Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Yên Bái có trên 107.000 người Mông (chiếm 13,03% dân số toàn tỉnh), chia thành 4 nhóm địa phương tộc người: Mông Đu, Mông Đơ, Mông Si, Mông Lềnh. Các nhóm vừa sống tập trung, vừa đan xen với nhau tại 40 xã thuộc 5 huyện, bao gồm: Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn, Trấn Yên và Văn Yên.
Theo văn hóa của người Mông, hầu hết nữ giới từ thuở thiếu thời đã phải học vẽ hoa văn trên vải, khi đến tuổi trưởng thành phải có khả năng sử dụng thuần thục kỹ thuật này. Trước tiên là phục vụ nhu cầu y phục của chính bản thân, gia đình và hôn lễ cá nhân, sau đó là tạo các vật dụng để biếu, tặng, trao đổi.
Bởi vậy, đến với các bản làng người Mông vùng cao ở tỉnh Yên Bái, không khó để bắt gặp những người phụ nữ ngồi bên bếp lửa, cạnh chảo sáp ong, cặm cụi, tỉ mỉ tạo những đường nét hoa văn độc đáo trên tấm vải lanh truyền thống.
Họ tranh thủ vẽ mọi lúc khi có thời gian rảnh, ở mọi nơi khi có bếp lửa và khi sáp ong đã nóng chảy, đặc biệt là những lúc nông nhàn. Sự chăm chỉ, tỉ mỉ còn được coi như tiêu chuẩn để đánh giá một người vợ, người mẹ khéo tay, đảm đang trong gia đình, dòng họ người Mông.
Khi biết kỹ năng thủ công truyền thống từ xa xưa – dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của dân tộc mình được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, chị Lý Thị Ninh – Tổ trưởng Tổ hợp tác thêu dệt thổ cẩm truyền thống dân tộc Mông, bản Dề Thàng, xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải vô cùng phấn khởi.
Chị bảo: “Để có một bộ trang phục đúng bản sắc truyền thống, người Mông phải trải qua rất nhiều công đoạn như: se lanh, dệt vải, vẽ sáp ong tạo hoa văn, nhuộm chàm, thêu chỉ màu tạo hoa văn nổi. Công đoạn nào cũng rất quan trọng, song khâu dùng sáp ong để tạo hoa văn là kỳ công nhất, đòi hỏi sự khéo léo và sáng tạo để tạo ra sản phẩm đẹp. Người Mông quan niệm, hoa văn trên trang phục, đồ dùng sinh hoạt sẽ giúp kết nối với thần linh, đồng thời thể hiện cá tính, ước vọng của con người về cuộc sống”.
Sáp ong được người phụ nữ dân tộc Mông dùng để vẽ hoa văn có ba màu là vàng, đen và trắng. Sáp ong nấu chảy chính là “mực vẽ”. Khi sử dụng, người Mông cho sáp vào một chảo gang nhỏ, đường kính khoảng 10cm, đun nhỏ lửa để sáp chảy ra tới khoảng 50 đến 60 độ là có thể dùng để vẽ. Người Mông Yên Bái sử dụng các bút vẽ bằng đồng có nét đậm, nét thanh, hoa văn nhỏ, hoa văn hình chấm tròn và hoa văn hình xoắn ốc để vẽ hoa văn bằng sáp ong trên những vuông vải lanh nhỏ, sau đó ghép lại thành các bộ phận như: vai áo, thân váy hay tay áo, cổ áo, địu, khăn rồi khâu lại thành sản phẩm hoàn chỉnh.
Người vẽ ngồi bên bếp lửa, trải vải ra mặt phẳng và nhẵn, một đầu để phần đã vẽ xong, một đầu cuộn vải để tiếp tục vẽ, vẽ đến đâu mở vải đến đấy, đầu kia cuộn lại. Khi vẽ dùng bút chấm vào chảo sáp ong đang nóng đặt trên than hồng rồi vẽ lên nền vải mộc (thường là vải lanh trắng) với những họa tiết cổ truyền. Khi vẽ cần cân đối để lượng sáp có thể chảy đều, không bị loang nét vẽ, cho đến khi hết sáp thì chấm lần tiếp theo, giống như viết bút mực nước.
