Để nhận diện rõ hơn những nguyên nhân khiến hiện tượng ứng xử lệch chuẩn của nghệ sĩ ngày càng trầm trọng và đưa ra các giải pháp để khắc phục tình trạng này, PV Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng – nguyên Giảng viên cao cấp về Văn hóa và Phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Thưa Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng! Ứng xử lệch chuẩn của nghệ sĩ đang trở thành vấn đề nhức nhối, đáng báo động… Với tư cách là người nghiên cứu, giảng dạy về Văn hóa và Phát triển, bà nhìn nhận như thế nào về câu chuyện này?
– Tôi nghĩ, chuyện nghệ sĩ có những buông thả, mất kiểm soát trong phát ngôn, hành vi ứng xử… đang gióng lên một hồi chuông báo động đỏ. Nhiều nghệ sĩ đã không còn nhận ra, đâu là giới hạn của tự do cá tính nghệ sĩ và đâu là chuẩn mực của hành vi ứng xử có văn hóa. Có những nghệ sĩ, càng được công chúng dễ dãi tha thứ, càng được công chúng rộng lượng bao dung… thì lại càng làm tới. Có vẻ như họ cố tình hiểu sai về khái niệm “tự do cá tính nghệ sĩ” nên đã tận dụng sự tôn trọng tự do để làm bậy. Điều này làm tổn hại đến giới nghệ sĩ nói chung và làm mất đi hình tượng đẹp đẽ của người nghệ sĩ trong con mắt của công chúng nói riêng.
Chẳng hạn, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng được công chúng thừa nhận là người rất tài năng nhưng đi liền với cái tài cũng là cái tật. Anh có rất nhiều phát ngôn khiến dư luận dậy sóng, mang tính ngông cuồng hoặc cổ súy cho hành vi lệch chuẩn trong giao tiếp – ứng xử. Chưa dừng ở những phát ngôn, anh ta còn định phong mình là “ông hoàng nhạc Việt” để khẳng định quyền lực của mình. Theo tôi, những biểu hiện đó cho thấy nam ca sĩ này quá xem trọng cái tôi cá nhân của mình đâm ra xem thường người khác.
Ở đây, tôi nhận thấy một số nghệ sĩ đã thiếu đi một thứ rất quan trọng đó là ý thức, nhận thức về vai trò, trách nhiệm của mình đối với công chúng. Họ không hiểu được rằng, với tư cách là người của công chúng thì những ảnh hưởng của họ đến công chúng là rất lớn. Ảnh hưởng ở đây được hiểu theo cả nghĩa tích cực và tiêu cực, cả ảnh hưởng tốt và ảnh hưởng xấu. Bấy lâu nay, nhiều thần tượng đã làm mất đi vẻ đẹp của chính mình. Những vẻ đẹp tích cực của chữ thần tượng.
Người ta gọi họ là thần tượng với ý tôn vinh và ngợi ca, để hướng tới như một biểu tượng của văn hóa mang tính chất “thiêng” thì bây giờ nó đang đi ngược lại. Tôi cho rằng, đây là một hiện tượng rất đáng buồn và làm suy giảm niềm tin của công chúng vào giới nghệ sĩ.
Thực trạng nêu trên sẽ tác động như thế nào đến đời sống xã hội và đời sống nghệ thuật?
– Ứng xử lệch chuẩn không chỉ tác động rất xấu đến đời sống xã hội mà còn làm suy tàn nhiều giá trị đạo đức. Như chúng ta đã biết, nghệ sĩ nào cũng có một lượng người hâm mộ nhất định. Ở thời đại này nay, mỗi một lời nói, phát ngôn, hình ảnh của nghệ sĩ… trên các nền tảng số, chỉ trong 1 giây thôi đã có hàng nghìn, hàng triệu người tương tác. Và điều đó tác động rất lớn đến công chúng. Một lời nói lệch chuẩn cũng sẽ làm tổn hại rất lớn đến hình ảnh của những người nghệ sĩ trong mắt của công chúng “thông minh”. Nó đồng thời cũng tác động đến đối tượng công chúng trẻ, những người rất dễ bắt chước theo thần tượng.
Tôi cảm giác như bây giờ thiếu một điều gì đó nghiêm túc trong đời sống văn hóa nghệ thuật. Nó làm sao nhãng, mất lập trường tư tưởng chính trị và mất đi trách nhiệm ý thức công dân của mỗi bạn trẻ.’
