Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 của Ngành VHTTDL diễn ra sáng (3/1), Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương những nỗ lực, cố gắng và chúc mừng những kết quả quan trọng mà toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, những người làm công tác VHTTDL đã đạt được trong năm 2023, đóng góp vào thành tựu, kết quả chung của cả nước.
Theo đó, Bộ, ngành đã bám sát chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc để triển khai nhiệm vụ. Bộ đã hoàn thành 133/148 (90%) nhiệm vụ Chính phủ giao trong năm 2023; chủ động, tích cực tham mưu đẩy mạnh công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế.
Bộ tổ chức thành công nhiều hội nghị quan trọng bàn về các cơ chế, chính sách, giải pháp thúc đẩy phát triển VHTTDL, như hội nghị toàn quốc đầu tiên về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, 2 hội nghị toàn quốc về du lịch, hội nghị về phát triển thể thao thành tích cao.
Ngành tổ chức thành công chuỗi hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hoá Việt Nam (1943-2023); kỷ niệm 78 năm Ngày thành lập ngành văn hóa (28/8/1945-28/8/2023)… mang lại ý nghĩa rất tích cực, lan tỏa sâu rộng, thu hút sự quan tâm của toàn xã hội.
Nhiều giá trị văn hoá truyền thống, di sản văn hoá của dân tộc được kế thừa, bảo tồn, tôn tạo, phát triển và được quốc tế công nhận. UNESCO công nhận vịnh Hạ Long-quần đảo Cát Bà là Di sản Thiên nhiên thế giới, nâng tổng số di sản của Việt Nam được công nhận lên 32 di sản. Việt Nam lần thứ hai trúng cử vị trí thành viên của Ủy ban Di sản thế giới nhiệm kỳ 2023-2027; Đà Lạt và Hội An trở thành Thành phố sáng tạo UNESCO…
Đời sống văn hóa cơ sở và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục phát triển có chiều sâu, chất lượng, mang lại hiệu quả thiết thực; phát huy giá trị và vai trò của gia đình, cộng đồng và xã hội; tạo chuyển biến tích cực trong xây dựng, phát triển con người Việt Nam toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Trong năm 2023, đã tổ chức hơn 3.000 cuộc thi, hội diễn văn hóa nghệ thuật quần chúng, thu hút hơn 9 triệu lượt người tham dự.
Nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được phát huy; chuẩn mực ứng xử văn hóa mới được hình thành; đời sống văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được quan tâm. Nhiều lễ hội truyền thống và hoạt động văn hóa, nghệ thuật được tổ chức an toàn, lành mạnh, tiết kiệm, vui tươi, tạo nên bức tranh ấn tượng, đa sắc màu.
Thể dục thể thao quần chúng tiếp tục phát triển sâu rộng. Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” được triển khai và gắn kết hiệu quả với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và “Chương trình xây dựng nông thôn mới”. Nhiều hội thi, giải thể thao thu hút đông đảo người dân tham gia. Công tác giáo dục thể chất và thể thao trường học được thúc đẩy. Tổ chức thành công 173 giải thể thao quốc gia và quốc tế tổ chức tại Việt Nam. Thể thao thành tích cao tiếp tục đạt nhiều kết quả ấn tượng.
Bộ chủ động tham mưu Chính phủ ban hành các chính sách đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch phục hồi và phát triển. Liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa các địa phương, các vùng tiếp tục được tăng cường. Du lịch Việt Nam ghi nhận sự tăng trưởng bứt phá khi khách du lịch quốc tế năm 2023 ước đạt 12,5 triệu lượt (vượt xa mục tiêu 8 triệu lượt khách và gấp 3,5 lần năm 2022); khách du lịch nội địa ước đạt 108 triệu lượt, vượt 5,8% kế hoạch; tổng thu từ du lịch ước đạt 672.000 tỷ đồng, vượt 3,38%.
Công tác lãnh đạo, điều hành và quản lý nhà nước được đổi mới, tăng cường theo hướng xác định trọng tâm, trọng điểm, bố trí nguồn lực phù hợp, thúc đẩy phát triển ngành. Nhiều địa phương đã chủ động, bám sát đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và các nghị quyết của cấp ủy, hội đồng nhân dân các cấp để khai thác, phát huy bản sắc văn hóa, các di sản, tăng cường kết nối trong phát triển VHTTDL.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức. Tiềm năng lớn, nhưng thể chế, cơ chế, chính sách cho VHTTDL còn hạn hẹp. Chính sách bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc chưa hoàn thiện (như thiếu các chính sách cho các di sản văn hóa phi vật thể sau khi được ghi danh). Chưa xây dựng được chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển triển văn hóa và chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới.
