Đạo diễn Bùi Trung Hải (con trai cố nghệ sĩ Bùi Đình Hạc) cho biết, cha anh qua đời tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô vào lúc 18h30 ngày 1/7/2023 sau một thời gian dài chiến đấu với căn bệnh tai biến mạch máu não, viêm phổi. Những năm gần đây, ông chỉ đi lại và hoạt động nhẹ nhàng trong nhà, tuy vậy đầu óc vẫn minh mẫn, thông tuệ.
NSND Bùi Đình Hạc sinh năm 1934 tại Phú Thọ. Tháng 11/1953, ông về hoạt động tại Định Hóa, Thái Nguyên – địa điểm liên lạc của ngành Điện ảnh Cách mạng Việt Nam kể từ sau khi chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập Doanh nghiệp quốc gia chiếu bóng và chụp ảnh Việt Nam. Kể từ đây, ông là một trong những những nghệ sĩ đặt viên gạch đầu tiên cho nền điện ảnh cách mạng.
Sau khi tốt nghiệp trường Điện ảnh Quốc gia tại Hà Nội, ông tiếp tục theo học khoa Đạo diễn phim truyện tại VGIK (Đại học Điện ảnh Quốc gia Liên Xô) và tốt nghiệp vào năm 1964.
Đạo diễn, NSND Bùi Đình Hạc là tài năng xuất chúng của nền điện ảnh nước nhà. Ông ghi dấu ấn ở cả hai lĩnh vực phim tài liệu và phim truyền hình. Năm 1959, ở tuổi 25, với bộ phim tài liệu Nước về Bắc Hưng Hải, ông đã đoạt Giải Vàng tại Liên hoan phim Mát-xcơ-va năm 1959. Bộ phim này là tác phẩm đầu tiên của một ngành nghệ thuật Việt Nam được tặng giải Vàng tại Liên hoan nghệ thuật mang tính quốc tế. Những thước phim tài liệu khác của ông cũng gắn liền với nhiều thế hệ khán giả Việt Nam như Nguyễn Ái Quốc đến với Lê Nin, Đường về Tổ Quốc, Hồ Chí Minh – chân dung một con người…
NSND Bùi Đình Hạc còn là đạo diễn của nhiều phim truyện mang tính cột mốc của điện ảnh Việt Nam như phim truyện Nguyễn Văn Trỗi (1966), Đường về quê mẹ (1971), Hoa thiên lý (1973), Hà Nội 12 ngày đêm (2002)…
Bên cạnh các hoạt động nghệ thuật, ông đảm nhận một số chức vụ quan trọng như giữ chức Giám đốc Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh Việt Nam, Phó Tổng thư ký Hội Điện ảnh Việt Nam khóa 1, cùng nhiều lần đảm nhận vai trò giám khảo các kỳ liên hoan phim trong và ngoài nước.
Năm 1984, Bùi Đình Hạc được nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân trong đợt phong thưởng danh hiệu đầu tiên. Năm 2007, ông đã được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật trong đợt trao giải thứ 3 nhờ 5 bộ phim tài liệu bao gồm Anh Nguyễn Văn Trỗi sống mãi, Hồ Chí Minh – Chân dung một con người, Nước về Bắc Hưng Hải, Nguyễn Ái Quốc đến với Lê Nin, Đường về Tổ Quốc và 2 phim truyện nhựa bao gồm Nguyễn Văn Trỗi, Đường về quê mẹ. Ngoài ra, ông còn nhận được Huân chương Kháng chiến hạng Nhất và Huân chương Lao động hạng Nhất.
Văn hóa – Giải trí | Tổng hợp tin tưc giải trí 24/7
Nguồn: Internet