Cảm xúc của chị thế nào khi có tên trong danh sách các nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) công bố vào tháng 11/2023 vừa qua?
– Biết tin được phong tặng danh hiệu NSND, tim tôi khi ấy đập thình thịch rộn ràng. Niềm vui khó tả lắm! Ngay sau đó, tôi được đồng nghiệp, bạn bè thân thiết gọi điện, nhắn tin chúc mừng. Trước đó, nhiều người không thấy có tôi trong danh sách được phong tặng NSND đợt 1 nên cũng không dám hỏi, không dám nói gì, có lẽ vì sợ tôi buồn.
Danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân với tôi là một niềm vinh dự lớn, một động lực để tôi tiếp tục làm việc, cống hiến và phục vụ cho nền nghệ thuật nước nhà. Bên cạnh niềm vui, tôi cũng tự nhủ mình cần có trách nhiệm hơn trong các vai diễn và hoạt động nghệ thuật mà tôi đang theo đuổi.
Phải đến đợt 2 của lần phong tặng thứ 10, nghệ sĩ Trịnh Kim Chi mới có tên trong danh sách các nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu NSND. Lúc đó, chị có chuẩn bị tâm lý rằng mình không được xét tặng?
– Khi danh sách NSND được phong tặng đợt đầu tiên được công bố và không có tên mình, tôi cảm thấy khá buồn nhưng không để cảm xúc đó ảnh hưởng đến công việc. Tôi cũng không nghĩ sẽ có đợt 1, đợt 2 công bố danh hiệu NSND, nên thực sự đã tin mình không được.
Thế nhưng, tôi nhanh chóng quên điều đó đi vì luôn tin rằng, nếu mình cố gắng thì không được phong tặng danh hiệu NSND đợt này vẫn có thể sẽ được phong tặng danh hiệu đợt khác.
Bên cạnh niềm vui của chị, vẫn tồn tại không ít tranh cãi trái chiều xoay quanh việc xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT, khi nhiều nghệ sĩ tên tuổi không có tên trong đợt phong tặng lần này. Chị có tiếc nuối cho họ?
– Với tôi, danh hiệu nào cũng cao quý, đáng tự hào trong cuộc đời của người nghệ sĩ và để cho con cháu, người thân của mình mai sau hãnh diện. Tuy nhiên, điều quan trọng và quý giá nhất với người nghệ sĩ vẫn là được khán giả, nhân dân công nhận. Thực tế, nhiều nghệ sĩ khi họ mất đi rồi, vẫn luôn được khán giả nhớ đến và trân trọng.
Tôi nghĩ nếu không được phong tặng năm nay hẳn trước sau gì nghệ sĩ đó cũng được công nhận bởi họ có những đóng góp cho nghệ thuật nước nhà. Tôi chỉ hy vọng rằng, đừng để việc này quá trễ, sẽ làm giảm đi giá trị của việc phong tặng, tôn vinh đối với các nghệ sĩ. Vì vậy ngoài những tiêu chí về mặt huy chương, tôi nghĩ nên cân nhắc đến những tiêu chí về sự cống hiến, sức ảnh hưởng của nghệ sĩ trong việc phong tặng danh hiệu.
Gần đây, cũng không ít nghệ sĩ được phong danh hiệu NSƯT, NSND vướng phải những tin đồn bủa vây, tranh cãi trái chiều. Thậm chí, có người còn bị cư dân mạng kêu gọi “tẩy chay”, “tước danh hiệu”… Chị có lời khuyên nào dành cho các nghệ sĩ trong việc giữ gìn hình ảnh, danh tiếng?
– Tôi không dám khuyên nhủ ai, chỉ mạo muội nghĩ rằng mỗi người dù có phải nghệ sĩ hay không, đạt được danh hiệu thế nào vẫn cần có ý thức, cố gắng để bảo vệ uy tín cũng như tên tuổi của mình.
Đặc biệt, khi bản thân đã là người của công chúng thì những phát ngôn, hành động… càng cần phải có sự cân nhắc xem liệu mình thể hiện như vậy có ảnh hưởng đến người xung quanh, ảnh hưởng đến công việc, danh tiếng hay không.
Nhìn lại chặng đường đã qua, nhân duyên của chị với nghệ thuật sân khấu đã bắt đầu như thế nào?
