Điều gây khó hiểu và bất ngờ đối với nhiều người đó là giải thưởng Thính phòng Bảng B có tới 3 giải Nhất trong khi chỉ có 2 giải Nhì và 4 giải Ba. Theo đó, giải Nhất được trao cho Nguyễn Thị Hà My (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), Trần Quốc Đạt (Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh), Đỗ Vũ Lan Nhung (Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam); Giải Nhì trao cho Nguyễn Bảo Yến (Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam), Nguyễn Trường Linh (Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam); Giải Ba trao cho Võ Nguyễn Thành Tâm (Nhà hát Giao hưởng – Nhạc, Vũ kịch TP.HCM), Phan Thị Dịu (Nhà hát Giao hưởng – Nhạc, Vũ kịch TP.HCM), Nguyễn Hữu Thắng (Trường Đại học VHNT Quân đội) và Trần Ngọc Lâm (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam).
Nhiều người cho rằng, với các cuộc thi âm nhạc, giải Nhất nhiều hơn giải Nhì là điều hiếm thấy. Thông thường, chỉ có những cuộc thi đồng giải Nhất chứ không mấy khi có tới 3 giải Nhất. Ngoài ra, một số ý kiến cũng cho rằng, các thí sinh được trao giải Nhất chưa hẳn đã là xuất sắc nhất.
Ở thính phòng Bảng A, giải Nhất được trao cho Trần Quang Cảnh (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), Lê Thị Minh Ngọc Cảnh (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam); Giải Nhì được trao cho Vũ Quang Công (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), Bùi Huyền Trang (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam); Giải Ba được trao cho Hoàng Uyên Nhi (Nhạc viện TP.HCM) và Phạm Bá Vinh (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam).
Trao đổi với Dân Việt, ca sĩ Lan Anh – giảng viên Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam bày tỏ, chị không phải là thành viên Hội đồng giám khảo nhưng có theo dõi phần dự thi của các thí sinh từ đầu đến cuối. Và chị hơi bất ngờ với kết quả chung cuộc của “Cuộc thi hát Thính phòng – Nhạc kịch – Hợp xướng toàn quốc 2023”.
“Qua theo dõi “Cuộc thi hát Thính phòng – Nhạc kịch – Hợp xướng toàn quốc 2023”, tôi nhận thấy ở bảng B có những giọng hát nổi trội là Bảo Yến, Phan Dịu, Trang Lê, Trường Linh, Hữu Thắng, Thành Ngân. Nhưng tôi thật sự ấn tượng với giọng hát của Bảo Yến và Trường Linh. Ở Bảo Yến tôi thích cách xử lý tác phẩm tinh tế, đúng tính cách nhân vật, tính chất và phong cách tác phẩm của từng thời kỳ, tác giả. Giọng hát sáng, đẹp, sạch sẽ, mặc dù bạn thi cuối cùng (lúc 1h sáng) nhưng giọng hát vẫn long lanh. Cách biểu diễn cũng sang trọng, vừa phải, chỉn chu.
Với Trường Linh, tôi ấn tượng bởi giọng hát nội lực, đúng một giọng hát Opera chuyên nghiệp, âm sắc rất sang trọng và phương Tây. Thí sinh này đã làm bùng nổ khán phòng Bảng A. Một số thí sinh khác cũng khá xuất sắc như: Huyền Trang, Uyên Nhi, Quang Cảnh, Quang Công… Nhưng có hai giọng hát thực sự khác biệt đó là Uyên Nhi và Huyền Trang. Các em tuổi còn trẻ nhưng rất trưởng thành về kỹ thuật và cảm xúc, tác phẩm dự thi thực sự đủ sức nặng để dự thi những quốc thi lớn”.
