Sản phẩm văn hóa là tài sản trí tuệ nhưng không thể mang ra vay vốn
Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa diễn ra tại trụ sở Chính phủ sáng 22/12, bà Ngô Thị Bích Hạnh – TGĐ Công ty sản xuất, phát hành phim điện ảnh, truyền hình và công nghiệp sáng tạo nội dung video BHD bày tỏ, công nghiệp văn hoá tùy vẫn là một thứ rất mới với Việt Nam vì công nghiệp văn hoá phát triển ở Việt Nam khoảng 15 năm nay và về mặt chính sách – quản lý nhà nước, ngành này hiện tại chủ yếu được vận hành chỉ là quản lý văn hóa chứ chưa phải công nghiệp văn hóa.
Hiện tại tổng quan thị trường điện ảnh, các hệ thống rạp có phim Việt chiếm khoảng 30% thị phần, so với các nước trong khu vực thì tỷ lệ này khoảng 70-90%. Doanh thu phim Việt thì khoảng từ 18-33%, so với những nước như Hàn Quốc, Trung Quốc là 50-70%. Tỉ lệ bán vé trong những năm gần đây của Việt Nam tăng 20-40%. Việt Nam có khả năng lọt vào top 10 nước có doanh thu phòng vé lớn nhất thế giới. Khi Việt Nam lọt vào nhóm đó thì tỉ lệ phim sẽ chiếm bao nhiêu phần trăm hay vẫn là 70% dành cho nước ngoài? Chính sách của Nhà nước rất quan trọng hỗ trợ điện ảnh nước nhà phát triển.
“Năm nay là cơ hội cho điện ảnh, công nghiệp sáng tạo nội dung châu Á. Người Việt Nam sẽ có cơ hội xem nhiều phim Việt Nam hơn khi công nghiệp văn hóa phát triển. Các chính sách để văn hóa phát triển thì BHD thấy rằng phải coi trọng luật pháp và sản phẩm văn hóa. Sản phẩm văn hóa là tài sản trí tuệ nhưng bây giờ tài sản trí tuệ không thể mang ra vay vốn ngân hàng được, tài sản trí tuệ cũng không được bảo hộ. Liên quan đến vi phạm bản quyền, ăn trộm một cái xe máy thì bị đi tù nhưng ăn trộm một bộ phim 30-40 tỷ chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính.
Làm sao phải khơi thông nguồn vốn ngân hàng, vốn vay cho văn hóa. Rất mong Nhà nước có chính sách cho các doanh nghiệp văn hóa được vay với lãi suất như lãi suất như cho vay nông nghiệp. Làm sao để các bộ phim không có tài sản hữu hình mà có thể đi vay để sản xuất được”, bà Ngô Thị Bích Hạnh nhấn mạnh.
Theo bà Ngô Thị Bích Hạnh, để xây dựng được công nghiệp văn hóa thì phải xây dựng được cơ sở vật chất cho công nghiệp đó. Ví dụ như rạp chiếu phim, phim trường. Rạp chiếu phim cần được giảm giá hoặc những địa điểm hơi xa thì được miễn tiền thuê đất, giảm tiền thuê đất, giảm tiền điện, nước cho doanh nghiệp làm văn hóa. Chẳng hạn, BHD thuê rạp chiếu phim ở các trung tâm thương mại thì phải cạnh tranh với các lĩnh vực khác, rất khó khăn. Một vé xem phim giá chỉ bằng cốc cà phê thôi vì nó là văn hóa đại chúng, mọi người dân đều được tiếp cận, nếu giá thuê cao cạnh tranh với những hàng ăn, hàng xa xỉ thì không cạnh trạnh được mà các doanh nghiệp cho thuê không giảm giá. Nên giảm giá tiền thuê đất, tiền điện, nước rất quan trọng.
Về thủ tục hành chính, để quay một cảnh phim, phải xin nhiều giấy phép, trong đó có giấy phép của Sở Văn hóa – Thể thao, giấy phép của phường, Công an phường, công ty cây xanh nếu quay ở công viên cây xanh, phim có hành động cháy nổ phải xin phép cơ quan phòng cháy, chữa cháy. Trong một ngày đoàn làm phim đi làm ở 3 địa điểm thì ngần ấy giấy phép phải làm, rất khó khăn.
“Các nhà sáng tạo nội dung trên Facebook, Youtube, Tiktok.. có đóng góp rất lớn cho giới trẻ, đóng góp thuế rất lớn nhưng hiện nay vẫn còn bất cập. Họ là những bạn trẻ 18-20 tuổi không thuộc một tổ chức nào cả, vậy Nhà nước định hướng cho người ta biết làm việc gì đúng.
Bên cạnh đó, bây giờ thuế xuất khẩu đi nước ngoài là 0% nhưng những nhà sáng tạo nội dung xuất khẩu nội dung sang Mỹ, ngoài nộp 35% thuế ở Mỹ, về Việt Nam vẫn phải nộp 10% thuế VAT trong khi người Việt Nam không hề xem nội dung đó.