– Từ những ngày còn rất nhỏ, tôi đã được theo chân mẹ tới các đoàn làm phim của hãng phim Nguyễn Đình Chiểu gặp gỡ những nghệ sĩ, chứng kiến quá trình họ làm việc. Thời điểm ấy, mẹ tôi là người đảm nhiệm vai trò trang điểm trong đoàn, thường xuyên mang con gái tới nơi làm việc.
Thế nhưng, tới một ngày cuối năm học lớp 12, nhân duyên mới chính thức tới với tôi, khi trường phổ thông tôi theo học tổ chức một đêm văn nghệ chia tay. Trước đó, chúng tôi qua trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh (khi đó là trường Nghệ thuật Sân khấu 2) để mượn trang phục về biểu diễn. Nhìn thấy một số lớp đang luyện thi, tôi nảy ra suy nghĩ trong đầu và tò mò hỏi cô giáo tại đây: “Cô ơi, có phải nhà trường đang tuyển sinh không? Liệu em có đăng ký được không?”. Cô bảo tôi về làm hồ sơ ngay đi, mai hạn cuối rồi. Tôi gấp rút về chuẩn bị, sau đó thi đỗ vào trường, đặt những bước chân đầu tiên lên con đường nghệ thuật.
Trong số những thành tích, huy chương chị đạt được suốt nhiều năm làm nghề, tấm huy chương nào được chị coi là “dấu son”, cột mốc đáng nhớ nhất?
– Năm 1995, tôi đoạt Huy chương Vàng đầu tiên trong sự nghiệp hoạt động nghệ thuật khi đóng vai Giang trong vở diễn “Bước qua lời nguyền” của đạo diễn Trần Ngọc Giàu. Vai diễn này khiến tôi vô cùng ấn tượng, bởi đây cũng là lần đầu tiên tôi được bước lên sân khấu của Nhà hát TP.HCM, được tham gia trong một tác phẩm có sự kết hợp giữa sân khấu và âm thanh của điện ảnh đầy sống động. Giây phút nhận huy chương, cảm xúc của tôi vỡ òa, không có gì diễn tả được.
Trong lần xét tặng danh hiệu NSƯT năm 2015, tôi đã phải lặn lội khá cực để chứng thực mình từng đoạt Huy chương Vàng nhờ vở diễn này. Bởi sau khoảng thời gian hơn 20 năm trôi qua, gia đình tôi chuyển nhà không ít lần khiến tôi bị thất lạc tấm Huy chương Vàng đó. Đây cũng là dấu mốc đã in sâu vào ký ức khiến tôi không thể nào quên.
Sau này, tôi cũng nhận thêm được những Huy chương Vàng khác nữa. Trong đó, tôi xúc động, hạnh phúc khi được nhận tấm Huy chương Vàng cho vở diễn Rặng trâm bầu do tôi đạo diễn, đồng thời đóng chính với nội dung ca ngợi nhân vật có thật là bà mẹ Việt Nam anh hùng Đoàn Thị Nghiệp. Vở diễn này từng được chuyển thể từ bộ phim cùng tên của đạo diễn Bùi Đình Thứ mà tôi từng tham gia diễn xuất từ nhiều năm trước.
Hiện tại, khi nói về sân khấu Trịnh Kim Chi, đông đảo khán giả sẽ nhắc đến vở diễn Rặng trâm bầu.
Với sự công nhận của cả giới chuyên môn và khán giả, khi sân khấu và phim ảnh ở thời kỳ hoàng kim, cát-xê của chị chắc hẳn không hề thấp?
– Đương nhiên mức cát-xê của tôi cao dần lên khi tiếng tăm được củng cố, thực lực được khẳng định. Nhà sản xuất biết được mình ở vị trí nào, họ tự đưa ra mức giá tương xứng với vị trí đó. Từ trước tới giờ, tôi đã nhận lời thì sẽ không bao giờ đòi hỏi về chuyện cát-xê.
Không ít trường hợp, khi tham gia làm phim hoặc đóng kịch, biết người ta đang khó khăn, tôi chẳng lấy cát-xê, hoặc có cầm cũng chỉ là chút ít tượng trưng rất nhỏ. Với tôi, điểm đáng quý của người nghệ sĩ chính là sự chia sẻ và thông cảm, mình cho đi cũng là mình đang nhận lại. Tới lúc tôi trở thành bầu show, không ít nghệ sĩ, diễn viên họ cũng đến với tôi bằng sự quan tâm, sự chia sẻ như vậy.
