Khi còn sinh thời, ông nội tôi rất yêu hoa mai trắng, thường cố gắng chăm chút cho nó mỗi khi xuân về. Với ông tôi, mai trắng không chỉ đơn thuần là một loại thực vật mà còn đại diện cho khí tiết thanh cao của người trí thức Hà Nội xưa.
Mai trắng vốn dĩ là loại thực vật rất kén người chơi, chỉ đặc biệt dành cho người có đồng điệu, có sự tỉ và khéo léo. Mặc dù, theo xu hướng phát triển ngày nay, có vô số các loại cây cảnh phục vụ cho thú vui ngắm hoa ngày Tết, thú chơi mai trắng đang bị mai một. Nhưng đâu đó trong lòng Hà Nội vẫn có những người say mê loài hoa đẹp bậc nhất trong “thập đại danh hoa” xưa.
Ông nội tôi là một trong số ít người biết chữ Nho cuối cùng của làng. Trong những lần nhàn tản, tôi thường nghe ông kể lại rằng, xưa kia cụ tôi vì muốn con trai học hỏi được nhiều tri thức nên ra sức mời thầy đồ về nhà để dạy chữ cho ông. Chắc cũng vì lẽ đó nên ông tôi am hiểu chữ nghĩa và văn hóa cổ lắm. Ông thường kể chuyện ngày xưa cho tôi nghe, trong đó chuyện về cây mai trắng và hình tượng của nó trong văn hóa của các bậc tri thức xưa.
Theo ông tôi kể lại thì hoa mai trắng còn có tên gọi khác là Nhất chi mai. Đây là một loài hoa quý, khi xưa thường mọc kín đáo ở những nơi hẻo lánh, các vùng núi đá quanh năm lạnh giá. Dù thời tiết khắc nghiệt là thế nhưng hoa mai vẫn ung dung vượt qua cái lạnh khắc nghiệt để bừng nở rực rỡ trong mùa xuân. Hoa mai trắng chắc vì lẽ đó nên tượng trưng cho sự tinh khôi, thuần khiết và sức sống mãnh liệt. Có lẽ vì sức sống diệu kỳ, màu hoa trắng tinh khôi, mùi hương thuần khiết và thân hình thanh tao của cây mà các bậc tiền nhân đã xếp nó thuộc loài tứ quý.
Hình ảnh hoa mai trắng không chỉ đại diện cho những phẩm chất tốt đẹp của người quân tử như kiên cường, nhẫn nại, liêm minh, chính trực mà chất chứa biết bao khát vọng về cuộc sống an nhàn, hạnh phúc mỗi khi Tết đến, xuân về. Nhiều năm trôi qua, những câu chuyện ông kể, cho đến tận bây giờ vẫn in đậm trong tâm trí tôi, khiến bản thân cũng đặc biệt yêu thích vẻ thanh tao của hoa mai trắng.
Trong khoảnh vườn hẹp trước sân nhà, ông tôi trồng rất nhiều cây trái khác nhau nhưng ông để tâm đến cây mai trắng nhiều hơn cả. Cây mai trắng do ông tôi trồng ở gần cuối vườn, một nơi tương đối thoáng khí và nhiều ánh sáng. Ông thường bảo đặc tính của loại cây này là rất kén đất trồng nên đất không được quá ẩm hoặc quá khô. Mỗi ngày, sau khi nhâm nhi tách trà sáng, ông tôi đều dành thời gian để ngắm nghía cây mai và nhẹ nhàng tưới cho cây 1-2 lần bằng nước sạch hay nước vo gạo. Thi thoảng, sợ cây èo uột, kém dinh dưỡng, ông lại tranh thủ bón phân chuồng ủ hoai cho cây. Ông thường bảo đó là cách để cây có đủ chất mà không cần phải lạm dụng việc bón nhiều phân hóa học.
Mỗi khi có dịp cùng làm vườn với ông trong khoảng sân hẹp nhưng đầy màu xanh của cây cỏ và hương thơm thuần khiết của ánh sương mai, tôi lại được nghe ông kể về nguyên tắc để trồng cây. Ông thường hài hước so sánh việc trồng cây cũng như uốn nắn một con người, không được nóng vội mà phải từ tốn từng ngày. Cũng bởi loài cây nào dù trải qua mùa đông khắc nghiệt đến đâu rồi cũng đâm chồi nảy lộc vào mùa xuân. Điển hình như hoa mai trắng thường tượng trưng cho chí khí người quân tử, vì loài hoa tưởng chừng mỏng manh nhưng rất kiên cường đã vượt qua những thử thách khắc nghiệt của thời tiết để khoe sắc hương làm đẹp cho đời. Điều này tựa hồ như quá trình trường thành của một con người, phải đương đầu với nhiều khó khăn thử thách, vẫn có thể vươn lên và hoàn thiện bản thân từng ngày.
Cây mai trắng ông tôi trồng với tinh thần nhẫn nại như thế nên khá chậm lớn. Nhưng bù lại, cây mai có thế rất đẹp, các rễ cây cuộn tròn vào nhau tạo nên vẻ kỳ dị, gốc cây xù xì rêu phong. Trên thân, từng nhánh cây được tạo dáng uyển chuyển rất hài hoà và tinh tế. Nhưng điều đặc biệt hấp dẫn với tôi chính là quá trình nở hoa của cây.
