“Trần Quốc Đạt là trường hợp đặc biệt”
Cuộc thi hát Thính phòng – Nhạc kịch – Hợp xướng toàn quốc 2023 đã chính thức bế mạc và trao giải hôm 2/12 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Theo đó, Trần Quang Cảnh (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) và Lê Thị Minh Ngọc Cảnh (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) được trao giải Nhất thính phòng Bảng A; Nguyễn Thị Hà My (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), Trần Quốc Đạt (Nhạc viện TP.HCM), Đỗ Vũ Lan Nhung (Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam) được trao giải Nhất bảng B. Bảng A là dành cho các thí sinh tuổi từ 18 đến 23 tuổi. Bảng B là dành cho các thí sinh từ 24 đến 32 tuổi.
Trong số 5 thí sinh đoạt giải Nhất Cuộc thi hát Thính phòng – Nhạc kịch – Hợp xướng toàn quốc 2023 thì Trần Quốc Đạt là một giọng ca tương đối đặc biệt. Anh chàng sinh năm 1994 này quê ở Nha Trang (Khánh Hòa), sở hữu giọng Bass – Baritone. Anh đang theo học chuyên ngành Thanh nhạc năm 4 hệ Đại học tại Nhạc viện TP.HCM.
NSND Quang Thọ – Chủ tịch Hội đồng giám khảo Cuộc thi hát Thính phòng – Nhạc kịch – Hợp xướng toàn quốc 2023 nhận xét rằng: “Trần Quốc Đạt là trường hợp đặc biệt. Em học ở Nhạc viện TP.HCM nên cơ hội tiếp xúc nhạc thính phòng cổ điển không quá nhiều như các bạn ở Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Tuy nhiên, khi nghe em hát ở vòng 1, tôi thấy rất lạ, giọng chuẩn chỉnh ở cấp độ cao đối với sinh viên năm 4. Kỹ thuật mà em mang tới kết hợp với cách chọn bài có sự khác hẳn, cho thấy tầm tư duy đỉnh cao, thậm chí hơn một số ca sĩ opera khi đã tốt nghiệp. Tôi đánh giá Đạt có giọng hát nội lực. Theo dõi vòng 2, tôi thấy em càng thể hiện được nhiều tố chất của một giọng ca opera tiềm năng, em xứng đáng với giải cao nhất cuộc thi”.
Chia sẻ về hành trình đến với âm nhạc cùng Dân Việt, Trần Quốc Đạt chia sẻ, gia đình vốn làm về kinh doanh nên bố anh rất muốn anh theo nghiệp của gia đình. Chính vì thế mà khi tốt nghiệp phổ thông, anh đăng ký theo học ngành Kinh doanh bất động sản của trường Đại học Tài chính. Theo học được một thời gian, Trần Quốc Đạt nhận thấy mình không hợp với ngành nghề này. Càng cố học anh lại càng nhận ra mình thuộc về một thế giới khác. Trong sự chới với và khủng hoảng của tuổi trẻ, anh đã làm một việc bồng bột đó là bỏ nhà ra đi.
“Khi bước ra ngoài thì gia đình thông báo tôi phải tự kiếm sống, tự lo liệu mọi thứ… nhưng vẫn nuôi tình yêu với âm nhạc. Vì lúc đó chưa có thầy cô dìu dắt nên tôi mở YouTube rồi học theo cách hát ở trên đó. Sau nhiều lần nộp hồ sơ dự thi vào Nhạc viện TP.HCM đều rớt, tôi đã tìm đến một số thầy cô dạy về thanh nhạc để học và cuối cùng cũng đậu. Lúc đó, tôi vẫn chưa biết mình có giọng nam trung trầm. Tôi chưa biết đến NSND Quốc Hưng. Vào trường học tôi mới vỡ lẽ, mình không thể bắt chước qua YouTube. Tôi thấy mình nhỏ bé và rất tự ti.
Thời gian đó, tôi vừa đi học, vừa đi làm vì gia đình cắt mọi khoản chu cấp. Do mới học hát cổ điển nên tôi hát chưa tốt mà hát nhạc nhẹ cũng không ra chất. Điểm thi các môn lúc nào cũng thấp. Tôi thấy cuộc sống của mình trăm bề khó khăn. Tôi quyết định bảo lưu việc học ở Nhạc viện TP.HCM vài năm để suy nghĩ lại về những quyết định của tôi. Tôi định từ bỏ âm nhạc để tìm một lối mới. Nhưng âm nhạc với tôi là định mệnh, là lời nguyền bị buộc chặt. Tình yêu âm nhạc trong tôi quá lớn, nếu ngừng hát tôi chịu không nổi, sống không được”, Trần Quốc Đạt chia sẻ.
Cuộc đời “nở hoa” khi gặp được thầy Quốc Hưng
Trần Quốc Đạt thú nhận rằng, sau những tháng ngày mịt mờ, vô định… vì không biết tương lai của mình sẽ về đâu, vũ trụ đã mở ra cho anh một cánh cửa. Đó là thông qua kênh YouTube mà anh biết đến NSND Quốc Hưng – PGĐ Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Và chính người thầy này đã từng bước dìu dắt anh vượt qua khó khăn để đến gần hơn với âm nhạc thính phòng – cổ điển.