Có người khó khăn quá, cứ kêu áy náy vì thiếu nợ tôi. Tôi phải an ủi họ rằng: “Đừng quan tâm tới những chuyện đó nữa, không có gì quan trọng hết cả”, để họ cảm thấy nhẹ lòng. Nghệ sĩ nào cái tôi cũng lớn, tôi cũng vậy thôi. Nhưng nếu như họ được tôn trọng, được đối xử tử tế thì kiểu gì cũng được hết.
Bên cạnh sự tỏa sáng trên sân khấu kịch, chị còn được biết tới trong vai trò của bà bầu sân khấu kịch Trịnh Kim Chi từ năm 2015. Công việc của người cầm trịch một sân khấu chắc hẳn không hề đơn giản?
– Đúng vậy, khi trở thành người quản lý sân khấu, mọi thứ trở nên hoàn toàn khác biệt. Tôi vẫn nhớ những ngày mới bắt tay vào làm, tôi stress kinh khủng, không ít lần cáu gắt, nóng nảy với mọi người. Cảm giác khi ấy là trăm thứ đổ vào đầu, từ việc lớn tới việc nhỏ, việc gì mình cũng phải quyết định và lo toan, không ai thay mình được.
Đến lúc mọi thứ đã chạy xong để vở diễn – “đứa con tinh thần” của mình ra đời, lại một bài toán khác đặt ra: Làm sao để có khán giả đầy ắp dưới mỗi hàng ghế? Tôi loay hoay đủ kiểu, livestream bán vé, hay tiếp thị tới một số cơ quan, doanh nghiệp. Việc gì chúng tôi cũng loay hoay, tìm cách, không phải để có lãi đâu, mà để đủ kinh phí và duy trì được sân khấu.
Dần dà tôi rút ra được kinh nghiệm, để mọi thứ hanh thông, trước hết mình phải ôn hòa, khéo léo và quyết đoán. Là bầu show, tôi cần thoải mái tinh thần, càng căng thẳng thì càng rối. Cứ bình tĩnh và lắng lại, từng việc một rồi sẽ được giải quyết.
Hơn 30 năm theo nghề, chị chắc hẳn đã gặp không ít khó khăn, điển hình là thời gian sân khấu chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 vừa qua. Đã khi nào chị nghĩ “hay là mình bỏ quách đi”?
– Tôi nhớ thời điểm con học trong trường, lớp tôi có tới 32 người. Thế nhưng đến giờ, chỉ còn duy nhất có tôi theo nghiệp diễn viên, một bạn khác làm đạo diễn truyền hình, tất cả những người còn lại đã tìm tới một bến đỗ khác. Có lẽ, sân khấu đã trở thành một cái nghiệp mà tôi không buông bỏ được, cũng chưa bao giờ có ý định từ bỏ. Nó ăn vào máu mình rồi, như thể ông Tổ nghiệp chọn cho mình vậy.
Không phải riêng tôi đâu, rất nhiều anh em nghệ sĩ gặp khó khăn khi theo đuổi lĩnh vực sân khấu. Thậm chí không ít người vất vả hơn tôi nhiều, đôi khi chẳng thể có việc làm, thế nhưng họ vẫn kiên trì và đeo bám.
Những năm dịch 2020 – 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, sân khấu chững lại và hầu như không hoạt động. Có những thời điểm, đêm diễn không bán được vé, tới ngày kịch công diễn, chúng tôi đành phải trả lại tiền vé cho khán giả. Lúc ấy, tôi đau lòng và căng thẳng kinh khủng, thế nhưng cũng luôn tự nhủ mình phải tìm cách vượt qua.
Thật ra, anh em nghệ sĩ đều rất yêu sân khấu. Chúng tôi xác định không lỗ là được, tiền công thấp cũng “ok”, miễn có nơi hoạt động nghệ thuật và giữ lửa làm nghề. Cũng bởi anh em diễn viên họ máu lửa như mình, hừng hực như mình, tôi mới không bỏ cuộc.
Năm 2023, sân khấu đã bắt đầu vực dậy và có phần xôm tụ hơn trước đó. Khán giả tới xem rất đông, nhiều sản phẩm nghệ thuật chất lượng có cơ hội ra đời. Những tín hiệu này khiến chúng tôi thấy vô cùng mừng rỡ, càng tin sự kiên trì của mình rồi cũng tới ngày có thành quả.
Chị có còn nhiều ký ức về cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2024, nơi chị giành danh hiệu Á hậu 2 và được đông đảo công chúng trên cả nước biết tới?
