Khoảng năm, bảy ngày thì nước rút đi bỏ lại trên cánh đồng và hai bên bờ sông những lớp phù sa dày quạch và một con sông nước đầy, ngầu đục mời gọi một mùa câu cá lấu. Cá lấu hay còn gọi là cá chình lấu là một loại cá nước ngọt có thân trơn dài, có gai trên dưới và đầu nhọn thường về sông con để đẻ vào khoảng tháng Chín cho đến tháng Mười một Âm lịch.
Cá thích về mùa mưa nhưng không lên đồng như các loại cá rô, cá chép, cá mương… mà cứ bám ở bụi bờ ven sông suối kiếm ăn và sinh nở. Thường thì cá đi từng đàn rất thấp dưới đáy sông mà người câu hay gọi là ổ. Ổ cá thường là bụi tre ven sông hay bờ cỏ lát. Cá ăn tạp, rất lì nên dễ câu và thường câu được hết cả bầy. Cứ đợi tầm nước về sông khi còn ngầu đục là làng tôi dành thời gian đi câu cá lấu. Lúc này việc nông đã nhàn vì vừa qua vụ mùa tháng Tám.
Gần như ai cũng thích đi câu như một việc thư giãn giữa mùa và còn cải thiện thêm một ít dưỡng chất cho bữa ăn gia đình vào những ngày đông tháng giá. Làng nhiều tre trúc nên cần câu không cần tìm kiếm mà chỉ chia nhau một ít cước chì, lưỡi câu là ai cũng đủ trọn bộ để câu. Thường thì người câu có đến hai hoặc ba cần câu chính nhưng cũng có người dùng rất nhiều cần câu cặm mang theo trong mỗi lần câu. Cần cặm là người ta chẻ ống tre ra vót tròn nhỏ hơn ngón tay người lớn, tum nhọn phía dưới và dài cỡ độ một mét rưỡi.
Cách khoảng hai mươi phân tính từ dưới lên người ta buộc một dây câu ngắn, móc mồi vào lưỡi và cặm dài suốt ven bờ sông nơi nào nghi là có cá về ở. Cần cặm thường là “của để dành” thỉnh thoảng người câu kiểm tra móc mồi hay gỡ cá nhưng thú nhất và quan tâm nhất vẫn là câu trực tiếp. Ngồi bên bụi tre hay bờ cỏ đã được dọn sạch bề thế không vướng víu chỗ nào là buông cần đợi cá. Cần câu cá lấu không dài như cần câu cá rô hay cần câu ếch mà khoảng chừng hai mét rưỡi đến ba mét nhưng chì phải nặng vì cá lấu thường ăn thấp. Người câu làng tôi ít dùng phao câu cá mà là câu nhắp. Câu nhắp là tập trung cao độ, tận hưởng cao trào từ sự tiếp cận đầu tiên của cá cho đến khi giật cần.
Hồi hộp, tính toán, mừng vui và có khi là cả sự tiếc nuối khi giật trượt. Hấp dẫn là chỗ ấy. Mồi câu cá lấu là trùn chai khác biệt với loại trùn kim dùng để câu cá bống và trùn bủng để thả ống trúm lươn. Trùn chai thân dài, trơn bóng hơi đen và chắc thịt không sợ tôm cua phá mồi. Mỗi lần móc mồi có thể câu được hai ba lần cá. Phụ liệu mang theo trong lần câu cũng lắm điều phải nhắc đến. Ngoài cần câu, ống mồi, giỏ đựng cá, một cái rựa mang theo còn thêm một một cục gạch mồi “mê hồn hương” để dụ cá.
Đó là một viên gạch thẻ đã được nướng thật đỏ rồi lăn hai mặt trên một lớp trùn đã được bằm nhuyễn cho hút hết hơi trùn vào trong viên gạch. Sau đó phơi nắng cho viên gạch khô lại, cột thêm một sợi dây dài giữa cục gạch là đã đủ tiêu chuẩn để dụ cá về. Mỗi lần câu là chọn chỗ thả viên gạch xuống đầu tiên rồi từ từ móc mồi buông câu, giật cá. Cá nghe mùi tanh từ viên gạch thấm ra là kéo về càng lúc càng đông, gặp mồi là ăn ngay. Nhiều buổi giật không kịp, khi chưa kịp gỡ cần này thì cần kia đã rung. Cứ loắn quắn với gỡ cá, móc mồi liên tục, líu quýu suốt một buổi chiều. Còn nhớ khi xưa mỗi lần theo ba đi câu là mỗi lần biết bữa cơm tối nay của gia đình sẽ ngon lắm đây.
Ba tôi câu giỏi và rất năng động. Trong “chiến lợi phẩm” thu được trong mỗi buổi chiều đi câu ngoài cá ra còn có mụt măng và các loại rau tập tàng khác thơm đến mê hoặc. Mẹ tôi thường kho cá lấu với một loại chuối nhoai trong vườn hơi cay và mặn một tí. Cái cảm giác háo hức đợi chờ được ăn cơm mẹ nấu sau một chiều chạy nhảy ven sông bụng đói dẫu lâu rồi vẫn cứ cồn cào ám ảnh miết trong tôi. Bây giờ sông Trầu vẫn còn cá lấu về sau mỗi trận lụt tháng Mười; vẫn còn những bóng người ngồi lặng lẽ ven sông vào những buổi chiều ngai ngái mùi bùn nâu và củi mục nhưng cách câu và đánh bắt không còn những nét xưa mà đã mang tính tận diệt.
Những thuốc nhử hóa chất hiện đại và những xung điện đã cào sạch những sinh thể sống trên sông mà cá lấu cũng không là ngoại lệ. Tuy nhiên, dẫu ít dẫu nhiều cá lấu như còn nợ con người quê tôi một món nợ ân tình để được thảo thơm hiến dâng, chia sẻ nên cứ mỗi mùa lụt vẫn kéo về như một điều hò hẹn. Và, thật may mắn cho tôi vẫn còn có những buổi chiều nôn nao, níu giằng được về bên sông Trầu ngồi câu dĩ vãng.
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục “Kể chuyện làng” từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Bài viết cộng tác với chuyên mục “Kể chuyện làng” xin gửi về email: [email protected]; điện thoại liên hệ: 0903226305.
Nguồn: Internet