử và hoàn thành khi ông đã ở tuổi 86. Điều này khiến độc giả vô cùng ngưỡng mộ sự mẫn tiệp, dẻo dai của ông.
Dưỡng sinh phân tử là phép chăm sóc sức khỏe phi truyền thống vì nó quan tâm đến việc bảo vệ sự sống đến tận cùng của sự sống. Cụ thể là bảo vệ các phân tử enzym (protein) và protein của các màng nguyên sinh chất, màng nhân và màng ty thể các kháng thể (protein) và các hocmon protein… bằng cách hạn chế tác hại thường trực của các gốc acid, gốc tự do và các ion kim loại nặng.
Nội dung cuốn sách Dưỡng sinh phân tử của tác giả GS.TSKH Lê Đình Phái vừa được ra mắt chiều 25/1 đề cập 2 vấn đề chính gồm: Đề xuất nguyên lí dưỡng sinh căn cứ trên nền tảng phân tử của sự sống và Phát hiện con đường phi truyền thống để khai phá các tư tưởng tinh hoa về y học của người Việt trong các chữ Nôm.
GS.TSKH Lê Đình Phái đề xuất nhiều khái niệm mới lạ về nguyên nhân gây bệnh
Cơ sở tư tưởng của Dưỡng sinh phân tử được bắt nguồn từ nghĩa lý và triết lý, đến từ hai chữ Nôm là chữ “dưỡng” và chữ “sinh”. Sự phá vỡ cấu trúc các nét của hai chữ trên đã cho tác giả phát hiện được bốn viên ngọc quý (tứ trụ), đó cũng chính là “bảo bối” để duy trì, bảo vệ sự sống của con người, đó là: dinh dưỡng, cách sống, môi trường, tâm trí.
Tứ trụ này tạo nên một chu trình mà tác giả đặt tên là “vòng tròn sự sống” vì toàn bộ sự sống đều chỉ xoay quanh những cái cột này. Đó là một quy luật bất biến về sự sống. Con người, nếu biết chăm sóc tốt “tứ trụ”, lấy việc giữ giới làm cốt lõi sẽ khống chế được các yếu tố phá hoại sự sống, chủ yếu là hai tam độc gồm tam độc tâm trí (tham-sân-si) và tam độc hóa sinh (gốc acid, gốc tự do và các ion kim loại nặng). Khi hai tam độc được kiểm soát tốt thì sức sống của mọi tế bào điều trở nên mạnh mẽ (các phân tử protein quan trọng trong cơ thể được bảo vệ an toàn). Do vậy phương pháp này mang tên Dưỡng sinh phân tử.
Với Dưỡng sinh phân tử, GS.TSKH Lê Đình Phái đã phát hiện một góc nhìn mới về “sinh lực” khác với kinh điển như: Khí (Trung Quốc), Ki (Nhật Bản), Prana (Ấn Độ), Ruach (Do thái)… Tóm lại, “sinh lực” thường được quan niệm một cách linh thiêng, mơ hồ, nặng về triết học hoặc tâm linh. Theo khoa học hiện đại, “sinh lực” đến từ sự vận hành của các phân tử AND (gen) hoặc từ các tần số rung động vi tế. Nhưng theo Dưỡng sinh phân tử thì “sinh lực” đến từ tứ trụ.
Ngoài những sáng tạo về lý luận dưỡng sinh và phương pháp khảo sát chiều sâu tư tưởng trong các chữ Nôm, Dưỡng sinh phân tử còn đề xuất những khái niệm hoàn toàn mới lạ về nguyên nhân gây bệnh, về thuốc và dược phẩm; phát hiện những điều lý thú về chữ “máu” và đặc biệt là những điều kỳ diệu về dưỡng sinh trên khuôn mặt người.
Nguồn: Internet