Bài hát mới “Love Wins” của IU đang phải đối mặt với phản ứng dữ dội “queerbaiting” trước khi phát hành. Ca sĩ kiêm nhạc sĩ K-pop bị cáo buộc đã chiếm đoạt. Bên cạnh đó, cô cũng bị chỉ trích vì sử dụng một khẩu hiệu có mối liên hệ chặt chẽ với cộng đồng LGBTQ.
Queerbaiting là một phương thức tiếp thị sử dụng nội dung có liên quan tới cộng đồng LGBTQ+ để “câu kéo” người xem. Từ này được kết hợp giữa “queer” (người nằm ngoài hệ nhị nguyên giới) và “bait” (mồi câu).
EDAM Entertainment, công ty quản lý của IU mới đây đã tiết lộ lời giới thiệu viết tay của nghệ sĩ cho bài hát, trong đó cô giải thích rằng “Love Wins” bắt nguồn từ hành trình cá nhân vượt qua sự thù hận nhắm vào cô bằng tình yêu và sự ủng hộ của người hâm mộ.
“Có người nói đây là thời kỳ của hận thù… Theo kinh nghiệm cá nhân của tôi, hận thù luôn đơn độc khi có vẻ như nó đang chiến thắng, trong khi tình yêu luôn ở bên chúng ta, ngay cả khi nó bỏ chạy và tan vỡ trong bóng tối. Tình yêu luôn có cơ hội để chiến thắng”, cô viết.
IU bị chỉ trích “queerbaiting” trong ca khúc mới
Tiêu đề của bài hát, “Love Wins” đã được phong trào đoàn kết và tự hào của LGBTQ sử dụng trong nhiều năm.
Nó được sử dụng rộng rãi để kỷ niệm quyết định của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ vào tháng 6/2015 về việc mở rộng quyền kết hôn cho các cặp đồng giới.
Thuật ngữ này cũng được sử dụng để tưởng nhớ các nạn nhân của các cuộc tấn công đồng tính và ủng hộ cộng đồng LGBTQ kể từ khi nó được sử dụng trong lễ tưởng niệm vụ xả súng hàng loạt năm 2016 tại Pulse, một hộp đêm dành cho người đồng tính ở Orlando, Florida, Hoa Kỳ.
Khẩu hiệu “Love Wins” lấy người đồng tính làm trung tâm, cũng như thuật ngữ “thời kỳ hận thù” mà nghệ sĩ sử dụng trong phần giới thiệu đã được sử dụng rộng rãi trong các lễ hội tự hào ở Hàn Quốc và mang nhiều ý nghĩa với cộng đồng LGBTQ.
Trong bối cảnh đó, các cụm từ liên quan, bao gồm “Love Wins”, “bài hát của IU”, “tình dục thiểu số” và “thời kỳ hận thù”… đang là xu hướng bằng tiếng Hàn trên X, trước đây gọi là Twitter, với hơn 35.000 bài đăng liên quan.
“Tôi cảm thấy như khẩu hiệu của chúng tôi đã bị đánh cắp”, một người dùng viết. Một người khác cũng nói: “Cô ấy không nên sử dụng cụm từ dành cho giới tính thiểu số như vậy, đặc biệt là khi chúng tôi phải đối mặt với quá nhiều sự phân biệt đối xử, bao gồm cả nguy cơ bị sát hại”.
Một người khác viết: “Khi một người có vẻ vô tội, nhưng có ảnh hưởng lớn đang hành động quá ngây thơ chống lại các nhóm thiểu số trong xã hội, thì thế giới nhỏ bé (của các nhóm thiểu số) sẽ bị diệt vong trong khi lòng hận thù ngày càng gia tăng”.
Trong khi đó, số khác lại cho rằng, nghệ sĩ đang ám chỉ thông điệp chung về tình yêu.
“Đây là sự kết hợp phổ biến của các từ thông dụng mà bất kỳ ai cũng có thể sử dụng và tôi không hiểu tại sao những người thiểu số giới tính lại tự nhận cụm từ này”, một người dùng trực tuyến viết. Người khác lại bày tỏ: “Còn quá sớm để chỉ trích trước khi bài hát được phát hành”.
Theo Lim Hee Yun, một nhà phê bình văn hóa và chuyên gia về K-pop, sự phê phán này bắt nguồn từ ảnh hưởng văn hóa ngày càng tăng của IU và K-pop trên thế giới.
“Vào tháng 8/2018, ca sĩ nhạc đồng quê nổi tiếng người Mỹ Carrie Underwood đã phát hành một bài hát cùng tên. Bài hát không đề cập đến bất kỳ sự ủng hộ nào đối với LGBTQ và nói về bạo lực súng đạn cũng như vượt qua định kiến”, Lim nói và giải thích rằng bài hát chỉ nhận được những lời chỉ trích nhỏ trên mạng.
Mặc dù ông tin rằng vẫn còn quá sớm để thảo luận chi tiết về ý nghĩa của bài hát, nhưng “một bài hát hay và tính nghệ thuật tốt có xu hướng khiến mọi người đồng cảm với thông điệp và truyền tải ý nghĩa ở một số khía cạnh”, ông nói.
Nguồn: Internet