Ngày xưa, người ta gọi làng tôi với cái tên làng Hồ, sau này từ năm 1990 thì đổi thành Hồng Kỳ. Dù Hồng Kỳ cũng rất đẹp và là cái tên ẩn chứa nhiều ý nghĩa về một ngôi làng nhưng những người dân trong làng chúng tôi vẫn thường quen dùng cái tên làng Hồ cũ. Bởi cái tên đó đã gắn bó với những đoạn kí ức, những năm tháng chẳng thể nào phôi phai theo biến chuyển thăng trầm của dòng thời gian. Cái tên Hồng Kỳ dường như chỉ được dùng trên những văn bản giấy tờ, nhiều khi có người lạ ở giữa làng hỏi thăm đến Hồng Kỳ mà ai cũng ngơ ngác, phải mất một lúc rồi mới sực nhớ ra một cái tên của làng mà hiếm khi được dùng. Ở giữa làng Hồ có một cái giếng rất to nước quanh năm bốn mùa trong văn vắt soi được cả những hòn sỏi tròn nơi đáy giếng.
Ngày ấy chẳng có giếng khơi, giếng khoan hay nước sạch của nhà máy nước như bây giờ. Cả làng chỉ có duy nhất một chiếc giếng đào ở giữa làng là nơi cung cấp nước sinh hoạt cho người dân. Cạnh một bên giếng làng là sân đình và cây đa cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Tôi chẳng biết chiếc giếng có từ bao giờ, lúc tôi sinh ra đã thấy giếng nằm ở đó với vẻ bề ngoài cũ kĩ mang theo những chứng tích của thời gian.
Giếng làng như một vị cao niên đạo mạo chứng kiến mọi đổi thay của làng tôi. Một bên còn lại giếng làng tiếp giáp với hồ sen của nhà bà cụ Liêm, hồ sen của cụ rộng chừng sáu thước. Đến mùa hoa nở những bông sen đưa hương thơm ngát cả một vùng. Lũ trẻ con chúng tôi thường đợi đến trưa len lén người lớn, đi tắt qua giếng làng để trộm những đài sen non.
Trộm xong chúng tôi nấp vào một gốc cây chuối gần đó nhai sột soạt những hạt sen ngọt bùi, vừa nói chuyện vừa ném vỏ vào nhau cười hỉ hả. Khi đã no một bụng đầy hạt sen, chúng tôi trở lại qua giếng nước đường hoàng như chưa hề làm cái chuyện xấu kia. Trời nắng, mồ hôi đứa nào đứa nấy túa ra chảy dòng dòng. Chúng tôi múc nước từ giếng dội lên đầu, nước giếng mát lạnh, tôi vục tay múc một vốc nước đưa lên miệng uống, nước chảy đến đâu cái nóng xua tan đến đấy, cảm giác chẳng có loại nước nào có thể ngon, ngọt hơn giếng nước làng tôi.
Để có nước sinh hoạt mọi người dân trong làng phải xách nước về để trữ trong những chiếc chum sành. Thời gian múc nước thường là những buổi sáng khi nước giếng trong nhất và khi chiều tối sau khi đi làm đồng về. Tôi còn nhớ những buổi sáng trời thu se se lạnh, khi làn sương che phủ kín tầm mắt, tôi theo chị đi gánh nước ở giếng. Người từ đầu làng vào, người từ cuối làng ra những tiếng nói, tiếng cười lẫn vào trong sương mờ mờ ảo ảo tiến về phía giếng làng. Người xếp hàng ở giếng đông như trảy hội, nhưng tuyệt nhiên chẳng có tiếng cãi vã, chen lấn. Mọi người cứ lần lượt hết người này đến người khác, ai chưa đến lượt thì ngồi tạm dưới cây đa để nói chuyện trong lúc chờ. Chuyện làng, chuyện đồng ruộng, chuyện con cái, vợ chồng đủ thứ được đem ra kể. Người ở quê có bao giờ hết chuyện để nói với nhau bao giờ, có lẽ bởi vậy nên tình cảm của người làng tôi luôn bền chặt và khăng khít vì chẳng có gì để giấu diếm, nỗi buồn, nỗi vui của một nhà là chuyện chung của cả làng.
Chị tôi gánh hai gánh nước nặng, dáng đi chòng chành theo từng nhịp lắc lư của hai thùng nước. Tôi đòi chị để tôi gánh hộ nhưng chị không cho bảo còn nhỏ không gánh nổi. Lúc ấy, tôi tự hứa sau này lớn lên sẽ thay chị làm phần việc gánh nước nhọc nhằn này. Thực ra, lúc ấy do còn bé nên tôi không biết, chứ đối với chị và hầu hết người dân làng tôi việc gồng gồng, gánh gánh những gánh nước trong lành từ giếng làng về nhà tuy mệt một chút nhưng cũng chứa nhiều niềm vui. Những ngày gánh nước ấy, chị tôi đã biết và yêu anh Tân, một thanh niên trong làng và sau này hai người trở thành vợ chồng. Giếng nước đã là “ông tơ, bà nguyệt” se duyên vợ chồng chị cũng như bao cặp trai xinh gái đẹp khác trong làng.
Những buổi tối sáng trăng lũ trẻ chúng tôi thường rủ nhau ra giếng làng chơi để hơi mát từ giếng tỏa ra làm dịu đi cái nóng nực mùa hạ. Bên giếng làng hít hà cái hương thơm từ hồ sen nhà cụ Liêm, ngắm trăng chiếu xiên qua những ngọn cau rọi vào giếng, nước giếng sóng sánh làm chao nghiêng những gợn sóng bàng bạc. Một cảm giác liêu trai và yên bình, mấy đứa trẻ con hết chuyện để chơi thì kể chuyện ma để dọa nhau. Nào là ma tóc dài xõa tóc đến tận giếng vào những đêm tối trời, nào là ma lưỡi dài, lưỡi ngắn đủ các thể loại. Những câu chuyện tự bịa mà đứa nào đứa nấy cũng sợ khiếp vía, mấy đêm liền không dám bén mảng ra giếng. Nhưng rồi như người nghiện, mấy ngày sau bất chấp nỗi sợ lũ trẻ con lại tụ tập đầy giếng để nô đùa.
Thời gian trôi qua, giếng làng dần bị thay thế, như cái tên làng Hồ giờ đây đã dần ít xuất hiện hơn. Thế nhưng người làng tôi không lấp giếng mà để nguyên và tôn tạo lại con đường dẫn ra giếng nước như một cách nhắc nhở con cháu thế hệ sau này và lưu dấu ấn về một thời sinh hoạt cộng đồng của cả làng. Làng quê giờ đã đổi thay nhiều, nhiều cái ngày xưa đã biến mất như một quy luật tất yếu. Thật may mắn cho những đứa con làng Hồ xa quê như chúng tôi khi mỗi lần về quê vẫn còn thấy chiếc giếng năm nào vẫn còn đấy để được sống lại những năm tháng xưa cũ của mình. Mọi thứ bên ngoài có thể đổi khác, nhưng còn giếng làng là còn hồn làng, còn đậm sâu kí ức về một thời “gánh gồng”.
Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục “Kể chuyện làng” từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.
Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.
Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.
Bài viết cộng tác với chuyên mục “Kể chuyện làng” xin gửi về email: [email protected]; ĐT liên hệ: 0903226305.
Rất mong được sự hợp tác, cộng tác của quý bạn đọc, của tác giả!
Văn hóa – Giải trí | Tổng hợp tin tưc giải trí 24/7
Nguồn: Internet