Công ty cổ phần Phim truyện I (tiền thân là Hãng Phim truyện I – đơn vị đã có hơn 30 năm hoạt động sản xuất phim tại Miền Bắc) đang gặp phải nhiều khó khăn khi kết thúc năm 2022 với doanh thu đạt 13 tỷ đồng, tăng hơn 2 tỷ đồng so với năm 2021 nhưng lãi sau thuế lại chỉ được 25 triệu đồng.
Điều đó dẫn tới việc Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã có thông báo việc chào bán cạnh tranh vốn tại Công ty cổ phần Phim truyện I. Theo đó, SCIC sẽ bán hơn 840.900 cổ phần (chiếm gần 60% vốn điều lệ) tại Hãng Phim truyện I. Được biết, tổng số cổ phần được gom lại thành một lô. Giá khởi điểm hơn 8,86 tỷ đồng. Cả Hãng Phim truyện I có vốn điều lệ 14 tỷ đồng.
Phim của Hãng phim truyện I sản xuất không thể chiếu thương mại
Trong 1, 2 năm trở lại, Hãng phim truyện I được Nhà nước đặt hàng và giao sản xuất một số phim truyện điện ảnh, trong đó có các phim gần đây như: Phượng cháy và Đào, phở và piano. Phượng cháy của đạo diễn Mạnh Hà, xoay quanh câu chuyện một cô bé 16 tuổi đang trong giai đoạn thay đổi tâm lý sống, còn Đào, Phở và Piano của đạo diễn Phi Tiến Sơn tái hiện không khí của trận chiến quyết liệt bảo vệ Hà Nội trong 60 ngày đêm từ cuối năm 1946 đến đầu năm 1947.
Theo Dự toán chi ngân sách Nhà nước đặt hàng sản xuất năm 2022 đã được công khai, Phượng cháy được Nhà nước đầu tư kinh phí hơn 3 tỷ đồng, trong khi đó Đào, Phở và Piano là 11 tỷ đồng. Nhưng có thể thấy, nếu không phải nhân dịp kỷ niệm, ngày lễ lớn, Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội hay Liên hoan phim Việt Nam thì hai bộ phim này hoàn toàn không được chiếu tại rạp.
Chia sẻ với Dân Việt, đại diện đoàn phim Đào, phở và piano cũng đã cân nhắc thương thảo với các nhà phát hành để mong muốn phát hành thương mại. Tuy nhiên, nhà phát hành vẫn còn “dè chừng” đối với phim Nhà nước đặt hàng, cũng như vẫn đang có nhiều phim tư nhân ra rạp với khả năng thu lại lợi nhuận cao hơn. Đây cũng là điều dễ hiểu khi phim Truyền thuyết về Quán Tiên của đạo diễn Đinh Tuấn Vũ, phim do Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đặt hàng khi ra rạp chỉ thu về hơn 800 triệu đồng.
Trong báo cáo tài chính đã được Hãng phim truyện I công khai trên trang chủ, tổng số tiền đầu tư vào hoạt động sản xuất phim, cộng thêm các hoạt động cung cấp dịch vụ cho thuê thiết bị quay phim là 13,1 tỷ đồng nhưng nếu trừ đi tiền vốn khoảng hơn 12,1 tỷ đồng, chỉ còn khoảng 688 triệu đồng. Nếu làm một phép tính đơn giản, số tiền này hoàn toàn không đủ để vận hàng một hãng phim, nhất là khi tiền trả cho người lao động đã lên tới khoảng hơn 1,1 tỷ đồng/năm. Cùng với đó là các khoản bảo dưỡng hay khấu hao thiết bị.
Hãng phim truyện I cầm cự bằng tiền gửi ngân hàng và các hoạt động tài chính khác?
Bên cạnh các hoạt động sản xuất phim, Hãng phim truyện I còn tham gia sản xuất các chương trình truyền hình, cũng như video quảng cáo, ngoài ra còn có hoạt động biên tập, truyền hình, phụ đề, giới thiệu phim, thuyết minh, đồ họa vi tính.
Tuy nhiên như những phân tích kể trên, những hoạt động liên quan tới việc sản xuất phim không đủ để vận hành hãng phim, nên Hãng phim truyện I phải dựa vào các hoạt động tài chính khác.
Trong báo cáo tài chính, các hoạt động tài chính như lãi tiền gửi, tiền cho vay là hơn 447 triệu đồng. Nếu đem số tiền này cộng với doanh thu 688 triệu động kể trên, sau đó trừ đi số tiền vận hành doanh nghiệp bắt buộc mà Hãng phim truyện I đã công khai trong báo cáo tài chính là 1,13 tỷ, thì con số 25 triệu đồng là hoàn toàn có thể.
Phim trường bị dẹp bỏ một cách lãng phí
Bà Ngô Phương Lan – nuyên Cục trưởng Cục Điện ảnh chia sẻ với Dân Việt rằng, để một bộ phim nhà nước vừa dung hòa được nhiệm vụ chính trị vừa đạt doanh thu tốt là điều rất khó khăn. Nếu cứ buộc phim phục vụ nhiệm vụ chính trị phải có doanh thu lớn như phim thương mại thì đó là bài toán không bao giờ giải được.