Vốn dĩ, hoa mai trắng là loại cây không có quả nên việc chiết giống cũng tương đối khó khăn. Tuy nhiên, nếu cây đã bén rễ đâm chồi được thì sức sống cực kỳ mãnh liệt, phi thường, tiết trời càng lạnh thì lại càng có sức sống hơn. Trong tiết trời đông giá lạnh, một số loài cây sẽ vì thế rụng lá, nhiều loài hoa cũng úa tàn, nhưng chỉ riêng mai trắng vẫn nở những nụ hàm tiếu bên lộc non xanh mơn mởn để đến Tết thì một phần nụ hoa đã bừng nở trắng muốt. Khi cây mới nở, nụ hoa thường có màu hồng đậm, khi nở dần sẽ chuyển sang màu trắng muốt với nhiều tầng cánh xếp xen kẽ vào nhau. Lúc sắp tàn, hoa lại chuyển dần sang màu hồng nhạt.
Ông tôi bảo cây mai trắng này nhìn thì giản đơn nhưng với ông thì cực kỳ quý giá. Do đây là món quà ông được một người bạn cũng lớp, ở tận Nam Định đem tặng. Cứ mỗi độ Tết đến xuân về, khi ánh nắng hanh hao làm bừng sáng một góc vườn, cây mai trắng lại khoác lên mình một lớp áo mới trắng tinh khôi làm say đắm lòng người, báo hiệu một mùa xuân tươi mới, an lành.
Trong ký ức tuổi thơ của tôi thì những ngày giáp Tết, ông lại dành thời gian ra chăm sóc, ngắm nghía cây nhiều hơn. Những buổi ban mai, thức giấc giữa lưng chừng giấc mơ, tôi hay lẽo đẽo theo ông ra vườn, phụ giúp ông chăm cây rồi học theo các bậc cao niên nhấm nháp một chén trà hoa mai thơm ngát.
Đây là hoa mai được ông tôi thu nhặt và phơi khô từ những mùa hoa trước. Cũng bởi, theo ghi chép từ các sách y học cổ truyền thi hoa mai trắng có vị ngọt hơi đắng, đặc tính ấm nhưng không độc, sử dụng để hãm trà sẽ cho hương thơm thoang thoảng nhẹ nhàng. Hiểu biết đặc tính ấy của hoa nên ông tôi thường giữ thói quen dùng hoa mai phơi khô, hãm với nước nóng, uống thay trà để giữ ấm đường hô hấp trong những ngày lạnh. Hơn như thế, loại trà này con có tác dụng giảm ho dai dẳng lâu ngày.
Ông bảo, mai trắng là loài mai quý hiếm, chỉ sống ở những nơi có mùa đông, thời tiết giá lạnh nên hợp với khí hậu miền Bắc nước ta. Mai trắng không có quả, việc chiết giống cũng rất khó khăn, nhưng nếu bén rễ đâm chồi được thì sức sống rất mãnh liệt, phi thường, tiết trời càng lạnh thì lại càng có sức sống hơn. Trong tiết trời đông giá lạnh, nhiều loài cây rụng lá, nhiều loài hoa úa tàn, nhưng mai trắng vẫn hàm tiếu bên những lộc non xanh mơn mởn để đến Tết thì một phần nụ hoa bung nở trắng muốt.
Thi thoảng, những người bạn của ông, đa phần là các bậc cao niên trong làng, thường sang nhà tôi chơi. Các ông sẽ tranh thủ khoảng thời gian nhàn tản, cùng ngồi nhâm nhi chén nước chè, đọc cho nhau nghe những bài thơ xuân và trầm ngâm ngắm nhìn vẻ đẹp của hoa. Dường như đã thành thông lệ, cứ đầu mùa xuân, sang nhà tôi chúc Tết thế nào các cụ cũng ra thăm cây mai trắng đầu tiên.
Ông tôi, bao giờ cũng hào hứng chia sẻ với các bạn rằng, một cây mai đẹp là cây vừa có thế lại sở hữu màu xanh của lộc non, màu trắng của hoa và màu hồng của nụ hoa quện vào nhau thành một tổng thể hài hòa, cân đối. Cây mai trong bức tranh tứ quý tượng trưng cho bốn mùa cũng chính là loài mai này. Dẫu có nhiều khác biệt nhưng hoa mai vẫn là biểu tượng cho sức sống của mùa xuân, là nguồn cảm hứng dạt dào trong thơ ca, mang ý nghĩa biểu tượng cho những chuẩn mực đạo đức xã hội. Thiền Sư Mãn Giác khi xưa đã từng sáng tác bài thơ Cáo tật thị chúng, với hai câu kết ông đã sử dụng hình tượng một nhành mai nhỏ thể hiện tâm thế lạc quan trong đời: “Đừng bảo xuân tàn hoa rụng hết/Đêm qua sân trước một nhành mai”.
Ông tôi giờ đã đi xa, cây mai trắng của ông năm nào cũng không còn nữa nhưng biết bao kỷ niệm với ông trong những ngày Tết tuổi thơ vẫn còn nguyên vẹn. Thi thoảng, giữa đời sống bộn bề, câu chuyện về cây mai nở rộ hai lần trong một mùa xuân cho dù có trải qua bao giông bão cũng tựa hồ như bao buồn vui, đắng cay trong cuộc đời mà ông đã từng kể trong khu vườn nhỏ vẫn đang trở lại sống động trong tôi. Tất cả êm đềm như một giấc mơ trôi mãi về miền hoa trắng…
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục “Kể chuyện làng” từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Bài viết cộng tác với chuyên mục “Kể chuyện làng” xin gửi về email: [email protected]; điện thoại liên hệ: 0903226305.
Nguồn: Internet