Chia sẻ với Chosun, anh Lee (32 tuổi), người dùng chung tài khoản Netflix với bố mẹ dù cả hai không sống cùng một nhà, đang tỏ ra lo lắng trước chính sách hạn chế chia sẻ tài khoản của dịch vụ này. Từ tháng này, người dùng tại Hàn Quốc sẽ phải trả thêm 5.000 won mỗi tháng để có thể chia sẻ tài khoản với những người ở các địa điểm khác nhau. Trước đó, hình thức thu thêm phí này đã được Netflix áp dụng tại nhiều nước khác nhau trên thế giới.
Lee chia sẻ: “Tôi đang chờ một bộ phim ra rạp sẽ được phát sóng trên OTT (truyền hình trực tuyến) nên tôi quyết định duy trì đăng ký của mình ngay bây giờ. Bạn phải trả vài nghìn won để tải xuống một bộ phim, vì vậy việc đăng ký OTT ngay cả khi giá có tăng lên một chút cũng là điều hợp lý”.
Hiện tượng “lạm phát trực tuyến” đã trở thành hiện thực khi Netflix hạn chế chia sẻ tài khoản, cả Disney và TVing cũng tăng phí đăng ký. Tuy nhiên, hầu hết mọi người đều ngần ngại việc hủy đăng ký OTT của họ.
Người trẻ thà nhịn ăn còn hơn hủy Netflix
Theo cuộc khảo sát được thực hiện trên 1.007 người từ 20 đến 60 tuổi, 19,6% số người được hỏi cho biết, họ sẽ “giảm đăng ký OTT” để tiết kiệm chi phí trong thời kỳ lạm phát này. Khi được hỏi về các mặt hàng mà họ dự định giảm chi tiêu, đồ ăn ở ngoài và giao hàng chiếm đa số với 49,3%, tiếp theo là quần áo (35,5%), du lịch và đi chơi (33%), OTT (19,6%), và các hóa đơn tiện ích như điện và gas (17,6%). 38,6% cho biết, họ sẽ tiếp tục xem OTT ngay cả khi phải giảm việc đi ăn ngoài và đặt đồ ăn về nhà.
OTT đã trở thành một mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, đặc biệt là trong thế hệ trẻ. Anh Go (32 tuổi), nhân viên văn phòng chia sẻ: “Ngành OTT thâm hụt trầm trọng nên dường như đó là một quá trình tất yếu. Việc tăng giá thật khó chịu, nhưng vì tài khoản của tôi gắn liền với gia đình và bạn bè nên rất khó để từ bỏ”.
Theo Lee Sang Won, giáo sư nghiên cứu truyền thông tại Đại học Kyung Hee, Netflix có 247,15 triệu người đăng ký trên toàn thế giới, trong khi số thuê bao OTT tại Hàn Quốc bao gồm TVING, Wave và Coupang Play có 5,14 triệu (ước tính theo số lượng người dùng hoạt động hàng tháng). Giáo sư Lee cho biết: “Nếu cùng 10 tỷ won đầu tư vào nội dung, chi phí cho mỗi người đăng ký là 40 won đối với Netflix và 1.945 won đối với các nhà khai thác trong nước thì chênh lệch khoảng 48 lần”. Ông thừa nhận: “Thật khó để tái đầu tư vào OTT”.
Với việc phí thuê bao OTT tiếp tục tăng, các dịch vụ giúp người dùng chia sẻ tài khoản của họ với người khác ngày càng trở nên phổ biến. Linked, một nền tảng đăng ký chung OTT đã chứng kiến số lượng người đăng ký mới tăng hơn gấp đôi sau khi Netflix công bố chính sách giá mới. Trong số các khách hàng hiện tại của Netflix, tỷ lệ chuyển sang gói cước tăng giá đạt 50%.
Giám đốc điều hành Peachgrove, Kim Seon Woo, người điều hành Linked cho biết: “Từ góc nhìn của người dùng thực tế, yếu tố quyết định việc ngừng đăng ký là sự hiện diện hay vắng mặt của nội dung đáng xem hơn là việc tăng phí đăng ký”.
Nguồn: Internet