Rie Kudan, người đoạt giải thưởng văn học danh giá nhất Nhật Bản Akutagawa đã tiết lộ rằng, một phần của cuốn sách mới của mình được sáng tạo bởi ChatGPT, một hệ thống trí tuệ nhân tạo.
Tác giả 33 tuổi, người viết cuốn tiểu thuyết mới có tựa đề “Tokyo Sympathy Tower” (Tháp cảm ở Tokyo – tạm dịch) đã nhận được sự thích thú của ban giám khảo giải thưởng văn học Akutagawa. Ban giám khảo đã đánh giá cuốn sách là “hoàn hảo đến mức khó tìm ra lỗi” và tại lễ trao giải, Rie Kudan đã gây sốc tiết lộ rằng, cô đã tận dụng những lợi thế của trí tuệ nhân tạo để sáng tác tác phẩm này.
Tranh cãi tác phẩm giành giải thưởng văn học danh giá nhất Nhật Bản sử dụng AI
Kudan cho biết, khoảng 5% nội dung của cuốn sách được tạo ra bởi ChatGPT. Cô cũng không ngại bày tỏ bản thân thường xuyên trò chuyện với trí tuệ nhân tạo này để tìm kiếm cảm hứng và chia sẻ suy nghĩ thầm kín. Cô tin rằng, việc sử dụng phần mềm AI đã giúp cô phát huy tiềm năng sáng tạo và mong muốn duy trì “mối quan hệ tốt” với AI.
Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người đều có chung quan điểm về hành động kết hợp giữa văn hóa và trí tuệ nhân tạo của nữ tác giả này. Một số người nghi ngờ về tính đạo đức và đặt ra câu hỏi, liệu Rie Kudan có xứng đáng nhận giải thưởng văn học danh giá này của Nhật Bản hay không?
Một người dùng trên mạng xã hội X viết: “Vậy là cô ấy đã viết một cuốn sách bằng cách sử dụng AI một cách khéo léo… Đó có phải là tài năng không? Tôi không biết nữa”.
Nhà văn Keiichiro Hirano, là thành viên ủy ban giải thưởng văn học Akutagawa cho biết, ban giám khảo không coi việc sử dụng AI của Rie Kudan là một vấn đề.
“Có vẻ như câu chuyện tác phẩm đoạt giải thưởng của Rie Kudan được viết bằng AI đã bị hiểu nhầm… Nếu bạn đọc nó thì bạn sẽ thấy rằng AI cũng đã được đề cập trong tác phẩm. Sẽ có vấn đề với cách sử dụng AI trong tương lai, nhưng đó không phải là trường hợp của “Tokyo Sympathy Tower””.
Nhưng trong khi một số người trên mạng xã hội bày tỏ sự quan tâm đến việc sử dụng AI một cách sáng tạo của Kudan và cho biết, giờ đây họ quan tâm hơn đến tác phẩm của cô ấy thì những người khác lại cho rằng, điều đó là “thiếu tôn trọng” đối với những tác giả khác đã viết mà không có sự trợ giúp của công nghệ.
ChatGPT là công cụ trí tuệ nhân tạo ra mắt vào năm 2022, hiện đang gây lo ngại trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Nhiều nhân vật nổi tiếng trong thế giới văn hóa đã chỉ trích nó là “cái chết của nghệ thuật thực sự” và “sự nhạo báng lố bịch đối với con người”.
Mới đây, tác giả người Anh Salman Rushdie cũng bày tỏ quan điểm của mình khi cho rằng, một đoạn văn bản tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo là “rác rưởi”. John Grisham và tác giả “Game of Thrones” George RR Martin đã thậm chí đệ đơn kiện tập thể năm 2023 chống lại OpenAI, người sáng tạo ChatGPT, về cáo buộc vi phạm bản quyền.
Trong khi đó, năm ngoái, một nghệ sĩ từ chối giải thưởng của Giải thưởng Nhiếp ảnh Thế giới Sony vì bức ảnh đoạt giải của họ thực ra được tạo bằng chương trình AI DALL-E 2, không phải là một tác phẩm nhiếp ảnh truyền thống.
Nguồn: Internet