Với tư cách là người “cầm trịch” khâu Việt hoá kịch bản “Hương vị tình thân”, chị nói gì về ý kiến phần 2 không “nặng đô” bằng phần 1?
Tôi không biết mình có hiểu đúng ý về từ “nặng đô” không, nhưng cứ mạn phép trả lời theo cách nghĩ của mình vậy. Phần 1 của bộ phim giống như tiền đề của phần 2 vậy. Các vấn đề được tung ra để tạo nên các nút thắt và phần 2 có nhiệm vụ “gói ghém”, giải quyết các nút thắt đó.
Các nhân vật ở phần 1 rơi vào nhiều sóng gió, thử thách, bầm dập… Nhưng bước qua phần 2, họ sẽ trưởng thành, khéo léo và trầm ổn hơn. Tính cách vẫn mang tính thống nhất, xuyên suốt và logic nhưng ứng xử lại mới, phù hợp với lứa tuổi và tâm lý. Bản thân sự thay đổi đó đã khiến cho bộ phim có phần trầm hơn nhưng cũng sẽ có nhiều điều để suy ngẫm hơn.
Những ngày gần đây, trên mạng xã hội rò rỉ một số hình ảnh của phần kết “Hương vị tình thân”. Điều này có thể hiểu là kịch bản phần kết đã hoàn thành từ lâu và không cần tham khảo ý kiến khán giả để tạo ra cái kết phù hợp nhất?
Hàng ngày trên mạng xã hội có rất nhiều thông tin về phim, có những hình ảnh rò rỉ hậu trường, rồi suy luận của khán giả về nội dung của các tập tiếp theo, các mối quan hệ của nhân vật… nhưng suy cho cùng đó cũng là suy đoán thôi.
Về việc cái kết rò rỉ trên mạng, tôi chưa xem, nhưng có thể khẳng định chắc chắn rằng đó không phải là cái kết của bộ phim đâu. Riêng về mong muốn của khán giả thì tôi vẫn tiếp tục khẳng định, chúng tôi chưa bao giờ bỏ qua.
Chị nói gì về những hình ảnh cả gia đình đoàn tụ, Nam – Long kết thúc có hậu với đám cưới lung linh mà nhiều người đang bàn tán xôn xao trên mạng?
Câu hỏi này mang nội dung tiết lộ quá, vấn đề này xin phép cho tôi được giữ bí mật.
Theo chị, kể cả phim Việt hoá thì việc xây dựng cái kết phim bao giờ cũng lấy đi của những người biên tập nhiều chất xám nhất không? Và việc xây dựng cái kết của “Hương vị tình thân” gây khó cho chị như thế nào?
Với bất cứ bộ phim nào, tôi nghĩ hai phần khó nhất luôn là mở đầu và kết thúc. Riêng với bộ phim này, khoảng 10 tập đầu chúng tôi có 3 phiên bản, 3 cô Nam khác hẳn nhau và 3 ông Sinh khác hẳn nhau luôn, nội dung cũng rất khác. Những tập cuối cũng khó khăn không kém, tất nhiên, khó khăn ở 2 phần đầu – cuối này khác nhau.
Với “Hương vị tình thân” nói riêng, cái khó ở phần kết do nhiều yếu tố. Thứ nhất là vì bộ phim có hệ thống nhân vật đồ sộ. Thứ 2 là các mối quan hệ chồng chéo, có nhiều bí mật. Cân bằng được tất cả các yếu tố hấp dẫn và giữ được “hương vị” mà chúng tôi muốn mà vẫn hợp lí nhìn chung là khó.
“Các nhân vật của Hương vị tình thân không ai hoàn hảo cả” – biên kịch Khánh Hà nói.
Ngay ở phần 1, nhiều đã người ý kiến rằng, “Hương vị tình thân” làm xấu hình ảnh người phụ nữ Việt quá nhiều. Cụ thể, 3 bà mẹ (Xuân, Sa, Bích) nét xấu nhiều hơn tốt. Bản thân bà Dần rồi người giúp việc trong nhà ông Khang cũng xấu cả nết lẫn người. Chị nói sao về điều này?
Mong muốn của chúng tôi ở bộ phim này là kể những câu chuyện đời nhất. Các nhân vật đều không ai hoàn hảo cả, kể cả Nam, ông Khang…
Trong số các nhân vật của phim, chị tâm đắc và yêu thích nhân vật nào nhất? Vì sao?
Thú thật với bạn là chưa có bộ phim nào mà tôi thích nhiều nhân vật như phim này. Nói thích ai nhất thì lại sợ không công bằng với nhân vật khác. Cũng nói thêm là thích ở đây không phải vì đó là nhân vật đẹp, hoàn hảo, mà ở sự thú vị và những nét tính cách đặc biệt của họ, tạo cảm hứng cho mình trong quá trình sáng tạo.
Chị thấy từ kịch bản lên phim, bao nhiêu phần trăm “linh hồn” của kịch bản đã được giữ lại và chị có cảm thấy hài lòng với điều đó không?
Công việc làm phim đối với tôi là một công việc tập thể, mỗi người có một vai trò khác nhau. Mỗi người đều nỗ lực đóng góp sức sáng tạo của mình để hoàn thiện tác phẩm chung. Khi bộ phim ra đời, dấu ấn của tất cả chúng tôi đều có ở đó.
Đương nhiên, xét về cảm xúc cá nhân thì đôi chỗ hơi khác với hình dung của mình, nhưng cũng có những điểm lại vượt quá mong đợi của mình. Đôi khi chính tôi còn phải thốt lên “đạo diễn xử lí chỗ này thú vị quá”, “diễn viên tuyệt vời quá”… Nên tôi nghĩ, có lẽ không nên hỏi tôi mà cả ê-kíp chúng tôi đều mang một tâm tư giống nhau đó là “hóng” sự đánh giá của khán giả.
Nói riêng một chút về đạo diễn Danh Dũng. Tôi hợp tác với anh Danh Dũng khá nhiều, bộ phim đầu tay của chúng tôi cũng là anh Danh Dũng đạo diễn. Nhìn chung, anh Dũng là một đạo diễn mà tôi quý mến cả con người cũng như tài năng.
Phim Việt hoá thường “bị” khán giả so sánh giữa kịch bản mới và kịch bản gốc. Áp lực của chị cùng cộng sự khi Việt hoá “Hương vị tình thân” là gì?
Áp lực thì khi nào cũng có, kể cả phim Việt hóa hay không Việt hoá. Tuy nhiên, đây là vấn đề chúng tôi bắt buộc phải đối mặt khi làm công việc này. May mắn, ê-kíp nội dung của chúng tôi đều không phải là người mới nên phần nào đã học được cách chuẩn bị tâm lí, tự cân bằng.
Cảm ơn biên kịch Khánh Hà đã chia sẻ thông tin.
Văn hóa – Giải trí | Tổng hợp tin tưc giải trí 24/7
Nguồn: Internet