Tạ Tuấn Minh làm khó mình với kịch về tình yêu đồng tính
Có thể nói, từ nội dung đến lối dẫn dắt của “Bóng rối” đều mang hơi thở đương đại, phá vỡ mọi quy tắc kịch nghệ truyền thống. Suốt gần 120 phút, “Bóng rối” dìu dắt khán giả đi từ sự khó hiểu đến những những giây phút nghẹt thở rồi vỡ oà khi lớp nội dung cuối cùng được mở ra. Tất cả đều diễn tiến không theo một cấu trúc về trình tự thời gian và không gian, câu chuyện mở ra một cách đa chiều, các lớp kịch đan xen vào nhau theo sự lắp ghép của ký ức.
Đạo diễn Trần Lực cho rằng, vở kịch như một cuốn tiểu thuyết nhiều chương nhưng chương nọ lồng vào chương kia. Từ một câu chuyện của nhân vật Kiên mở ra muôn câu chuyện về xã hội, gia đình và tình yêu của hai người đàn ông. Sự mới mẻ trong kịch bản, sự sáng tạo trong cách thể hiện đã mang đến cho người xem rất nhiều sự bất ngờ.
“Bóng rối” là những mảnh ký ức rời rạc của Kiên (La Thiên) sau cú biến động tâm lý – bố đột ngột qua đời. Với Kiên, bố là một người bạn rất đỗi gần gũi và thân thương. Bố như hiện thân của nhân vật hoạt hình bước ra từ tập truyện tranh, dìu cậu đi từ những giấc mơ bé thơ đến lúc trưởng thành. Bởi lẽ đó, khi nghe tin bố đột ngột qua đời, Kiên rất sốc. Cậu rất tò mò về cái chết của bố – một nghệ sĩ điêu khắc tài năng, bởi mẹ cậu luôn giấu giếm lí do. Khi bước chân vào căn phòng sáng tạo nghệ thuật của bố, Kiên đã lạc trong những giấc mơ và cũng từ đây nhiều giấc mơ khác đã được mở ra.
Trong giấc mơ, Kiên lội ngược về quá khứ, chìm đắm trong hạnh phúc khi thấy những yêu thương bố mẹ dành cho mình khi còn bé và nghẹn trào nước mắt khi biết sự thật trái ngang về những thứ ẩn sau hạnh phúc hôn nhân của bố mẹ. Hóa ra, bấy lâu nay, bố mẹ Kiên luôn gồng mình che giấu một bí mật và họ đã không được sống như mình muốn. Đặc biệt, bố Kiên (Nguyễn Vũ) – một người sáng tạo nghệ thuật đã luôn tạo ra những hình khối khô khốc, co quắp, đớn đau… vì tâm hồn ông bị giam cầm.
Và trong giấc mơ đa chiều không gian và thời gian ấy, Kiên đã biết được sự thật về tình yêu của bố với nhà văn Cedric (Thế Nguyên đóng) – người bạn thân nhất của mẹ. Người mà cả mẹ và cô ruột đều yêu say đắm và rất muốn được đáp lại tình yêu. Mẹ Kiên (Khuất Quỳnh Hoa) đã biết được sự thật về tình yêu ngang trái của chồng mình với người bạn thân. Bà đã mở cho bố Kiên một lối đi nhưng bố Kiên đã không thể bỏ con trai để đến với người tình. Khi biết hết tất cả sự thật, Kiên đã thốt lên: “Mẹ ơi, con thương mẹ… Bố ơi, con thương bố”.
Và cái kết mở mà Tạ Tuấn Minh chọn để kết thúc vở kịch đã rất hợp tình hợp lý khi gợi lên trong tâm tưởng người xem những suy nghĩ khác nhau. Đạo diễn đã cố tình để mỗi khán giả viết nên một cái kết cho riêng mình.
Thông điệp cuối cùng khi màn nhung khép lại đó là trong mỗi chúng ta luôn tồn tại những góc khuất, bí mật sâu thẳm mà ta giấu kín. Đó có thể là những khao khát hoặc tổn thương hoặc sai lầm rất con người nhưng đối lập với những quan niệm, tư tưởng phổ biến của gia đình và xã hội… nên ta mãi chưa chạm tới. Những cuộc đấu tranh nội tâm như những cuộc chiến khiến ta lâm vào bi kịch của chính ta.
Biến rối thành một nhân vật mang tính ẩn dụ đa thông điệp
Trong vở kịch, đạo diễn Tạ Tuấn Minh sử dụng nhiều con rối mang tính ẩn dụ. Việc biến những con rối thành những “nhân vật biết nói”, biểu đạt trạng thái cảm xúc của nhân vật hoặc nói thay lời của con người cũng là một sự sáng tạo rất mới mẻ. Để có thể đan xen ngôn ngữ của rối vào ngôn ngữ nhân vật đòi hỏi đạo diễn phải nắm rất chắc các thủ pháp của nghệ thuật múa rối.