Nếu các nhà sáng tạo nội dung không ký trực tiếp với nền tảng mà ký hợp đồng hợp tác qua các agency (đại lý) thì đại lý sẽ phải đóng thuế VAT 10% cho toàn bộ doanh thu của cả nhà sáng tạo nội dung và sau đó các nhà sáng tạo nội dung phải nộp thêm phần thuế VAT 5% của mình. Việc này sẽ giúp các cơ quan thuế cũng như Bộ Thông tin và Truyền thông dễ quản lý một số đầu mối chính thay vì khoảng hơn hai mươi ngàn nhà sáng tạo nội dung cá nhân như hiện nay…”, bà Ngô Thị Bích Hạnh đề xuất.
Người Việt Nam rất yêu quý, trân trọng các nội dung gốc của người Việt
Chia sẻ tại Hội nghị, bà Tô Nam Phương – Phó TGĐ FPT Play, Tập đoàn FPT cũng nhấn mạnh, ngành công nghiệp nội dung (Global Entertainment & Media – E&M) toàn cầu năm 2022 có giá trị 2,32 nghìn tỷ USD, tăng trưởng 5,4% (theo PWC). Năm 2023 E&M dự kiến tăng trưởng 4,7%.
Giai đoạn 2024 – 2027, các dự báo đánh giá tăng trưởng của ngành công nghiệp nội dung toàn cầu sẽ dưới 4%/năm. Nguyên nhân chính do suy giảm chi tiêu của người tiêu dùng dưới tác động tiêu cực của suy thoái kinh tế sau đại dịch, bất ổn chính trị và chiến tranh. Những yếu tố này cũng là tác nhân chính đẩy nhanh sự chuyển dịch trong ngành công nghiệp nội dung từ truyền thống sang nội dung số và quảng cáo.
Quảng cáo đang và sẽ trở thành phương thức đem lại nhiều doanh thu nhất trong ngành, vượt các dịch vụ trả phí và mua sắm của cá nhân/hộ gia đình. Cắt giảm chi tiêu, chi phí khiến người tiêu dùng ngày càng chấp nhận quảng cáo. Netflix từ 2022 cũng đã ra mắt gói dịch vụ có quảng cáo với chi phí rẻ hơn để thu hút và được đón nhận với hơn 5 triệu người dùng thường xuyên hằng tháng.
Nội dung số chiếm 2/3 sản phẩm, dịch vụ trong ngành. Các nền tảng OTT, cùng sự hỗ trợ của công nghệ mới giúp cung cấp các dịch vụ chất lượng cao, trải nghiệm đa dạng trở thành tất yếu và là động lực tăng trưởng cho ngành – nổi trội nhất tại khu vụ Đông Nam Á.
Thúc đẩy phát triển các nền tảng OTT Make in Vietnam vô cùng quan trọng, các nền tảng OTT đang trở thành kênh phân phối nội dung chủ đạo. Các OTT hiện đại không chỉ đem sự tiện lợi cho người sử dụng mà còn gia tăng trải nghiệm thưởng thức nội dung nhờ AI, AR và VR.
Hiện trạng các nền tảng OTT thuần Việt đang rất khó khăn để cạnh tranh với các nền tảng OTT đa quốc gia như Netflix, Spotify… Cuộc cạnh tranh hiện tại đang tập trung vào Nội dung gốc (các đơn vị tự phát triển nội dung) với chi phí đầu tư vô cùng lớn. Trong chưa đầy 10 năm, FPT đã phát triển và phổ cập được dịch vụ OTT của mình trên thị trường trong nước, kết hợp với truyền hình cáp internet FPT Play đang nắm vị trí hàng đầu trong các OTT Việt nhưng cũng gặp muôn vàn khó khăn để tiếp tục phát triển cạnh tranh. FPT mong muốn và đề xuất được trở thành 1 trong những nền tảng số quốc gia, hỗ trợ cho việc phát triển OTT nội và tạo thế cân bằng cho việc cạnh tranh với nước ngoài.
Các nền tảng OTT Việt Nam cần được khuyến khích tái đầu tư mạnh mẽ hơn về công nghệ nền tảng, công nghệ truyền tải nội dung bên cạnh việc đầu tư phát triển nội dung để cạnh tranh với các ứng dụng OTT xuyên quốc gia như Netflix, AppleTV+, Spotify…
“Chúng ta cần sự phối hợp giữa các nhà sản xuất nội dung, đơn vị cung cấp dịch vụ OTT Việt Nam để đưa các nội dung hay, thuần Việt bao gồm cả phim điện ảnh, các chương trình giải trí, các nội dung dành cho trẻ em sớm phổ biến trên các nền tảng OTT.
Ví dụ nếu một trận đấu của đội tuyển Việt Nam thi đấu được phát hành trên các phương tiện phát thanh, truyền hình của Việt Nam thì luôn luôn có lượt xem gấp 10-20 lần cho bất cứ trận đấu đỉnh cao nào của giải Ngoại hạng Anh. Có thể thấy người Việt Nam rất yêu quý, trân trọng các nội dung gốc của người Việt”, bà Tô Phương Nam bày tỏ.
Nguồn: Internet