Theo quyết định số 1431/QĐ-CTN do Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng ký ngày 28/11, có 42 cá nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Đây là những nghệ sĩ được phong tặng đợt 2 trong lần xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân lần thứ 10. Trong số các nghệ sĩ này có những cái tên được nhiều công chúng biết đến như: Thanh Lam, Tấn Minh, Xuân Bắc, Trần Ly Ly, Hồng Hạnh, Mỹ Uyên, Trịnh Kim Chi, Quế Trân, Phạm Phương Thảo… Điều gây bất ngờ lớn nhất là nghệ sĩ Chí Trung và Tiến Quang (nghệ danh Quang Tèo) không có tên trong danh sách này.
Trao đổi Dân Việt, NSND Trịnh Thúy Mùi – Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, thành viên Hội đồng xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú lần thứ 10 cho biết, lí do mà nghệ sĩ Chí Trung bị trượt danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân có thể do thiếu huy chương. Mặc dù Hội đồng cấp Chuyên ngành (Sân khấu) và Hội đồng cấp Nhà nước đã thông qua hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân của nghệ sĩ Chí Trung nhưng khi lên cấp trên thì lại không đạt. Đây quả là điều rất đáng tiếc vì nam nghệ sĩ này rất xứng đáng.
“Trong các phiên họp Hội đồng, tôi đã đứng lên phát biểu rất nhiều về trường hợp của nghệ sĩ Chí Trung. Anh Chí Trung là nghệ sĩ cả một đời gắn bó với sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ. Từ vai trò diễn viên đến vai trò lãnh đạo, anh đều có những cống hiến và dấu ấn. Thời trẻ, Chí Trung từng đảm nhận rất nhiều vai chính, nặng ký. Nhiều năm qua anh cũng tham gia chương trình Táo Quân – Gặp nhau cuối năm và được khán giả rất mến mộ. Cả quá trình làm nghề và phấn đấu của nghệ sĩ Chí Trung đều được giới trong nghề lẫn khán giả ghi nhận. Vì thế, nghệ sĩ Chí Trung rất xứng đáng để được phong tặng Nghệ sĩ Nhân dân và đáng ra anh phải phong tặng từ những lần trước chứ không phải đến tận bây giờ. Thông tin nghệ sĩ Chí Trung không có tên trong danh sách được phong tặng Nghệ sĩ Nhân dân lần này khiến tôi rất bất ngờ và tiếc nuối”.
Theo Điều 8 của Nghị định 40/2021/NĐ-CP quy định về xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú thì ngoài các tiêu chí Trung thành với Tổ quốc Việt Nam; chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; điều lệ, nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, địa phương; Có phẩm chất đạo đức, gương mẫu trong cuộc sống, tận tụy với nghề; có tài năng nghệ thuật xuất sắc, tiêu biểu cho loại hình, ngành, nghề nghệ thuật; có uy tín nghề nghiệp; được đồng nghiệp và nhân dân mến mộ; Có thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp liên tục hoặc cộng dồn từ 20 năm trở lên; riêng đối với loại hình nghệ thuật Xiếc, Múa có thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp liên tục hoặc cộng dồn từ 15 năm trở lên… thì còn phải có ít nhất 2 giải Vàng quốc gia (trong đó có 1 giải Vàng là của cá nhân) và có ít nhất 3 giải Vàng quốc gia (nếu không có 1 giải Vàng là của cá nhân). Ngoài ra, cá nhân nghệ sĩ đó phải có cống hiến nổi trội, có tài năng nghệ thuật xuất sắc. Nếu thiếu giải thưởng theo quy định mà được Hội đồng các cấp thảo luận, đánh giá là trường hợp đặc biệt thì hồ sơ vẫn được trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Trước đó, năm 2015, hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân của nghệ sĩ Chí Trung cũng bị loại ở Hội đồng cấp Bộ do thiếu huy chương. Năm 2018, tên tuổi của “Táo Giao Thông” Chí Trung lại tiếp tục vắng mặt trong danh sách xét tặng Nghệ sĩ Nhân dân. Nguyên nhân sau đó được ông Phùng Huy Cẩn – Vụ trưởng Vụ Thi đua – Khen thưởng (Bộ VHTTDL) cho biết là NSƯT Chí Trung (lúc đó) đang là quyền Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, đơn vị trực thuộc Bộ VHTTDL nên việc xét tặng danh hiệu phải do Nhà hát đề nghị lên Hội đồng cấp Bộ. Tuy nhiên, cơ quan có thẩm quyền không nhận được hồ sơ của nghệ sĩ Chí Trung.
Nghệ sĩ Chí Trung bị thiếu huy chương, Quang Tèo bị thiếu phiếu bầu khi xét tặng NSND
Trong khi đó, nghệ sĩ Quang Tèo lại bị thiếu số phiếu bầu của Hội đồng cấp Nhà nước. Theo Điểm d khoản 2 Điều 14 của Nghị định 40/2021/NĐ-CP thì hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú chỉ đủ điều kiện khi đạt từ 80% phiếu đồng ý của tổng số thành viên Hội đồng có mặt tại cuộc họp.
Chia sẻ về quy trình xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú lần thứ 10 với Dân Việt, NSND Giang Mạnh Hà – Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, thành viên Hội đồng xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân – Nghệ sĩ Ưu tú lần thứ 10 cho biết, theo quy trình, hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú của một nghệ sĩ sẽ đi qua cấp đầu tiên là Hội đồng cấp cơ sở; tiếp theo là Hội đồng cấp tỉnh/thành phố/Bộ; tiếp theo nữa là Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước đến Hội đồng cấp Nhà nước và cuối cùng là trình lên Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương.
Qua mỗi Hội đồng xét tặng danh hiệu, hồ sơ của các nghệ sĩ sẽ được các thành viên Hội đồng xem xét, cân nhắc, đánh giá và cuối cùng là bỏ phiếu kín. Theo quy định là hồ sơ nào đạt trên 80% số phiếu thì sẽ được thông qua để trình lên cấp cao hơn.
Nếu hồ sơ của nghệ sĩ nào bị thiếu tiêu chí hoặc có đơn thư thì Hội đồng sẽ ngồi lại xem xét tất cả các yếu tố. Với những trường hợp có đơn thư thì phải qua một quá trình thẩm tra và làm rõ đơn thư, khi có kết luận phải xem xét kết luận đã đủ độ tin cậy và khách quan chưa.
“Theo nguyên tắc, hồ sơ của những nghệ sĩ không đủ điều kiện để trình lên Hội đồng cấp Nhà nước hoặc lên Thủ tướng Chính phủ hoặc Chủ tịch nước ký là đều có công văn gửi cho từng cấp để các cấp có thông báo gửi cho cá nhân nghệ sĩ. Hồ sơ nộp qua cấp nào thì cấp ấy phải có trách gửi thông báo. Ở TP.HCM, Bộ VHTTDL gửi công văn cho Sở VHTT về các nghệ sĩ không đủ điều kiện xét tặng danh hiệu từ rất sớm. Trong thông báo đó có nói rõ lí do vì sao hồ sơ của họ không đủ điều kiện và tiêu chuẩn để xét tặng danh hiệu”, NSND Giang Mạnh Hà cho biết.
Nguồn: Internet