Hàng loạt game show từng một thời đình đám: “Giọng hát Việt”, “Thần tượng âm nhạc Việt Nam – Vietnam Idol”, “Tìm kiếm tài năng Việt Nam: Vietnam’s Got Talent”, “Nhân tố bí ẩn”, “Cặp đôi hoàn hảo”… đều ngừng sản xuất. Những gương mặt quán quân từ các game show ca hát trở nên mờ nhạt trên thị trường. Trong khi những game show mới không tạo được sức hút với công chúng.
Gameshow Việt mọc lên như nấm sau mưa rồi giảm dần sức hút
Thị trường game show đã bắt đầu có dấu hiệu bão hòa từ cách đây vài năm, khi số lượng được tung ra ồ ạt khiến khán giả “bội thực”. Đến giai đoạn hiện nay, số lượng các game show đã tạm ngưng hoặc ngừng sản xuất rất nhiều. Một phần do ảnh hưởng dịch Covid-19 tác động đến kinh tế và một phần vì game show giảm sức hút so với loại hình giải trí khác là phim truyền hình và web-drama (phim chiếu mạng).
“Ai là triệu phú” là game show hiếm hoi duy trì từ năm 2005 đến nay. (Ảnh do nhà sản xuất cung cấp)
Theo thống kê từ Kantar Media Vietnam – thực hiện những nghiên cứu chuyên sâu và toàn diện về đo lường, đánh giá và lựa chọn phương tiện truyền thông – các phim truyền hình “Lối về miền hoa” có rating (sự quan tâm của khán giả) trung bình 4,6%, “Anh có phải đàn ông không” rating trung bình 4,5% xếp trên game show “Một trăm triệu một phút” trong bảng xếp hạng “Tốp 10 chương trình truyền hình tháng 2-2022”. Đây là số liệu đo lường khán giả từ trên 4 tuổi trở lên, tại 4 thành phố: Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, TP HCM trong tháng 2-2022.
Ở khu vực phía Bắc, dẫn đầu rating là phim “Phố trong làng”, “Chuyển động 24H”, “Lối về miền hoa”, “Bão ngầm”, “Anh có phải đàn ông không”. Phim truyền hình đã chiếm hết 4 trên tổng số 10 chương trình. Khu vực miền Trung, chỉ có game show “Ai là triệu phú” và “Vợ tôi là số 1” được vào tốp 10 nhưng vẫn xếp sau các phim truyền hình. Tại miền Nam, phim truyền hình “Tình thắm duyên xuân” dẫn đầu lượng rating.
Theo thống kê vào tháng 1, phim truyền hình cũng xếp thứ hạng rating cao hơn so với các game show. Những game show hiếm hoi vẫn duy trì được độ nóng sau thời gian dài đa phần thuộc về dạng tranh tài về tri thức như: “Ai là triệu phú”, “Một trăm triệu một phút”, “Siêu trí tuệ Việt Nam” hoặc dạng game show nhân văn, hoài niệm như: “Ký ức vui vẻ”, “Sao nhập ngũ”, “Bảy nụ cười xuân”.
Hiện sức hút của game show duy trì không lâu dù mùa đầu tiên rất hấp dẫn, tạo được hiệu ứng truyền thông lẫn truyền miệng. Đơn cử như game show “Rap Việt”, “Chạy đi chờ chi” (sang mùa 2 tên là “Running man Vietnam – Chơi là chạy”), cả 2 chương trình đều từng rất ăn khách ở mùa 1 và giảm dần sức hút trong mùa 2 (so với giai đoạn hoàng kim, một chương trình có thể kéo dài 6-7 mùa mới ngừng sản xuất).
Gameshow cần xây dựng niềm tin khán giả
Nhận thấy sự bão hòa, nhiều nhà sản xuất đã chuyển hướng đầu tư sang các thị phần khác. Bà Vũ Thị Bích Liên, Giám đốc điều hành Tổ hợp Giải trí và truyền thông Mega GS, cho biết hiện tổ hợp không còn sản xuất game show mà tập trung vào phim truyền hình, điện ảnh. “Game show đã lắng xuống từ vài năm nay, bởi đầu tư game show đắt mà khó tìm quảng cáo, vì vậy chúng tôi tập trung cho phim là chủ yếu” – bà Vũ Thị Bích Liên nói.
Đại diện truyền thông của Công ty TNHH Bình Hạnh Đan cho rằng thị trường game show đang bão hòa, nguyên nhân là do có quá nhiều game show khiến khán giả ngán. “Trước đây, mạng xã hội chưa phát triển, mỗi nước đều mua bản quyền các game show của thế giới về sản xuất. Tuy nhiên, khi YouTube phổ biến, khán giả được xem nhiều chương trình từ các nước và so sánh bản gốc với phiên bản Việt về sự chênh lệch vốn đầu tư, ý tưởng dàn dựng, chất lượng thí sinh… đã góp phần giảm sức hút chương trình” – đại diện truyền thông công ty này nhận định.
Theo biên kịch Thanh Hương, khán giả ngày nay rất tinh tường, nhận ra đâu là chiêu trò và sẵn sàng lên tiếng chỉ trích. Nhà sản xuất Việt thấy ai làm chương trình nào thành công thì làm theo ồ ạt dẫn đến khán giả nhàm chán. Đây cũng là lý do game show đi xuống.
“Đó là chưa kể đến trường hợp xào nấu, cố gắng tạo ra phiên bản khác của chương trình cũ nhưng làm không đến nơi cũng khó tạo sức hút cho khán giả. Tôi nghĩ game show vẫn là một “món ăn tinh thần” cần có của truyền hình, góp phần tạo sự đa dạng nhưng cần chất nhiều hơn lượng. Sự tinh tế, chuẩn mực và thu hút bằng sáng tạo hướng đến giá trị nhân văn, giải trí nhưng lịch sự, không phản cảm sẽ được lòng khán giả hơn” – biên kịch Thanh Hương phân tích.
Niềm tin từ khán giả là điều không dễ dàng có được, phải tạo dựng qua thời gian dài. Để game show khởi sắc trở lại, người trong giới cho rằng cần xây dựng niềm tin khán giả bằng những chương trình chất lượng, tinh tế, sự sáng tạo chứ không phải cóp nhặt để tạo phiên bản na ná nhau mà ai cũng có thể nhận ra.
Nhiều quán quân “mất giá”
Game show từng một thời là “bệ phóng”, thúc đẩy tên tuổi của nhiều người trong thị trường nhạc Việt. Tuy nhiên, trong thời bão hòa hiện nay, quán quân “mất giá” khi đăng quang game show và tên tuổi vẫn không bứt phá, trong đó có Vũ Thảo My (quán quân The Voice 2013), Cao Bá Hưng (quán quân Bài hát hay nhất 2016), Bạch Công Khanh (quán quân Gương mặt thân quen 2016), Duy Cường (quán quân Thần tượng Boléro 2018)…
Văn hóa – Giải trí | Tổng hợp tin tưc giải trí 24/7
Nguồn: Internet