Hình ảnh con tép vốn dĩ vô cùng gần gũi với người dân Nam Bộ nói chung và miền Tây nói riêng. Khác với ruốc biển, thân mỏng, nhỏ xíu, con tép mòng miền Tây thường to hơn con ruốc, mình cỡ bằng đầu đũa, vỏ cứng có màu trong xanh như ngọc thạch.
Những ngày mùa hè oi ả, khi dòng sông chung quanh nước cạn dần, tôi thường theo chân ba ra đồng xúc tép. Đa phần bà con quê tôi chọn cách đi xúc tép về để dành làm thức ăn nuôi lươn, cò. Mỗi khi mang tép về, ba tôi vẫn thường ngâm nga câu ca dao: “Công anh xúc tép nuôi lươn/ Nuôi cho nó lớn nó trườn đi xa”.
Khi thấy chúng tôi băn khoăn về ý nghĩa của câu, ba tôi – người vốn là một giáo viên văn về hưu non đã nhẹ nhàng giải thích hình ảnh con tép đưa vào ca dao, tục ngữ để nói lên tấm lòng thật thà, chăm chỉ hay giúp đỡ chia sẻ. Nhưng đáng tiếc là đôi khi giúp đỡ bằng cả tấm lòng vẫn gặp phải sự phản bội và vong ân bội nghĩa của con người.
“Trong ký ức tuổi thơ của tôi thì cứ vào khoảng tháng 5, khi ngọn gió mát làm dập dềnh sông Hậu, tép sẽ xuất hiện trong hầu hết các con rạch, mương, ao, hồ đồng ruộng. Sau giấc ngủ dài vào mùa xuân trong lớp vỏ bám trên mặt ruộng hay trong các hang ếch, cua, lươn, rắn… các chú tép sẽ bắt đầu một cuộc sống tự lực cánh sinh. Đây cũng là thời điểm bà con nông dân quê tôi bắt đầu sạ lúa, những thảm mạ xanh tươi cứ thế trưởng thành dần theo con nước, các chú tép cũng lớn dần lên.
Khoảng từ tháng 7- 8 Âm lịch, khi lúa bắt đầu chín rộ vàng đồng, bà con quê tôi vốn nôn nao cho mùa gặt mới nên bắt đầu tháo nước ở ruộng xuống hầu hết các kênh, rạch. Đây cũng chính là mùa đánh bắt tép lý tưởng. Ở quê tôi có nhiều cách đánh bắt đa dạng khác nhau. Tuy nhiên, cách đơn giản nhất thường là dùng cách đóng đáy, đặc lú, đặt lọp, chài lưới hay xúc bằng rổ”.
Còn nhớ có một thời ở quê tôi, không dưng lại rộ lên phong trào bắt tép bằng lưới bát quái. Tôi nghe thấy thế cũng khá thú vị nên cũng quyết chí bắt chước cho bằng bạn bè. Thấy tôi mang những chiếc lưới bát quái tự chế ra đánh bắt, ba tôi chỉ cười cười chứ chẳng nói gì. Cứ ngỡ công việc giản đơn, đứa trẻ con là tôi khi ấy nhẹ nhàng đặt lưới xuống mương rồi ngồi thong thả chờ, chẳng thể ngờ lúc kéo lên chỉ có mấy con tép rong nhảy lách tách như đùa cợt sự ngô nghê của tôi.
Nhìn đứa con trai cứ vò đầu bứt tóc, ba tôi thấy tội nghiệp bèn lên tiếng: “Con không bỏ mồi vô lưới thì làm sao tép chịu vô đớp mồi được con”. Ba nói rồi thì nhanh chóng qua hàng xóm xin mấy con cua đồng chú Tư, sau đó khẽ khàng đập dập rồi cho vào lưới của tôi. Tôi thấy thế thì vững tin, bèn nhẹ nhàng đặt lưới vào buổi tối. Quả nhiên, khi thức giấc vào buổi sáng đã nhìn thấy cơ man nào là tép rong và cá bống.
Tép mòng với người dân quê tôi là nguồn thực phẩm bình dân, rẻ tiền nhưng giàu chất đạm và canxi và dễ chế biến. Những ngày nhàn tản, ba tôi thường chế biến món tép um để lai rai cùng mấy ông bạn nhậu. Hôm nào xúc tép được nhiều, mẹ tôi cũng sẽ tranh thủ chế biến thêm món tép rang thơm cay xè, hoặc tận dụng tép để làm mắm với cái mùi khai nồng nhưng ngọt và ngon hết biết.
Thi thoảng, nhà không có thức ăn, mẹ tôi hay kho tiêu món tép với cá hủn hỉn, nêm thêm ít gia vị như nước mắm, ớt, tỏi… chỉ cần như thế thôi cũng đủ cho gia đình có bữa cơm ngon. Bà con quê tôi cũng hay tận dụng cây nhà lá vườn để tạo thành những món ăn ngon hợp khẩu vị như tép nấu canh chua với bông so đũa, nêm cơm mẻ, ăn với món mặn tép rang nước cốt dừa. Chỉ đơn thuần như thế nhưng cảm giác được quây quần bên mâm cơm, kẻ chan, người húp, khiến bất kỳ ai đã trải qua khoảng thời gian khó khăn của tuổi thơ phải hoài niệm.
Thi thoảng, vào mùa rộ tép, sau khi đánh bắt, gia đình tôi cũng có thói quen sử dụng tép cho việc ăn hàng ngày, số còn lại phơi khô dành nấu canh khi mưa gió, hay không có điều kiện ra đồng kiếm thức ăn khác. Những ngày mùa hè thời tiết oi bức, bọn trẻ con chúng tôi chỉ cần ra vườn tìm hái các thứ rau thiên nhiên như: rau trai, rau má, rau cải trời, rau dệu, dền dại… mang về. Mẹ tôi sẽ tận dụng những nguyên liệu có sẵn ấy để nấu nồi canh rau tập tàng với tép. Nước canh ngọt, tính mát lại thuần khiết, đậm vị quê hương.
Vào những dịp giỗ chạp, con tép nhỏ lại được các bà các cô ở quê tôi biến tấu thành món bánh tép chiên hoặc đổ bánh xèo nhân tép với thịt ba rọi, ăn cùng với rau thơm các loại rau sống chấm cùng với nước mắm chua ngọt, kết hợp thêm ít tỏi ớt.
Nếu muốn đổi vị thì bà con quê tôi sẽ kết hợp với món tép luộc trộn gỏi đu đủ bào với da heo luộc, ăn cùng vẫn rất ngon. Chỉ cần ngồi quây quần bên nhau, cùng thưởng thức những miếng bánh tép, tận hưởng vị giòn thơm hòa với vị ngọt của thịt tép luộc, cảm giác beo béo, dai dai của da heo và sừng sực của cọng gỏi đu đủ là thấy đủ đầy hạnh phúc.
Nhiều năm trôi qua, tôi trưởng thành, rời xa làng quê nhưng lòng vẫn hoài nhớ về khoảng đời tuổi thơ. Lắm lúc, mệt mỏi với bao tất bật ở phố thị, lại thèm món canh tập tàng nấu với tép mòng ngon lành ngày nào. Chỉ tiếc ba mẹ đã không còn, căn nhà xưa cũng đã bán từ lâu, mọi hoài niệm tuổi thơ chỉ còn lại trong tâm trí.
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục “Kể chuyện làng” từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Bài viết cộng tác với chuyên mục “Kể chuyện làng” xin gửi về email: [email protected]; điện thoại liên hệ: 0903226305.
Nguồn: Internet