Tối 17/11, tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm (Long Biên, Hà Nội), Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023 đã chính thức khai mạc, mở ra chuỗi hơn 60 hoạt động đặc sắc về thiết kế sáng tạo tại nhiều địa điểm cho công chúng trải nghiệm.
Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội là hoạt động thường niên của thành phố Hà Nội nhằm triển khai Kế hoạch thực hiện các sáng kiến gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO, thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa, khẳng định vị thế tiên phong của Hà Nội ở tầm quốc gia, hội nhập với xu thế kinh tế sáng tạo quốc tế.
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Vũ Thu Hà khẳng định, từ năm 2019, Hà Nội chính thức trở thành thành viên của Mạng lưới Thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực Thiết kế. Sau gần 4 năm thực hiện, Thành phố đã có nhiều hoạt động để cụ thể hóa những cam kết xây dựng Thành phố sáng tạo. Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU “Về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Thành phố đã ưu tiên triển khai hiệu quả, thiết thực các chương trình đầu tư để bảo tồn, tu bổ tôn tạo và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn; đầu tư nhiều dự án, công trình văn hóa trọng điểm, công trình văn hóa mới tiêu biểu, có không gian cảnh quan đặc sắc, mang đặc trưng của Thủ đô gắn với đẩy mạnh phát triển du lịch văn hóa, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh.
Đồng thời, Thành phố duy trì, phát triển quan hệ hợp tác quốc tế ngày càng thiết thực, hiệu quả, tăng cường, mở rộng quan hệ đối ngoại, ngoại giao văn hóa, giao lưu hợp tác với các thành phố, thủ đô các nước, các thành phố là thành viên Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO… và là thành viên tích cực trong liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Sự sáng tạo thể hiện rõ nét trong hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, sắp đặt… Ảnh: BTC
Theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố Vũ Thu Hà, để phát huy tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô, nâng cao ý thức của cộng đồng, hướng đến kết nối, mở rộng hợp tác giữa các tổ chức, các chuyên gia, các doanh nghiệp trong nước về phát triển văn hóa, đồng thời thực hiện cam kết với UNESCO khi gia nhập Mạng lưới Thành phố sáng tạo, Hà Nội đã tổ chức Lễ hội Thiết kế sáng tạo thường niên. Năm 2023, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội có chủ đề “Dòng chảy” tập trung vào ba trụ cột chính: Thiết kế – Cộng đồng – Sáng tạo.
Tại Lễ khai mạc, Quyền Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam Ramla Khalidi khẳng định, Lễ hội là một sự kiện quan trọng đối với người dân Hà Nội cũng như du khách để tôn vinh nguồn lực văn hóa sáng tạo phong phú của Thủ đô. Qua những công trình nghệ thuật và sáng tạo, chúng ta có thể nhìn và cảm nhận cách mà sự phát triển của các nguồn lực văn hóa trong thành phố đã và đang đem lại sức sống mới cho đô thị này. Với hơn một nghìn năm bề dày truyền thống được truyền qua nhiều thế hệ, Hà Nội đang sở hữu tiềm năng để trở thành đơn vị tiên phong trên mọi lĩnh vực phát triển.
Theo bà Ramla Khalidi, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội – một trong những sáng kiến mà Hà Nội cam kết thực hiện, là ví dụ điển hình cho thấy sự thành công của thành phố trong việc hiện thực hóa tầm nhìn trở thành Thủ đô sáng tạo của Việt Nam. Thông qua quan hệ đối tác công – tư góp phần thúc đẩy một ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo vô cùng năng động và hướng đến giới trẻ, Hà Nội đã chứng minh văn hóa có thể được coi là động lực cho phát triển kinh tế – xã hội khi huy động nguồn năng lượng trẻ dồi dào để đổi mới và biến Hà Nội thành một nơi chốn tốt đẹp hơn cho mọi công dân của mình.
Theo BTC, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 diễn ra từ ngày 17 đến 26/11; với hơn 60 hoạt động văn hóa, 4 công trình giới thiệu kiến trúc và các hoạt động nghệ thuật, trưng bày, triển lãm, hội thảo, tọa đàm, chuỗi sự kiện cộng đồng, hội chợ sáng tạo…
Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 kết nối nhiều không gian bên bờ sông Hồng
Với chủ đề “Dòng chảy”, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2023 còn có ý nghĩa kết nối những không gian hai bên bờ sông Hồng như: vườn hoa Vạn Xuân và tháp nước Hàng Đậu; ga Long Biên; cầu Long Biên; ga Gia Lâm và Nhà máy xe lửa Gia Lâm – những địa điểm chính diễn ra các hoạt động của Lễ hội.
Tính sáng tạo được phát huy tối đa trong các tiết mục nghệ thuật biểu diễn tại Lễ khai mạc. Ảnh: BTC
Đáng chú ý các hoạt động nghệ thuật, hoạt động trình diễn của cộng đồng với chủ đề “Dòng chảy” tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm sẽ là sự kết hợp sự sáng tạo trên nền tảng truyền thống và đương đại, hay “Âm cảnh ga Hà Nội” là một sự sắp đặt âm thanh đặc sắc. Đây cũng là không gian tổ chức Hội chợ thủ công nghệ thuật với sự tham gia của nhiều nhà sáng tạo trẻ.
Các tọa đàm, hội thảo đáng chú ý như: Diễn đàn Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO khu vực Đông Nam Á tại Hà Nội, Hội thảo quốc tế “Thành phố sáng tạo Hà Nội – Xây dựng thương hiệu và phát triển nguồn lực”, Hội thảo “Công viên văn hóa đa chức năng tại khu vực bãi nổi và bãi ven sông Hồng” và nhiều hội thảo, tọa đàm quy tụ các chuyên gia lĩnh vực sáng tạo và cộng động sáng tạo tham gia, là nơi cộng đồng sáng tạo, giao lưu, kết nối, trao đổi thông tin và cùng nhau sáng tạo…
Một điều đáng chú ý là trong suốt thời gian diễn ra Lễ hội, sẽ có những “chuyến tàu di sản” đi từ Ga Hà Nội đến khu vực Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, gồm cả chiều đi và về. Mỗi ngày có bốn lượt tàu chạy, với giá vé 40.000 đồng/người/lượt.
Ngoài những không gian kể trên, trong dịp này, các quận, huyện, thị xã của Hà Nội cũng tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng nhằm kết nối sự sáng tạo và phát huy truyền thống lịch sử văn hóa, hướng tới sự phát triển của ngành công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo của Thủ đô.
Nguồn: Internet