Với văn hóa của cộng đồng thì tôi nghĩ là nó tạo ra sự phân hóa rất rõ giữa công chúng đã có trải nghiệm và công chúng của tuổi trẻ bây giờ đang lớn. Sự phân hóa giữa văn hóa truyền thống với văn hóa hiện đại. Đương nhiên, điều này tạo nên sự nghi ngờ. Cho nên, trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, các nhà văn hóa, các nhà quản lý cũng đã nói rất nhiều đến việc nâng cao năng lực quản lý đối với văn hóa nói chung và năng lực quản lý đối với đội ngũ văn nghệ sĩ nói riêng. Quản lý ở đây không chỉ là quản lý về chuyên môn mà quản lý về mặt phẩm chất, đạo đức.
Theo Tiến sĩ, những nguyên nhân khiến hiện tượng ứng xử lệch chuẩn của nghệ sĩ trở nên đáng báo động là gì?
– Nguyên nhân của sự việc này thì có rất nhiều, có cả khách quan lẫn chủ quan. Nguyên nhân thứ nhất là do sự cởi mở quá đà trong việc du nhập văn hóa phương Tây vào Việt Nam. Tác động đó dẫn đến, mỗi người chúng ta đều đề cao cái tôi cá nhân và nghệ sĩ càng đề cao cái tôi của họ, dẫn đến việc vượt qua những chuẩn mực của văn hóa ứng xử.
Nguyên nhân thứ hai, đời sống xã hội của chúng ta càng ngày càng phát triển cao lên về phương diện vật chất và phương diện tinh thần cho nên giới nghệ sĩ cũng có vị trí tương đối đặc biệt trong đời sống văn hóa của xã hội. Vô hình chung, sự yêu mến của công chúng cũng khiến nghệ sĩ có những ảo tưởng về vị trí và quyền lực của mình. Đó là lí do họ để cho cái tôi ngông nghênh của mình phát triển, không kiểm soát, không kiềm chế.
Có một điều nữa mà tôi nhận thấy đó là ở phía Nam, đời sống văn hóa – giải trí sôi động hơn và nhu cầu giải trí đã lấn lướt đi tính định hướng trong văn hóa – văn nghệ. Đôi khi, tính giải trí bị tầm thường hóa khiến cho tiếng cười trở nên nhạt nhẽo và nghệ sĩ cũng tự buông thả mình, thiếu nghiêm túc, thiếu cẩn trọng trong phát ngôn, hành vi.
Nguyên nhân thứ tư là lối sống thực dụng đã len lỏi và xâm chiếm sâu vào nhiều tầng lớp, trong đó có giới nghệ sĩ. Vì đồng tiền mà họ bất chấp tất cả để nhận lời quảng cáo cho hàng loạt nhãn hàng, sản phẩm… mà không có kiểm chứng, kiểm nghiệm. Họ tận danh tiếng và hình ảnh của bản thân; họ lợi dụng lòng tin của công chúng dành cho mình để kiếm tiền mà không lường hậu quả. Họ chỉ nhớ mỗi việc có lợi cho mình mà quên mất đang gây hại cho người. Những người đó không ai khác chính là công chúng của mình, là “ân nhân” đang nuôi sống mình.
Có một nguyên nhân rất quan trọng nữa đó là lỗi từ phía các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa – nghệ thuật. Tôi cho rằng, chúng ta chưa có cơ chế để quản lý một cách chặt chẽ văn hóa ứng xử của nghệ sĩ. Dù tôi biết, chúng ta đã có Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội do Bộ TT&TT ban hành năm 2021, Bộ Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật do Bộ VHTT&DL ban hành năm 2021… Nhưng chúng ta vẫn thiếu kiên quyết, thiếu chế tài để xử lý một cách nghiêm khắc.
Tôi thấy rằng, ở các nước có nền văn hóa – nghệ thuật phát triển như Hàn Quốc, Trung Quốc… họ xử lý rất nghiêm đối với các nghệ sĩ có vi phạm về đạo đức. Tôi không mong Việt Nam sẽ phải thực hiện điều này nhưng chúng ta có thể tham khảo cách làm của họ. Chúng ta bao dung thì bao dung quá, nhân văn lại nhân văn quá dẫn đến chuyện nhiều nghệ sĩ đánh mất lòng tự trọng cần có.