“Cuộc thi Âm nhạc mùa Thu 2023” và “Cuộc thi hát Thính phòng – Nhạc kịch – Hợp xướng toàn quốc 2023” được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 26/11 đến ngày 2/12 tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam với 167 thí sinh của 20 đơn vị nghệ thuật trên cả nước đăng ký dự thi. Trong đó, có 74 thí sinh đăng ký dự thi ở nội dung Độc tấu đàn Piano và đàn Violon; 33 thí sinh thuộc 10 nhóm đăng ký dự thi ở nội dung Hòa tấu nhạc cụ kèn Gỗ và kèn Đồng và 60 thí sinh đăng ký dự thi ở nội dung Hát Thính phòng – Nhạc kịch.
Theo BTC, trong 6 ngày đêm liên tục, với 18 buổi diễn thi ở tất cả các nội dung trong khuôn khổ 2 cuộc thi, các thí sinh đã tập trung cao độ, thể hiện hết sức cho phần thi của mình. Ở 2 cuộc thi lần này, tuy số lượng thí sinh dự thi không nhiều, nhưng các thí sinh tham gia được trải đều ở các lứa tuổi trong các bảng, nhất là bảng A và B. Các thí sinh đã trình diễn nghiêm túc, bảo đảm tính chuyên nghiệp và có chất lượng tương đối cao.
Với nội dung Độc tấu đàn Piano và Violon, các thí sinh đều trình bày các tác phẩm theo đúng qui định của Cuộc thi. Đã xuất hiện một số tài năng trẻ đầy triển vọng, các em đã có những bước tiến về diễn tấu sân khấu, có bản lĩnh, nhiều em đã làm chủ được kỹ năng và nghệ thuật biểu diễn ở trình độ cao. Đặc biệt có những em đã diễn xuất có cảm xúc âm nhạc và thể hiện được cá tính riêng của mình.
Với nội dung Hòa tấu âm nhạc thính phòng “Cuộc thi Âm nhạc mùa Thu 2023” là sân chơi hướng tới tất cả các đối tượng nghệ sĩ, giảng viên, sinh viên hoạt động trong lĩnh vực biểu diễn, giảng dạy, học tập âm nhạc thính phòng cổ điển. Tuy số lượng thí sinh tham gia lần này còn khá khiêm tốn nhưng các nhóm tham gia đã thể hiện khá tốt phần trình tấu của mình, điều đó cho thấy trình độ học thuật cũng như kỹ thuật sử dụng nhạc cụ của thí sinh là khá cao.
Về Thanh nhạc, với sự phát triển mạnh mẽ của các loại hình nghệ thuật giải trí, đặc biệt là dòng nhạc nhẹ, đã ảnh hưởng không nhỏ và có phần lấn át dòng nhạc cổ điển. Tuy nhiên, tại nhiều cơ sở đào tạo âm nhạc trên cả nước hiện nay, phương pháp hát thính phòng cổ điển vẫn được duy trì giảng dạy và phát triển. Cuộc thi lần này đã xuất hiện nhiều giọng ca trẻ triển vọng và khá đa dạng.
“Có thể đánh giá rằng, thông qua 2 cuộc thi lần này, chúng ta hoàn toàn có cơ sở và triển vọng để có thể đào tạo được những nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc giao hưởng, thính phòng cổ điển tài năng cho đất nước. Góp phần hội nhập quốc tế sâu, rộng và nâng tầm cho nền nghệ thuật âm nhạc của Việt Nam”, ông Tạ Quang Đông – Thứ trưởng Bộ VHTTDL phát biểu tại Lễ Bế mạc.
Nhiều bất hợp lý tại Cuộc thi Thính phòng – Nhạc kịch – Hợp xướng toàn quốc 2023
Phát biểu tại sự kiện, GS.TS, NSND Ngô Văn Thành – nguyên Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam – Chủ tịch Hội đồng Giám khảo cho rằng: “Cuộc thi âm nhạc mùa Thu 2023 quy tụ 170 thí sinh dự thi đã diễn ra thành công tốt đẹp. Cuộc thi phát hiện những tài năng mới, triển vọng mới trong lĩnh vực âm nhạc thính phòng cổ điển Việt Nam. Riêng bộ môn Piano có 52 thí sinh, lực lượng thí sinh từ đến từ 2 cơ sở đào tạo là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và Nhạc viện TP.HCM khá đồng đều và có những tài năng xuất sắc.