– Đương nhiên những kỷ niệm đó vẫn còn trong tôi, khi tôi được tham gia cuộc thi tổ chức tại thủ đô Hà Nội – mảnh đất quê hương nơi tôi sinh ra và gắn bó những ngày thơ ấu. Tại đây, tôi cũng lọt vào Top 3 người dành danh hiệu cao nhất – đó là niềm vinh dự lớn dành cho tôi, cho gia đình và dòng họ của mình.
Khi ấy, tôi dự thi sau khi nhận lời mời của báo Tiền Phong. Do gia đình không quá khá giả, tôi chắt chiu từng chút để tham gia mỗi vòng. Ban đầu, tại khu vực đồng bằng Đông Nam Bộ, tôi mặc hết những đồ mình có sẵn, không đầu tư gì hết. Tới lúc đạt danh hiệu Hoa khôi, tôi mới “đánh liều” đi mượn 3 triệu để may quần áo, ra ngoài Bắc thi Chung kết. Số tiền ấy, tôi đủ may được một bộ dạ hội, 2 áo dài cho 2 đêm, còn lại make-up, làm tóc đều tự túc.
Kết thúc cuộc thi, tôi nhận danh hiệu Á hậu 2, cũng được trao giải Ứng xử hay nhất. Đang là một cô sinh viên, bỗng nhiên được vinh danh là một trong những người có nhan sắc, cảm xúc của tôi khi ấy khó tả lắm. Hồi đó, các sân chơi nhan sắc rất hiếm hoi, cũng được tổ chức kỹ lưỡng, cẩn thận. Cũng bởi vậy, dù không có internet, bất kỳ cô gái đoạt giải cũng được công chúng nhớ tới rất lâu sau đó.
Những ngày gần đây, tên tuổi chị luôn được nhắc tới với việc trở thành Á hậu đầu tiên trong lịch sử được trao tặng danh hiệu NSND. Chị nghĩ lý do gì đã khiến mình đạt được thành công đó?
– Ngoài đam mê, nghệ sĩ theo nghề cần sở hữu vẻ ngoài đẹp, phải sáng sân khấu. Thực tế, các Hoa hậu, Á hậu đã có lợi thế về ngoại hình. Ai muốn làm nghề giỏi thì bản thân cần phải trau dồi về kiến thức, học một cách bài bản từ thầy cô, học hỏi đồng nghiệp…
Hiện tại, có vẻ hơi hiếm Hoa hậu, Á hậu xuất hiện trên sân khấu, nhưng nhiều người đẹp cũng đã tích cực đi đóng phim, có một số Hoa hậu, Á hậu đóng phim rất tốt. Vấn đề là họ có chịu khó, yêu nghề, muốn gắn bó với nghề bền bỉ hay không? Thực tế, một số Hoa hậu, Á hậu đóng một vài phim rồi họ lại nghỉ.
Tôi hy vọng các Hoa hậu, Á hậu sẽ có thể phát huy được “vũ khí” rất quan trọng là lợi thế về mặt sắc vóc để hoạt động, cống hiến cho nghệ thuật trong tương lai.
Không ít Hoa hậu, Á hậu khi đóng phim thường bị đánh giá là “bình hoa di động”. Liệu nghệ sĩ Trịnh Kim Chi có từng nhận về những bình luận tương tự? Chị đã có sự nỗ lực thế nào để đạt được thành quả như hiện tại?
– Tôi xác định làm nghề nên đã học tập bài bản tại trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh TP.HCM từ trước thời điểm tôi tham gia cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 1994. Từ đó, tôi phấn đấu trong từng vai diễn, vận dụng những kiến thức, kinh nghiệm đã học và luôn trau dồi ở cả lĩnh vực sân khấu, điện ảnh. Được học tập chính quy, chuyên nghiệp và không ngừng học hỏi nên tôi không phải nhận về những bình luận, nhận xét là “bình hoa di động”.
Trước đây, tôi thấy việc làm phim thường coi trọng về sắc vóc của những người tham gia nên đôi khi chỉ cần có tên một Hoa hậu trong bộ phim nào đó là có thể bán được nhiều vé. Bởi vậy, Hoa hậu khi đi đóng phim nếu không thật sự xuất sắc dễ bị so sánh với “bình hoa di động”.
