Bộ phim Cu li không bao giờ khóc của nhà làm phim Phạm Ngọc Lân, do Nghiêm Quỳnh Trang và Trần Thị Bích Ngọc sản xuất.
Cu li không bao giờ khóc đánh dấu lần thứ 4 điện ảnh Việt Nam tranh giải tại LHP uy tín này. Đây cũng là tác phẩm tiếp theo Phạm Ngọc Lân có phim tham dự LHP Berlin, sau năm 2019 với tác phẩm Một khu đất tốt tranh giải tại hạng mục phim ngắn, năm 2016 với tác phẩm Một thành phố khác cũng tranh giải hạng mục này.
Hạng mục Panorama tại LHP Berlin khám phá những tiếng nói mới trong điện ảnh. Trong 2 hạng mục của Panorama, tác phẩm Cu li không bao giờ khóc tranh giải ở hạng mục phim hư cấu.
Cu li không bao giờ khóc được đạo diễn trẻ ấp ủ thực hiện từ năm 2017 và phát triển trong thời gian dài. Hai nhà sản xuất Nghiêm Quỳnh Trang và Trần Thị Bích Ngọc, từng sản xuất các phim nghệ thuật như Bi, đừng sợ! hay Tro tàn rực rỡ, tiếp tục “nâng đỡ” dự án. Đạo diễn Phan Đăng Di góp mặt trong ê-kíp với vai trò sáng tạo nghệ thuật.
Phim kể một phụ nữ nghèo người Việt (do NSND Minh Châu đóng) trở về Đức để nhận tro cốt của người chồng đã qua đời và một con cu li. Khi quay lại Việt Nam, bà hay tin đứa cháu gái mang thai và chuẩn bị làm đám cưới…
Tốt nghiệp ngành Quy hoạch đô thị, trường Đại học Kiến Trúc, Phạm Ngọc Lân thỏa sức bay bổng với không gian, thoát khỏi những ràng buộc thường thấy của một người làm phim.
Phạm Ngọc Lân đến với điện ảnh từ một sự khám phá tình cờ và dần dần, nhờ nhiếp ảnh. Thời sinh viên, để lấp bớt thời gian “không biết làm gì”, cậu lang thang khắp nơi để chụp ảnh. Khi bắt đầu chán các bức ảnh đơn lẻ, Lân chuyển qua chụp theo đề tài. Hai bộ ảnh của anh, một quanh những chú ngựa già nơi trường đua bị đem ra xẻ thịt; hai miêu tả cuộc sống của người Việt ở Campuchia và tìm cách ở lại Lào đều có chiều sâu, sức nặng và đặc tả cái đẹp mà bất cứ người chụp ảnh chuyên nghiệp nào khi xem cũng phải thán phục.
Sau hai bộ ảnh đó, Phạm Ngọc Lân nhận ra giới hạn của nhiếp ảnh và bắt đầu manh nha ý nghĩ thử sức với phim ảnh. Anh tham gia khóa học về dựng phim ở DocLab (một tổ chức phi lợi nhuận dành cho các nhà làm phim trẻ, nghệ sĩ đương đại). Video đầu tiên của Lân xoay quanh những người trong một lớp khiêu vũ. Dù chỉ là một đoạn phim ngắn, nhưng nó cho thấy khả năng của anh với điện ảnh.
Video tiếp theo là phim ngắn về những chiếc tivi lỗi thời bị đập vỡ. Không giải thích, không kể một câu chuyện liên tục, tất cả những gì Lân làm như một bước thử nghiệm trưng ra trạng thái của “nhân vật” mà giấu đi câu chuyện phía sau nó. Chuyện của mọi nhà – có tiếng radio là nhân vật chính được đặt trong những không gian khác nhau, là phim ngắn “tốt nghiệp” khóa học làm phim tại DocLab của Lân.
Phim từng tranh giải YxineFF 2012 và góp mặt tại các liên hoan phim (LHP) tài liệu danh tiếng thế giới như CPH: DOX (Đan Mạch), Visions du Réel (Thụy Sĩ)… Khóa học tại Gặp gỡ mùa thu năm 2013 với đạo diễn Trần Anh Hùng đã tiếp sức và vạch ra con đường rõ ràng hơn cho Lân với điện ảnh.
Ngay ở phim ngắn thứ hai Một thành phố khác, đạo diễn Phạm Ngọc Lân đã được các liên hoan phim (LHP) quốc tế chào đón nồng hậu. Nhà phê bình Marcus Mạnh Cường Vũ cho biết, việc phim này được chiếu 8 buổi tại LHP Berlin (Đức, năm 2016) là một kỷ lục của phim ngắn. Tháng 6 năm 2019 đánh dấu son cho Một khu đất tốt với giải cao nhất hạng mục Phim ngắn nước ngoài tại LHP ngắn quốc tế Vienna (Áo), đủ điều kiện để tranh giải Oscar phim ngắn vào năm 2020.
Đạo diễn Phạm Ngọc Lân làm phim nào cũng có giải thưởng. Tuy nhiên, anh kín tiếng, cũng như không chủ động truyền thông rộng rãi khi tác phẩm được giải. Anh mong muốn được tập trung làm phim, và ở đó, có được cách làm riêng của mình.
Nguồn: Internet