Giá như trong quy chế có đồng giải Nhất thì thỏa mãn Hội đồng Giám khảo chấm thi hơn. Bảng B Piano có nhiều thí sinh mạnh về trình độ kỹ thuật trình diễn tác phẩm. Bảng C có những tiến bộ vượt bậc với những tác phẩm lớn, có quy mô và tính học thuật cao. Những tác phẩm này đòi hỏi các em phải có tư duy chuẩn mựcm, trình độ quốc tế. Có thể nói các cuộc thi Piano đã phát hiện tài năng mới đáng khích lệ và hy vọng tài năng đó sẽ vươn lên ở tầm quốc tế.
Với bộ môn Violon, ưu điểm nổi bật là tính ưu việt trong diễn tấu bao gồm độ chính xác âm chuẩn. Chúng ta biết, ở bộ môn Violon, khi biểu diễn trên sân khấu để đạt độ chính xác về âm chuẩn là rất khó. Các thí sinh đã có bước tiến rất dài để cập nhật trình độ quốc tế và cũng thể hiện tốc độ nhanh.
“Cuộc thi hát Thính phòng – Nhạc kịch – Hợp xướng toàn quốc 2023” thu hút 60 thí sinh trên cả nước. Bảng A từ 18 đến 23 tuổi, B từ 24 tuổi trở lên. Thí sinh mang tác phẩm đúng quy chế cuộc thi, những tác phẩm bắt buộc 2 vòng thể hiện đúng, không vi phạm quy chế. Tác phẩm tự chọn nổi tiếng thế giới cũng được thí sinh chọn khá tốt, còn những tác phẩm Việt Nam được thí sinh chọn biểu diễn như những tác phẩm nước ngoài. Tuy nhiên, có một vấn đề quan trọng đó là phần đệm Piano chưa nâng được tầm được tác phẩm. Nói đúng hơn là chưa có phần đệm hay, chuẩn mực cho tác phẩm âm nhạc Việt Nam. Vì thế, đôi khi còn làm giảm tính chuyên nghiệp của tác phẩm Việt Nam.
Phải nói hát “Cuộc thi Thính phòng – Nhạc kịch – Hợp xướng toàn quốc 2023” yêu cầu cao hơn cuộc thi trước, chất lượng hát cổ điển được nâng cao hơn. BGK đã xác định được những giọng ca tài năng mới trong dòng nhạc hát thính phòng – nhạc kịch – hợp xướng.
Có thầy trong BGK đã muốn trao giải cao hơn giải nhất cho một trong những thí sinh là hiện tượng tài năng của giới thanh nhạc. Thông qua cuộc thi chúng ta đã phát hiện được những tài năng trẻ của Việt Nam đang tiến bộ nhanh chóng theo hướng chuyên nghiệp”.
GS.TS, NSND Ngô Văn Thành cũng đề nghị cần phải đầu tư dài hơi cho các thí sinh tham gia các cuộc thi chuyên nghiệp trong nước và quốc tế. Theo NSND Ngô Văn Thành, trong quá trình tổ chức 2 cuộc thi, có một số buổi sắp xếp thi chưa hợp lý. Giọng hát Aria đỉnh cao phải thể hiện phần thi giữa đêm, toàn bộ các phẩm dự thi chỉ có 30 phút. Trong những lần tổ chức tới, cả 2 cuộc thi nên mở rộng cho thí sinh quốc tế dự thi để Việt Nam cập nhật trình độ âm nhạc của quốc tế.
Nguồn: Internet