Nằm trong khuôn khổ Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23, Hội thảo Bảo hộ bản quyền trong phát triển công nghiệp điện ảnh có sự tham gia của nhiều chuyên gia trong ngành điện ảnh và bản quyền, đưa ra một trong những vấn đề nóng hổi đó là các trang web xem phim lậu.
T.S Ngô Phương Lan – Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến và Phát triển Điện ảnh Việt Nam khẳng định với Dân Việt rằng, theo nhiều thống kê trên thế giới, Việt Nam là một trong những nước có ý thức thấp nhất về bản quyền trong các tác phẩm phim và điện ảnh, nhất là khi vẫn tồn tại hàng loạt những trang web xem phim lậu. Bà Phương Lan dẫn chứng ra, năm 2021, từng có sự vụ trang web lậu đầu tiên bị khởi tố hình sự là phimmoi.com, nhưng đến giờ vẫn chưa được xét xử.
Phimmoi.com là trang web xem phim lậu được đặt server tại nước ngoài, với hàng trăm đến hàng ngàn bộ phim được phát lậu miễn phí, kéo theo vô vàn những trang web lậu khác ăn theo và tồn tại từ đó cho đến nay mà vẫn chưa có biện pháp, chế tài xử lý đủ sức răn đe. T.S Ngô Phương Lan khẳng định, nếu không có những hình thức bảo vệ bản quyền thì công sức của các nhà làm phim, nhất là để cho các trang web xem phim lậu vẫn còn “oanh tạc” không gian mạng, rất khó để ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam phát triển.
Ông Nguyễn Ngọc Hân – CEO của Thủ Đô Multimedia bày tỏ sự lo về việc đứng sau những trang web xem phim lậu là những trang web cá độ bóng đá, lồng ghép quảng cáo, cổ vũ cá độ vào những bộ phim phát lậu.
Chia sẻ nhanh với Dân Việt, bà Phạm Thị Kim Oanh – Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ VHTTDL cho rằng, sự phát triển quá nhanh và chóng mặt của Internet và công nghệ chính là một trong những nguyên nhân chính. Chỉ bằng một chiếc điện thoại, bất cứ ai cũng có thể livestream trái phép và đăng lên nhanh chóng những nền tảng mạng xã hội. Đồng tình với quan điểm này, đạo diễn Võ Thanh Hòa khẳng định, anh cũng như nhiều nhà sản xuất, nhà làm phim thiệt hại không ít tiền của khi bị kẻ xấu hay bộ phận khán giả thiếu ý thức đăng trái phép phim của mình lên trên nền tảng Tiktok. Hàng loạt phim Việt ra rạp trong năm qua như Con nhót mót chồng, Siêu lừa gặp siêu lầy hay Nhà bà Nữ và mới đây là Người vợ cuối cùng, Đất rừng phương Nam đã không khó để tìm kiếm những đoạn clip quay trộm, cắt ghép trái phép các tác phẩm này trên nền tảng mạng xã hội.
Bà Phạm Thị Kim Oanh khẳng định, muốn xử lý vấn đề được triệt để ngoài việc tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật và bảo hộ quyền tác giả, tác phẩm điện ảnh thì cần nhanh chóng xây dựng và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, thực thi quyền tác giả cũng như tổ chức phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tương ứng của nước ngoài để đấu tranh, xử lý các hành vi xâm phạm trên Internet và không gian mạng.
Thạc sĩ, luật sư Quảng Văn Minh – Phó chủ tịch Hội Bảo vệ bản quyền tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình Việt Nam khẳng định với Dân Việt rằng, nên có nhiều biện pháp thiết thực và chủ động hơn và một trong số đó chính là chặn nguồn thu quảng cáo từ các trang web lậu. Ông Minh chỉ ra rằng, nên tham khảo cách làm của một số nước, trong đó có nước Anh khi lực lượng cảnh sát chống tội phạm sở hữu trí tuệ được thành lập, có sự phối hợp chặt chẽ với các đơn vị cung cấp các nền tảng quảng cáo trên không gian mạng.
Ông Nguyễn Ngọc Hân cũng đưa ra vài biện pháp áp dụng công nghệ như giải pháp mã hóa để bảo vệ quản lý, gắn mã bản quyền để truy vết cho nội dung khi phân phối cho từng đối tác, chỉ cấp quyền xem cho các đơn vị phân phối, không cấp quyền sao chép, tự động trích thụ hưởng với các đơn vị phân phối… Hiện đơn vị của ông Hân cũng đang áp dụng hình thức bảo vệ bản quyền bằng công nghệ có tên là Sigma Multi-DRM, bao gồm 4 giải pháp bảo mật gồm có: Play Ready, Widevine và Fairplay, Sigma DRM đã hội đủ tiêu chuẩn để hầu hết các hãng sở hữu bản quyền lớn nhất trên toàn cầu đồng ý cấp nội dung trên môi trường Internet.
Ông Hân cũng cho biết thêm: “Ngoài vai trò phổ quát hệt như Multi-DRM trong bảo vệ bản quyền nội dung cho các thiết bị có hệ điều hành, giải pháp Sigma DRM độc lập còn có một vai trò rất quan trọng trong bảo mật nội dung cho các thiết bị không có hệ điều hành và số lượng các thiết bị này có xu hướng bùng nổ trong thời gian tới.
Lấy ví dụ ở lĩnh vực camera an ninh khi hiện nay trung bình mỗi một gia đình có 1 camera, nhưng trong vài năm tới, cả nước sẽ có đến hàng trăm triệu thiết bị này và đây là lĩnh vực đầu tiên có nội dung cần phải bảo vệ. Việc lọt lộ các clip riêng tư trong thời gian gần đây chính là minh chứng cho việc bảo mật trong mảng này đang còn bị bỏ ngỏ. Một mảng khác nữa là các thiết bị vạn vật kết nối iOT, rõ ràng, phần lớn các thiết bị hiện nay đang được kết nối và điều khiển thông qua hệ thống đám mây của các doanh nghiệp nước ngoài, khi trong nước làm chủ được việc phát triển phần mềm, phần cứng iOT sẽ có nhiều lớp thiết bị cần được dữ liệu trao đổi cần được bảo vệ”.
Nguồn: Internet