Công tác phối hợp trong ngành và giữa ngành với các bộ, ngành, địa phương còn thiếu chặt chẽ, nhịp nhàng, nhất là trong liên kết phát huy, khai thác các di sản. Việc huy động nguồn lực đầu tư, nhất là hợp tác công tư cho lĩnh vực VHTTDL còn hạn chế, do đó phải tháo gỡ khó khăn dần từng bước (ví dụ như trong khai thác sân vận động Mỹ Đình, hay khai thác các công viên…).
Chưa phát huy được hết tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để phát triển công nghiệp văn hoá, công nghiệp giải trí. Đời sống vật chất và tinh thần của một số nghệ sĩ, vận động viên… còn cần những cơ chế, chính sách phù hợp hơn.
Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, nhất là ở vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa còn thiếu đồng bộ. Lĩnh vực thể dục, thể thao vẫn còn những hạn chế, bất cập ở cả thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao. “Các khu vực thành thị thì thiếu quỹ đất, nông thôn thì thiếu kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho hoạt động thể dục thể thao quần chúng”, Thủ tướng phát biểu.
Lĩnh vực du lịch đã đạt nhiều kết quả hồi phục tích cực, song vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Một số vụ việc phức tạp để kéo dài gây thất thoát, lãng phí nguồn lực, bức xúc trong dư luận. Công tác truyền thông chính sách cần tích cực hơn.
Thủ tướng nhấn mạnh bài học kinh nghiệm về nghiêm túc quán triệt, thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về VHTTDL; chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc. Đồng thời, luôn chủ động, đổi mới sáng tạo, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, giữa sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, quốc tế hóa nền văn hóa Việt Nam và dân tộc hóa văn hóa thế giới.
Thủ tướng lưu ý đặc điểm lớn của Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, do đó tinh thần là không cầu toàn, không nóng vội, nhưng phải mạnh dạn hơn, tầm nhìn xa hơn nữa để phát triển; công tác tham mưu phải chủ động, tích cực, kịp thời, linh hoạt hơn nữa; giải quyết dứt điểm các công việc, vấn đề tồn đọng; đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa hợp tác công tư, đẩy mạnh truyền thông chính sách.
Ngành VHTTDL không lơ là, chủ quan và không bi quan trước diễn biến phức tạp
Nhận định năm 2024 sẽ tiếp tục khó khăn, thách thức hơn năm 2023, Thủ tướng yêu cầu Bộ, ngành không thỏa mãn với những kết quả đã đạt được, không chủ quan, lơ là, cũng không cũng không bi quan, lo sợ trước những diễn biến phức tạp, khó khăn, thách thức, mà phải tự tin hơn, bản lĩnh hơn, mạnh mẽ hơn để phát huy tối đa sức mạnh của nền văn hóa, sức mạnh nội sinh, sức mạnh con người Việt Nam để vững bước đi lên, tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, tạo bứt phá, tăng tốc phát triển nhanh và bền vững lĩnh vực VHTTDL.
Về phương hướng và nhiệm vụ trọng tâm, Thủ tướng cơ bản nhất trí với phương hướng, nhiệm vụ đã được Bộ xác định, đồng thời lưu ý, nhấn mạnh thêm một số nội dung.
Trước hết, cần tiếp tục quán triệt sâu sắc, tập trung triển khai hiệu quả các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nuớc về văn hóa, nhất là Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc.
Thứ hai, quyết tâm tạo đột phá trong công tác thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về phát triển VHTTDL; chú trọng cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh gắn với đẩy mạnh chuyển đổi số. Khẩn trương hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 và Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới.
Thứ ba, tiếp tục bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị di sản, văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng, miền; đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý, khai thác di sản; từng bước giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển; đa dạng hóa các hình thức truyền thông, giáo dục về di sản. Kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn trong phát triển văn hóa, thể thao, du lịch nhanh và bền vững.
Ưu tiên đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo đi đôi với nâng cao chất lượng, hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa. Thủ tướng bày tỏ trăn trở, mong muốn đất nước tiếp tục có thêm những công trình, thiết chế văn hóa, thể thao tầm vóc, vừa mang bản sắc dân tộc, vừa tạo dấu ấn đột phá, tầm cỡ thế giới; đồng thời khai thác, phát huy hiệu quả tối đa những công trình, thiết chế đã có.
Phát huy mạnh mẽ vai trò của gia đình trong việc bồi dưỡng, xây dựng đạo đức, nhân cách con người, đề cao chuẩn mực giá trị đạo đức xã hội. Xây dựng văn hóa số, văn hóa mạng trong sạch, lành mạnh phù hợp với truyền thống văn hóa, lịch sử và bản sắc dân tộc.
Nguồn: Internet