Cụ thể, Nghị định 89/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ về hoạt động nhiếp ảnh và Nghị định số 126/2018/NĐ-CP ngày 20/9/2018 của Chính phủ quy định về thành lập và hoạt động của cơ sở văn hóa nước ngoài tại Việt Nam.
Với Nghị định số 72, sửa đổi, bổ sung khoản 2, khoản 3 điều 10 đưa tác phẩm nhiếp ảnh từ Việt Nam ra nước ngoài dự thi, liên hoan. Tổ chức (bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương) đưa tác phẩm nhiếp ảnh từ Việt Nam ra nước ngoài dự thi, liên hoan với danh nghĩa đại diện cho quốc gia Việt Nam phải nộp trực tiếp hoặc qua bưu chính hoặc qua môi trường điện tử một văn bản thông báo đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Văn bản phải nêu rõ thông tin của tổ chức, cá nhân tổ chức thi, liên hoan tác phẩm nhiếp ảnh, tên gọi, chủ đề, nội dung, thời gian, địa điểm của cuộc thi, liên hoan tác phẩm nhiếp ảnh.
Đồng thời gửi kèm theo danh sách tác phẩm bằng tiếng Việt (ghi rõ số thứ tự tác phẩm, tên tác phẩm, tên tác giả), chú thích ảnh (ảnh in trên giấy kích thước nhỏ nhất 13x18cm hoặc ghi vào đĩa CD với trường hợp nộp trực tiếp/nộp qua bưu chính; ảnh định dạng JPG hoặc PDF với trường hợp nộp qua môi trường điện tử), thư mời, thể lệ của cuộc thi, liên hoan đã được dịch ra tiếng Việt.
Nghị định sửa đổi cũng bổ sung khoản 3 điều 12 đưa tác phẩm nhiếp ảnh từ Việt Nam ra nước ngoài triển lãm.
Theo đó, tổ chức, cá nhân đưa tác phẩm nhiếp ảnh từ Việt Nam ra nước ngoài triển lãm nộp trực tiếp hoặc qua bưu chính, hay qua môi trường điện tử một bộ hồ sơ đề nghị cấp giấy phép đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép gồm đơn đề nghị cấp giấy phép, danh sách tác phẩm bằng tiếng Việt (ghi rõ số thứ tự tác phẩm, tên tác phẩm, tên tác giả, chất liệu, kích thước, số lượng), chú thích ảnh tham gia triển lãm giống ở trên, thư mời, thông báo, sách ảnh (nếu có), văn bản thỏa thuận hoặc hợp đồng với đối tác nước ngoài đã được dịch ra tiếng Việt.
Cần đơn giản thủ tục kiểm duyệt ảnh ra nước ngoài
Nhà báo Hồ Sỹ Minh – Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí Nhiếp ảnh và Đời sống chia sẻ với Dân Việt: “Quy định đã nêu rõ đối tượng áp dụng là “Tổ chức (bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương) đưa tác phẩm nhiếp ảnh từ Việt Nam ra nước ngoài dự thi, liên hoan với danh nghĩa đại diện cho quốc gia Việt Nam”. Theo tôi, nhìn nhận theo chiều hướng quản lý đó là điều nên làm, nhiều khi có những tác phẩm không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam, lại tự do gửi đi nước ngoài sẽ không tránh khỏi những ảnh hưởng tiêu cực.
Theo tôi được biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng sẽ dự định nghiên cứu, phát triển một phần mềm để có thể phát hiện những tác phẩm có vấn đề khi gửi ra nước ngoài mà không xin phép, sẽ bị ngăn chặn.
Về mặt nguyên tắc, tôi vẫn cho rằng, kiểm duyệt là đúng, nhưng nên có những hướng đi phù hợp như việc đơn giản thủ tục, để làm thế nào chúng ta có thể thuận lợi cho việc giao lưu nhiếp ảnh với quốc tế. Hiện nay, tôi cho rằng, công tác kiểm duyệt không hề khó, bởi Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam cũng đã có Hội đồng nghệ thuật cũng có thể đưa ra những đóng góp về thẩm định chất lượng nghệ thuật, nội dung của tác phẩm. Từ trước đến nay, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam cũng đã tổ chức rất nhiều cuộc thi để giúp tác giả Việt Nam gửi ảnh ra nước ngoài”.
Các chỉ dẫn về quy định gửi ảnh rất cụ thể
Nhiếp ảnh gia Hồ Quang – tác giả bộ ảnh Giấc mơ trẻ em nghèo Việt Nam được đăng trên Huffington Post – tờ báo điện tử lớn thứ hai của Mỹ, từng có triển lãm ảnh tại đại học Colgate (New York, Mỹ), triển lãm ảnh tại Sydney (Úc) chia sẻ với Dân Việt khi được hỏi về việc sửa đổi của Nghị định 89/2023/NĐ-CP có gây khó khăn gì cho các tác giả.
Nhiếp ảnh gia Hồ Quang cho hay: “Nghị định 89/2023/NĐ-CP theo tôi không có quá nhiều thay đổi so với Nghị định 72/2016/NĐ-CP. Theo đó, Nghị định 72 ghi rằng các tác phẩm nhiếp ảnh từ Việt Nam ra nước ngoài dự thi, liên hoan với danh nghĩa đại diện cho đất nước Việt Nam nộp trực tiếp, qua đường bưu điện văn bản thông báo đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Còn Nghị định 89 có bổ sung chỉ sửa đổi hình thức gửi thông báo, đó là qua bưu chính hoặc qua môi trường điện tử. Nghị định cũng ghi rất rõ trong Điều 10, đó là các quy định về việc đưa tác phẩm nhiếp ảnh từ Việt Nam ra nước ngoài chỉ áp dụng cho tổ chức (bộ, ban ngành, đoàn thể trung ương) nhưng là với danh nghĩa đại diện cho Việt Nam.
Còn nếu là cá nhân, chỉ quy định là phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền về nội dung tác phẩm nếu phát hiện có vi phạm.
Về phía Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, hàng năm, Hội vẫn tổ chức tuyển chọn các tác phẩm của nghệ sĩ nhiếp ảnh trong cả nước để tạo thành 1 bộ ảnh có chủ đề tốt gửi tới dự thi các cuộc cấp quốc gia của Liên đoàn Nhiếp ảnh Nghệ thuật Quốc tế FIAP, dưới danh nghĩa đại diện Việt Nam.
Sau đó, Hội thành lập Hội đồng với các nghệ sĩ có chuyên môn cao để tuyển chọn kỹ lưỡng, tìm ra những tác phẩm tốt nhất. Trước khi gửi đi dự thi sẽ có văn bản thông báo cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, kèm theo việc gửi tác phẩm về cho Bộ để kiểm duyệt.
“Còn nếu các tổ chức không thuộc Hội, tôi nghĩ cũng không gặp quá nhiều khó khăn bởi Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch chỉ muốn phát hiện kịp thời và loại ra những tác phẩm có mục đích xấu, phản động, chống phá, đưa sai thông tin và nội dung về việc quảng bá văn hóa xã hội Việt Nam. Các chỉ dẫn về quy định gửi ảnh theo tôi đã rất cụ thể và rõ ràng và không gây khó khăn gì cho các tổ chức”, nhà báo Hồ Sỹ Minh nói.
Nguồn: Internet