Khi vẽ, người Mông cũng không cần có hình mẫu trước mà tự do sáng tác ra những hoa văn với nhiều mô típ khác nhau với đường ngang, viền đậm, dài hoặc gãy góc tạo ra các khối hình vuông, hình chữ nhật, hình kỷ hà cùng những mảng màu tối, sáng; nóng, lạnh phù hợp. Sau khi vẽ xong, tấm vải sẽ được đem đi nhuộm và được luộc trong nước sôi. Trong quá trình luộc, sáp ong sẽ tan chảy trong nước sôi và để lộ ra những phần hoa văn.
Nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải của người Mông ở tỉnh Yên Bái là kết tinh của một hệ thống tri thức dân gian độc đáo, phản ánh quá trình lịch sử, cái nhìn sinh động về thế giới quan, về môi trường sống qua lăng kính của những người “họa sĩ bản làng”, khắc họa trên những sản phẩm vật chất độc đáo, đặc trưng.
Có thể nói, chính từ môi trường tự nhiên, môi trường lao động sản xuất, khát vọng về cuộc sống tốt đẹp và nhu cầu về đời sống tinh thần, tư duy nghệ thuật của tộc người Mông đã hình thành nên nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải để mô phỏng, chuyển tải, lưu giữ, phản ánh những gì đặc sắc, cô đọng nhất về thế giới quan, nhân sinh quan. Thể hiện những triết lý sống cao đẹp của cộng đồng, óc sáng tạo cao của tộc người, bởi nó không sao chép hiện thực mà còn dùng hình tượng sinh động cụ thể và gợi cảm để phản ánh hiện thực và truyền tải hiện thực.
Tất cả đều toát lên tính nhân văn sâu sắc, thể hiện nguyện vọng chân chính của cộng đồng tộc người luôn mong muốn vươn tới chân – thiện – mỹ. Đó chính là cái đẹp, cái cao cả của giá trị nghệ thuật đích thực mà di sản mang lại.
Để bảo tồn, lưu giữ và quảng bá giá trị di sản cũng như bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc, hàng năm, các địa phương trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã thực hiện nhiều chương trình, sự kiện trong và ngoài tỉnh.
Trong đó, chú trọng tái hiện nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ của đồng bào dân tộc Mông, các hội thi tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải được thực hành và phô diễn hiệu quả tại những sự kiện đã góp phần quảng bá, giới thiệu di sản truyền thống này tới đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Cùng với đó, những năm gần đây, thực hiện Dự án “Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù miền Tây Yên Bái tầm nhìn đến năm 2030”, Trung tâm Nghiên cứu, liên kết và phát triển thủ công mỹ nghệ Craft Link tại Hà Nội đã phối hợp với Hợp tác xã thổ cẩm Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải thường xuyên giới thiệu kỹ thuật độc đáo của nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải của người Mông, huyện Mù Cang Chải đến với đông đảo công chúng thủ đô và du khách quốc tế, thu hút rất nhiều người tham gia trải nghiệm và mua sắm.
Tại đây, các nghệ nhân đã trực tiếp tham gia tạo sản phẩm và hướng dẫn du khách thực hành như một hoạt động bảo tồn, kết nối, giới thiệu, quảng bá và phát triển sâu rộng di sản đến du khách trong nước và quốc tế rất hiệu quả.
Trong định hướng phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội của các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn đến năm 2030 đều đưa hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc gắn với phát triển du lịch vào truyền dạy và phổ biến trong cộng đồng, trong các trường học và coi đây là một trong những sản phẩm du lịch tiêu biểu gắn với văn hóa tộc người Mông.
Riêng trong năm 2023, cùng với tri thức dân gian dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của người Mông tỉnh Yên Bái được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thì trước đó, tháng 6/2023, Nghệ thuật khèn của người Mông ở các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn đã được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ở loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian.
Đây là những di sản chứa đựng những giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật đặc sắc. Nguồn di sản văn hóa này khi được bảo tồn và phát huy giá trị sẽ trở thành yếu tố quan trọng định vị thương hiệu, góp phần quảng bá, phát triển du lịch tỉnh Yên Bái – điểm đến hấp dẫn và thân thiện trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Việc gần như cùng lúc hai loại hình nghệ thuật dân tộc Mông của riêng tỉnh Yên Bái được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia là niềm vinh dự và tự hào đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái. Là tiền đề, động lực quan trọng để nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh nói chung, đồng bào dân tộc Mông nói riêng tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa công tác gìn giữ và phát huy di sản, bản sắc văn hóa các dân tộc, đưa di sản thành tài sản du lịch quý tại địa phương.
Nguồn: Internet