“Bạn bè bảo giọng tôi giống giọng của thầy Quốc Hưng nên khuyên tôi nên mạnh dạn “tầm sư học đạo”. Nghe lời bạn bè, tôi đánh liều tìm thầy đi. Nghe giọng thầy, tôi biết rằng đây là người thầy chỉ dạy dẫn lối cho tôi. Nhưng có một sự khó khăn rất lớn đó là thầy thì ở Hà Nội mà tôi ở TP.HCM, làm sao để học được mỗi ngày khi mà thầy trò cách nhau hàng nghìn kilomet. Dẫu vậy, tôi vẫn quyết tâm phải theo học thầy đến cùng. May mắn là mẹ tôi cũng thích giọng hát của thầy Quốc Hưng nên tôi nói ra Hà Nội tìm thầy học thì được mẹ tôi ủng hộ.
Lần đầu tiên gặp thầy, thầy tặng tôi một cuốn sách, thầy chọn bài luôn cho tôi. Học một thời gian, tôi nói với thầy là tôi chưa thi cuộc thi nào. Tôi xin ý kiến thầy tham gia Cuộc thi hát Thính phòng – Nhạc kịch – Hợp xướng toàn quốc 2023, cũng hơi lo mà được thầy động viên nhiều nên vẫn miệt mài tập luyện.
Lúc bước vào cuộc thi, tôi thấy mọi người từng tham gia rất nhiều cuộc thi nên kinh nghiệm đầy mình. Tôi thấy mọi người trình diễn đầy máu lửa và rất nhiệt huyết. Nhìn các anh chị hát, tôi được truyền năng lượng rất nhiều. Và cuối cùng, sự nỗ lực của mình cùng sự hướng dẫn của thầy hướng đã giúp tôi có được kết quả tuyệt vời như ngày hôm nay”, Trần Quốc Đạt xúc động nói.
Về việc chọn bài dự thi, Trần Quốc Đạt chia sẻ, anh phải chuẩn bị nhiều tác phẩm để dự thi 2 vòng (7 bài), mỗi bài mỗi đều có những yêu cầu kỹ thuật cao và có những cái khó riêng. Tuy nhiên có 2 bài tương đối khó với anh đó là “Trường ca Sông Lô” của nhạc sĩ Văn Cao và Aria “Di Provenza il mar, il suol” trích trong vở La Traviata của Giuseppe Verdi.
Sẽ nuôi dưỡng tình yêu duy nhất với thính phòng – cổ điển
Giọng ca đến từ Khánh Hòa tâm sự rằng, anh rất hạnh phúc khi đạt được kết quả cao nhất trong Cuộc thi hát Thính phòng – Nhạc kịch – Hợp xướng toàn quốc 2023. Tuy nhiên, ngay từ bây giờ Trần Quốc Đạt đã nghĩ đến áp lực khi phải trở thành một ca sĩ hát dòng nhạc thính phòng cổ điển và sẽ dành trọn niềm đam mê này trên hành trình cuộc đời hoạt động âm nhạc của mình. Bước ra khỏi cuộc thi Trần Quốc Đạt sẽ tập trung vào việc hoàn thành chương trình đại học, bên cạnh đó sẽ đi làm và tham gia biểu diễn.
Trần Quốc Đạt sẽ tiếp tục hoàn thiện bản thân và kỹ thuật hát. Anh mong thời gian tới sẽ có một buổi trình diễn của riêng mình cùng các khách mời là những thầy cô, anh chị em nghệ sĩ mà anh kính trọng, ngưỡng mộ.
“Ước mơ lớn nhất của tôi là sẽ được hát cổ điển, sẽ cùng các bạn trẻ yêu dòng nhạc này tiếp tục truyền thống mà những bậc tiền bối đã và đang cống hiến hết mình. Được góp một sức nhỏ bé của mình vào điều đó là hạnh phúc lớn nhất trong cuộc đời hoạt động âm nhạc của tôi”.
Trần Quốc Đạt cũng lí giải rằng, sở dĩ anh chọn dòng nhạc thính phòng – cổ điển để theo đuổi là là bởi tôi thích diễn. Và khi hát các tác phẩm cổ điển, anh thấy mình đang được sống với những con người khác nhau trong tác phẩm.
Vì lẽ đó mà anh thấy rất hứng thú và thăng hoa khi được hóa thân thành các nhân vật trong các vở nhạc kịch. Anh từng mơ được đóng vua, hoàng tử, quý tộc… và chỉ có thính phòng – cổ điển mới mang anh đến gần với những giấc mơ đó.
NSND Quốc Hưng: “Tôi với Trần Quốc Đạt có một mối lương duyên rất lớn. Tôi được biết, Trần Quốc Đạt đã tìm hiểu về tôi rồi mới Bắc tiến để “tầm sư học đạo”. Khi nghe Đạt hát, tôi đã nhận thấy giọng hát của em có rất nhiều tiềm năng và tố chất để trở thành một nghệ sĩ lớn. Trong quá trình học, Đạt nắm bắt rất nhanh về cách xử lý tác phẩm, hơi thở, âm thanh… Hai thầy trò làm việc rất hiệu quả, hiệu quả từng ngày, từng giờ lên lớp.
Đạt rất đam mê âm nhạc và nghiêm túc với việc học. Có những buổi em bay từ TP.HCM ra Hà Nội học rồi về. Nhiều lúc tôi thấy lo lắng cho em về kinh tế nhưng em bảo em sẽ thu xếp được nên tôi yên tâm phần nào. Tôi nhận thấy ở em lòng yêu nghề, niềm đam mê dòng nhạc thính phòng – cổ điển rất lớn”.
Nguồn: Internet