Phim trường hoành tráng của Đào, phở và piano bị bỏ phí sau khi phim quay xong. Ảnh: ĐPCC
Ngay chính đạo diễn Phi Tiến Sơn của Đào, phở và piano cũng phải đưa ra nhận định thẳng thắn trong một hội thảo gần đây rằng, một nền công nghiệp điện ảnh đòi hỏi sự phát triển đồng bộ nhiều mặt, từ quản lý Nhà nước, chính sách, quy mô thực hiện, đầu tư, đào tạo…
Ví dụ Hàn Quốc, một quốc gia có nhiều nét tương đồng với Việt Nam, vài chục năm trước, hàng nghìn người trẻ tài năng được đưa sang Hollywood đào tạo, đủ các ngành nghề. Vài năm sau khi trở về, họ được tiếp quản một cơ ngơi điện ảnh hoàn thiện, đầy đủ và khá tiên tiến, gồm: nhà xưởng, trường quay, thiết bị kỹ thuật cho tiền kỳ, hậu kỳ. Con người công nghiệp ăn khớp với nền tảng công nghệ, cộng với chính sách “văn hóa mềm” cởi mở, mạnh dạn đã tạo nên một nền công nghiệp điện ảnh giàu có và hữu ích cho đất nước Hàn Quốc hôm nay.
Đào, phở và piano từng nhận được sự quan tâm của dư luận với bối cảnh đầu tư hoành tráng, tái hiện một Hà Nội xưa cũ gần 80 năm trước. Họa sĩ Vũ Việt Hưng – họa sĩ chính chịu trách nhiệm thiết kế bối cảnh phim Đào, phở và piano từng chia sẻ với Dân Việt rằng: “Bối cảnh phim ban đầu chỉ là một bãi đất trống, chúng tôi tự làm mọi thứ: gạt nền, đổ nhựa, làm đường, tạo hình các căn nhà, hình thành một khu phố cổ 2 mặt tiền. Phim trường có tỉ lệ 1:1, dài 120 mét, rộng 9 mét. Sau khi tạo mới các chi tiết thì làm thủ thuật để chúng trông cũ kỹ phù hợp với mốc thời gian”. Họa sĩ Vũ Việt Hưng cũng bày tỏ sự đáng tiếc khi sau quay phim, phải dỡ bỏ hoàn toàn bối cảnh, trả lại không gian nguyên trạng vì đó vốn là đất đi thuê.
Nhà sản xuất phim Lê Thị Kiều Nhi – Giám đốc Công ty Cổ phần Phim Ý Anh, hiện đang kinh doanh phim trường Cine V Studio (bối cảnh phim Đất rừng phương Nam, Nhà bà Nữ) chia sẻ với Dân Việt rằng, ở các nền điện ảnh nước ngoài thì họ thường tận dụng khai thác về giáo dục và dịch vụ du lịch từ những bối cảnh quay có quy mô đầu tư lớn. Nhưng chính vì đất cho thuê phim trường hiện nay đa phần là đất tạm chờ khai thác dự án, do vậy thời gian thuê không dài nên rất khó đầu tư khai thác lâu dài.
Trở lại với phim Đào, phở và piano, biên kịch Đặng Thu Trang – Hãng phim truyện Việt Nam cảm thấy rất tiếc vì khi ê-kíp của đạo diễn Phi Tiến Sơn đã mất công dựng bối cảnh hoành tráng như vậy mà không giữ được để làm du lịch cho công chúng chiêm ngưỡng mà lại phá đi. Nhưng nếu Nhà nước chưa có chính sách ưu đãi về tín dụng, thuế và đất đai đối với tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh thì những bối cảnh hoành tráng như Đào, phở và piano vẫn phải để phí và không thể kinh doanh sau hoạt động quay phim.
Liệu có nhà đầu tư nào chịu mua cổ phần Hãng phim truyện I?
Trong bản công bố thông tin, Hãng phim truyện I cũng đã nêu ra một số rủi ro để nhà đầu tư nắm. Cụ thể như chi phí thù lao của các nghệ sĩ, diễn viên. Đây là khoản chiếm tỉ trọng lớn nhất đầu vào. Tuy nhiên, thù lao cho các diễn viên, nghệ sĩ có tên tuổi thường biến động lớn theo xu thế, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Công ty cũng hoạt động trong ngành sản xuất có đặc thù về vòng quay vốn chậm. Các khách hàng chủ yếu là sở ban ngành, doanh nghiệp tư nhân nên vấn đề thu hồi nợ, quay vòng vốn ảnh hưởng nhiều đến tình hình tài chính.
Có thể thấy tình cảnh tương tự với Hãng phim truyện I là Hãng Phim truyện Việt Nam. Hãng phim truyện Việt Nam lựa chọn cổ đông chiến lược mua 65% cổ phần – Tổng công ty vận tải thủy Vivaso cũng gây nhiều tranh cãi. Có ngành nghề kinh doanh chính là vận tải đường sông nên việc Vivaso đầu tư vào một hãng phim thua lỗ khiến dư luận thắc mắc.
Chủ tịch Vivaso Nguyễn Thuỷ Nguyên từng cho biết, mình là người đam mê điện ảnh, nên mong muốn gìn giữ truyền thống, thương hiệu của Hãng Phim truyện Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, cũng như mong muốn đầu tư để hãng xứng đáng với những kỳ vọng của người hâm mộ điện ảnh.
Nhưng sự xuất hiện của Vivaso tại VFS không cải thiện được tình hình. Chưa tới một năm sau cổ phần hóa, các nghệ sĩ “kêu cứu” bởi tình trạng chậm lương, trả lương thấp, không có định hướng làm phim của đơn vị mua lại hãng.
Nguồn: Internet