Và một nguyên nhân khác cũng rất trầm trọng đó là có một số ngôi sao trẻ tự tạo ra các scandal để đánh bóng tên tuổi. Họ cứ nghĩ chỉ cần tạo ra những tình huống “gay cấn” và có những phát ngôn gây sốc là có thể “bỏ neo” trong trí nhớ của mọi người về hình ảnh lẫn tên tuổi của mình. Nhưng đó là những suy nghĩ và hành vi rất nguy hiểm.
Vậy chúng ta cần có những giải pháp gì để chấn chỉnh và hạn chế hiện tượng này thưa Tiến sĩ?
– Tôi nghĩ cơ quan Nhà nước phải có sự chỉ đạo rất quyết liệt. Các Hội nghề nghiệp như Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Hội Điện ảnh Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam… cần tăng cường hơn nữa trách nhiệm của những người đứng đầu tổ chức hội đó.
Tôi thấy, thời gian qua có nhiều câu chuyện ồn ào xảy ra nhưng các cơ quan quản lý toàn “đá” quả bóng trách nhiệm từ chỗ này sang chỗ nọ. Và họ giải quyết rất lâu, lúc nào cũng có lý do phải chờ cái này, chờ cái nọ. Chúng ta cũng cần phải xem lại quy trình xử lý các vụ việc ồn ào hiện nay. Tại sao phải chờ đợi quá lâu như vậy, sai đến đâu phải xử đến đấy chứ và phải sửa ngay lập tức. Sửa ngay lập tức nghĩa là chúng ta có một chế tài đủ nghiêm để răn đe, cảnh báo thì sẽ có sức cảnh tỉnh đối với các nghệ sĩ khác.
Cách quản lý của chúng ta là cứ chờ… để mọi sự việc chìm trong im lặng sau đó là “giơ cao đánh khẽ” hoặc lãng quên nó đi. Công chúng không đồng tình với cách giải quyết đó. Tôi nghĩ, các nhà quản lý phải kiên quyết, kịp thời giải quyết các tình huống đó.
Ở khía cạnh thứ hai, chúng ta cũng nên đưa văn hóa ứng xử vào thành một trong những tiêu chí cứng để làm căn cứ, hành lang pháp lý khi xem xét hồ sơ phong tặng danh hiệu nghệ sĩ, trao giải thưởng, tặng bằng khen. Tại sao chúng ta lại không làm điều này?
Với công chúng, tôi nghĩ là chúng ta cũng tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng để cảnh báo cho công chúng biết, đã đến lúc, công chúng cũng phải có trách nhiệm trong việc tham gia vào quy trình chỉnh huấn nghệ sĩ. Chỉnh huấn ở đây là góp ý trên tinh thần xây dựng, trên tinh thần thiện chí, góp ý một cách có mục đích để các nghệ sĩ có ý thức trong việc làm tròn bổn phận, trách nhiệm đối với cộng đồng, đối với xã hội và với chính nghề nghiệp họ đang theo đuổi.
Sự phản ứng của nghệ sĩ đối với nghệ sĩ cũng có hiệu lực lớn hơn rất nhiều so với bên ngoài. Vì dù sao, họ cũng là những người cùng cảnh. Tuy nhiên, tôi thấy, lâu nay việc các nghệ sĩ phê bình lẫn nhau rất ít. Điều này cho thấy tinh thần phê và tự phê trong giới nghệ sĩ chưa cao. Tôi nghĩ, những người nghệ sĩ gạo cội, có sức ảnh hưởng rộng lớn nên lên tiếng mạnh mẽ hơn khi có những sự việc ồn ào hoặc nhìn thấy đồng nghiệp có những hành vi ứng xử thiếu chuẩn mực. Nên lấy uy tín, vị thế của mình để đưa ra những lời nói có sức nặng, cảnh tỉnh đồng nghiệp của mình dừng lại đúng lúc, đúng nơi trong các phát ngôn, hành vi ứng xử, đạo đức làm nghề.
Cảm ơn Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng đã chia sẻ thông tin.
(Còn tiếp)
Văn hóa – Giải trí | Tổng hợp tin tưc giải trí 24/7
Nguồn: Internet