Bên cạnh đó, ý tưởng xây dựng sân khấu chuyển động với nhiều lớp màn và nhiều bối cảnh của đạo diễn sân khấu Hà Nguyên Long cũng là cách thể hiện rất mới mẻ. Với cách thể hiện này, sân khấu luôn chuyển động như sự chuyển động của ký ức. Càng về sau, thông điệp về thời gian của vở kịch càng rõ. Bối cảnh sân khấu trở thành một lớp nghĩa thứ ba, lớp nghĩa gián tiếp… góp phần rất quan trọng vào việc kể câu chuyện của vở kịch.
Các diễn viên tham gia vở kịch phải vận dụng gần như tối đa “công lực” của mình khi không chỉ thoại, diễn tả nội tâm mà còn sử dụng ngôn ngữ hình thể rất nhiều. Những màn đối thoại trực tiếp giữa nhân vật đôi khi có tiết tấu rất nhanh và chỉ có ngôn ngữ hình thể mới diễn tả được hết trạng thái cảm xúc của nhân vật lúc đó. Nhân vật chính là Kiên sau mỗi lớp kịch đều quay trở về hàng ghế khán giả ngồi để theo dõi như thể là một người không liên quan gì đến câu chuyện trên sân khấu. Tuy nhiên, mỗi lần Kiên đứng dậy, chạy thật nhanh lên sân khấu với rất nhiều trạng thái cảm xúc khác nhau cũng mang đến nhiều hiệu ứng độc đáo về thị giác.
Âm thanh, âm nhạc của vở kịch cũng là một điểm cộng ấn tượng. Vở kịch sử dụng cả nhạc không lời lẫn bài hát có lời và được làm mới để phục vụ ý đồ của kịch bản. Tất cả đều vừa vặn và hợp lý. Đặc biệt, vở kịch nhuốm màu sắc hiện đại rõ nét hơn khi đưa vào nhiều hiệu ứng âm thanh để tạo nên sự cộng hưởng cho các tình huống kịch. Điều này khiến vở kịch vừa có sự huyền bí, vừa có sự lạ lẫm.
“Bóng rối” chỉ thành hình hải khi Vũ Hoàng Hoa gặp Tạ Tuấn Minh
Nhà văn Vũ Hoàng Hoa chia sẻ, chị bắt đầu viết “Bóng rối” từ năm 2019 và hoàn thành năm 2021. Trước khi được Tạ Tuấn Minh dựng thành kịch, chị từng đưa kịch bản này cho một số bạn bè nhưng ai lắc đầu bảo “ở Việt Nam chẳng ai xem những vở kịch dạng này và khuyên chị mang về Úc vì sợ không có khán giả. Sau khi trao đổi với NSƯT Tạ Tuấn Minh, con chữ trong kịch bản văn học dần được thành hình thành hài.
“Tạ Tuấn Minh là người thấu hiểu kịch bản, luôn vững vàng bảo vệ “Bóng rối” ngay cả khi tôi bị chao đảo và mất lòng tin. Tôi cũng tri ân tới đạo diễn, nhà thiết kế sân khấu Hà Nguyên Long đã chung tay góp sức với ê-kíp cho ra đời phiên bản “Bóng rối” đầu tiên. Nhờ có họ tôi quyết định không sửa kịch bản để chiều theo thị hiếu đám đông, thử dũng cảm một lần hướng tới trái tim người xem. Nếu chính mình không dám tự đặt viên gạch đầu tiên vì lo sợ chất liệu khác biệt làm sao mọi thứ được bắt đầu?
Đặc biệt nhờ tình yêu vô bờ bến của mẹ Thư và sự ủng hộ của gia đình chồng nên tôi mới có được ngày hôm nay. Tôi mong với đội ngũ sáng tạo đầy tâm huyết và sự hỗ trợ của Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam Nguyễn Xuân Bắc sẽ đưa “Bóng rối” cập bến bờ nghệ thuật”.
Vở “Bóng rối” có sự tham gia của NSND Lan Hương (vai bà ngoại), NSND Việt Thắng (vai dượng hói), Khuất Quỳnh Hoa (vai Hồng, mẹ Kiên), Nguyễn Vũ (vai Duy, bố Kiên), Thế Nguyên (vai Cedric), La Thiên (vai Kiên), Thanh Hường (vai bà nội), Minh Thu (vai Linh), Thảo Trang (vai Bi – Kiên lúc bé) Vũ Tuấn (vai Baku)…
Vở kịch “Bóng rối” sẽ chính thức được Nhà hát Kịch Việt Nam công diễn vào ngày 20,21,23/11/2023.
Nguồn: Internet