Hiện nay, các Hoa hậu, Á hậu cũng đã cân nhắc rất kỹ lưỡng khi thật sự muốn tham gia diễn xuất. Bởi khi xuất hiện trong một bộ phim nào đó, họ có thể thành công rực rỡ, nhưng cũng không tránh khỏi việc thất bại. Phía các nhà làm phim cũng đã có sự chuẩn bị, thậm chí đào tạo ngắn hạn, dài hạn cho những người đẹp khi tham gia đóng phim để người xem có thể cảm nhận được vai diễn của họ. Vì vậy việc so sánh Hoa hậu, Á hậu diễn xuất như “bình hoa di động” trong thời đại ngày nay cũng bớt đi nhiều. Khi theo dõi phim có Hoa hậu, Á hậu tham gia diễn xuất gần đây, tôi đánh giá chung là họ diễn cũng tròn vai. Điều đó khiến tôi cảm thấy vui và an tâm hơn.
Là người luôn đồng hành với chị trong cuộc sống và công việc, phản ứng của ông xã thế nào khi biết chị được phong tặng danh hiệu NSND?
– Tôi nhớ hôm đó ông xã đưa cho tôi xem tờ báo đăng tải thông tin tôi có tên trong danh sách được phong tặng danh hiệu NSND. Lúc đó, biểu cảm của ông xã vô cùng bình thường, không hồ hởi hay nói gì đặc biệt về tôi. Đến khi cả gia đình ăn cơm, anh ấy mới trò chuyện với con gái: “Con có biết mẹ có tin vui gì không?”. “Là tin gì ba?”, con gái hỏi và liền được anh ấy trả lời hài hước rằng: “Mẹ con được phong tặng danh hiệu NSND rồi đó! Ghê chưa! Ghê chưa!” (cười). Lúc đó, hai bố con mới bắt đầu nói chuyện rôm rả.
Tôi thấy ông xã ít khi thể hiện những cảm xúc ra ngoài. Thế nhưng, tôi cảm nhận được niềm vui trong anh và tôi nghĩ anh ấy chắc hẳn có sự hãnh diện nhất định vì tôi.
Có khi nào ông xã “than thở” hay chạnh lòng vì chị quá tất bật với công việc không?
– Hiện tại, cuộc sống của tôi viên mãn khi các con ngoan ngoãn, yêu thương nhau. Đặc biệt, ông xã đã luôn thấu hiểu công việc của tôi, luôn khích lệ để tôi có sự yên tâm. Tuy nhiên, không phải vì thế mà tôi xao nhãng công việc của gia đình.
Đôi khi ông xã thấy tôi lao vào công việc nhiều quá nên cũng “nhắc khéo” đôi lần. Nhưng cũng không ít lần, chồng hỏi tôi rằng: “Sao lâu lắm rồi không thấy vợ đi quay phim?”. Đặc biệt là dịp cận Tết khi công việc bộn bề, tôi cũng chia sẻ và mong chồng có thể thông cảm cho mình hơn. Lúc này, ông xã hài hước nói: “Đâu phải chỉ gần Tết, lúc nào cũng thấy vợ bận rộn mà”. (Cười).
Ngoài sự thấu hiểu từ hai phía, gia đình NSND Trịnh Kim Chi còn có bí quyết gì để “giữ lửa” hạnh phúc?
– Vợ chồng tôi dù bận rộn nhưng luôn cố gắng thu xếp công việc để cùng các con ăn cơm chung ở nhà. Đặc biệt, tôi thấy mình may mắn khi có chồng là người yêu thích nghệ thuật. Đôi khi có những tác phẩm của tôi do ông xã góp ý một số điều từ kiến thức anh tìm tòi, am hiểu.
Bao nhiêu tình cảm, sự yêu thương chồng tôi đều dành hết cho gia đình. Có lẽ cuộc đời của anh chỉ có vợ con thôi. Vì anh luôn biết được vợ nghĩ gì, muốn gì trong đầu, theo thời gian tôi cũng học được cái tính đó, nhạy cảm với tất cả những gì mà anh muốn. Cũng bởi vậy, gia đình tôi khá hòa hợp và không bao giờ nảy sinh tranh cãi.
Tôi cũng nghĩ sự hòa thuận trong gia đình bắt nguồn từ ý thức của các thành viên. Không phải vì tôi được ông xã yêu chiều, nhường nhịn mà tôi làm tất cả mọi việc theo ý của mình. Tôi luôn trân trọng sự hy sinh của chồng khi mình bị kéo vào guồng quay của công việc. Khi bản thân cũng không nên đề cao cái tôi, ắt hẳn người bạn đời sẽ hiểu được điều đó và trân trọng.
Cảm ơn những chia sẻ của chị!
Nguồn: Internet