Nhiều khi đọc tản văn của ai đó, tôi lại nhận ra nhiều điều về cuộc đời hơn khi tác giả viết thể loại khác. Bởi xuyên suốt (nếu in thành tập), tôi cảm nhận được chất tự truyện. Đó là dấu ấn xuất phát điểm cảm nhận cuộc sống, ước mơ, khấp khểnh đời tư, tình riêng sâu kín. Đó là mùi đồng đất, gia đình, tuổi thơ, trưởng thành, bươn chải mưu sinh, hòa điệu muôn trùng.
Với tập tản văn “Có hẹn với thanh xuân” (NXB Đà Nẵng, 2023), Cao Vĩ Nhánh cho tôi thấy mồn một tâm hồn thiện lương cá tính cuộc đời anh. “Dòng sông Ba bao dung và rộng lượng cứ thao thiết chảy cuốn trôi đi bao hoài niệm tuổi thơ cùng những gì cay đắng nhất của đời người. Cha tôi bỏ đi; mẹ tôi, người con gái thị thành chưa một ngày dãi nắng dầm sương, phải ngày lại ngày chèo đò đưa khách sang sông” (Mẹ và dòng sông).
“Tôi chỉ ước cho thời gian quay ngược trở lại, để được trở về nhà những mùa Tết rộn ràng hạnh phúc ấu thơ, vì cũng chỉ có Tết mới đoàn viên đầy đủ bốn chị em tôi. Những cái Tết khi tôi đã lớn, các anh chị có cuộc sống riêng, thường quanh đi quẩn lại chỉ có hai mẹ con” (Thương nhớ Tết xưa). Đọc đến đây, tôi chợt chút man mác của không gian Yến Lan ngày trước “Khế chua chị nấu lá mồng tơi/ Em ước cùng ăn đến trọn đời/ Tang mẹ mãn rồi, bà mối giục/ Chị đi – bát đũa cũng mồ côi”.
Riết rao quê nhà, rồi một ngày chàng trai khoác ba lô lên phố. Để rồi một cảm thức ngỡ ngàng, khác lạ đã có mặt trong tản văn Cao Vĩ Nhánh. “Anh đem mưa quê vào những giấc mơ. Có những đêm, nơi thành phố ồn ào bậc nhất này, trời cũng lâm thâm mưa… rất quê nhà. Ở con phố đèn vàng, những sợi mưa mỏng tanh như tơ nhện giăng đều xuống đất. Anh ngẩn ngơ nhìn đám lá me bay lại chạnh lòng. Những kỷ niệm vui buồn xếp hàng không hẹn trước” (Tên một cơn mưa).
Rồi những nhận xét tinh tế về tình người, nết đất nơi phương Nam trên bước lãng du: “Dường như sống giữa bao la trời bể, họ học cách thương nhau để không lạnh lẽo, cô độc. Tính cách nghiêng về gam màu đậm. Thương là thương lún thương lụn, nhớ là nhớ da nhớ diết, sầu là sầu não sầu nuột. Cái cách yêu thương của họ nồng nã, hết mình chứ không dè sẻn, nửa vời. Ta thương sao những con người” (Về Cà Mau nghe em).
Sinh năm 1982 tại Phú Yên, Cao Vĩ Nhánh học phổ thông quê nhà rồi khăn gói vào Đại học Sư phạm TP.HCM. Thế nhưng tấm bằng sư phạm không đủ giúp anh bước lên bục giảng. Bảng lảng đó đây nhiều công việc, rồi anh về Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên. Ở bất kỳ giai đoạn mưu sinh nào, đam mê sáng tác vẫn luôn bám chặt lấy anh.
Cao Vĩ Nhánh sáng tác không quá bùng nổ nhưng đầy lắng đọng, ăm ắp cảm xúc của một tâm hồn luôn ngạc nhiên, thơ trẻ trước cuộc sống gào xiết này. Đó là một lựa chọn của cá tính sáng tạo. Như có lần anh tự nhận: “Trong những trang tản văn của tôi không ồn ào với lối viết đầy cái “tôi”, không lên gân với nỗi buồn nhân thế, tôi chọn lối viết nhẹ nhàng, thiên về chất thơ, đôi lúc là những chiêm nghiệm về cuộc sống an nhiên. Nhiều bạn đọc nhận xét những trang viết của tôi không khiến độc giả ưu tư hay dằn vặt, ở đó bàng bạc không khí tinh khôi, trong trẻo”.
Nói như nhà thơ Lê Thiếu Nhơn: “Tác giả Cao Vĩ Nhánh hoạt động văn nghệ ở Phú Yên. Giới hạn địa bàn sáng tạo và bản tính cá nhân hiền lành không cho phép anh tung tẩy chữ nghĩa ra khỏi biên độ nhất định. Vì vậy, tác giả Cao Vĩ Nhánh chấp nhận những đoản khúc ngăn ngắn cho hành trình của mình, như những món quà nho nhỏ của số phận. Đấy cũng là một sự chọn lựa. Đấy cũng là một thái độ sống”.
Nguồn: Internet