Sau Thái Thanh, Lệ Thu cũng giã từ cõi tạm. Liệu sau thế hệ vàng ấy, âm nhạc Việt Nam còn có thể tìm lại một “Tiếng hát vàng mười” như Lệ Thu?
Đằng sau danh hiệu “Tiếng hát vàng mười”…
Danh ca Lệ Thu tên thật là Bùi Thị Oanh, sinh năm 1943 tại Hải Phòng. 10 tuổi, bà theo gia đình di cư vào Sài Gòn, theo học bậc trung học Pháp tại trường Les Lauriers.
Kỳ thực, cô nữ sinh Bùi Thị Oanh khi ấy không hề có ý định theo nghiệp ca sĩ. Năm 1959, trong lần đi ăn sinh nhật ở nhà hàng Bồng Lai, được bạn bè vận động, Bùi Thị Oanh đánh liều lên sân khấu hát ca khúc Tà áo xanh (khi ấy có tên Dang dở) – một tình khúc nổi tiếng của Đoàn Chuẩn.
Lệ Thu thời trẻ. |
Tiếng hát của cô nữ sinh Oanh khiến vị giám đốc nhà hàng đắm đuối. Ông nhận ra đây là giọng trời phú nên hết lời thuyết phục theo nghề ca sĩ. Ban đầu, Bùi Thi Oanh từ chối vì biết gia đình chắc chắn phản đối; song vì ông chủ tuyên bố ký độc quyền với phòng trà của mình cùng mức lương hấp dẫn 1 triệu đồng/tháng nên đã nhận lời, lấy tên là Mộng Thu. Sau đó vì thấy chữ “Mộng” quê mùa quá mới đổi thành Lệ Thu.
Như vậy, vốn dĩ, cái tên Lệ Thu không được bà đặt có chủ đích. Đơn giản là, để giấu bố mẹ đi hát, bà chọn bừa một cái tên. Giới văn nghệ Sài Gòn khi ấy chia làm hai cách hiểu: Thứ nhất, “lệ thu” có nghĩa là “nước mắt mùa thu”.
Người tiêu biểu cho cách hiểu này là cố nhạc sĩ Phạm Duy. Ông viết ca khúc Nước mắt mùa thu tặng riêng Lệ Thu trong đó có ca từ: Nước mắt mùa thu khóc than một mình / Một đời ca sĩ hát trong buồn tênh / Giọng ca buồn bã vào trong đời úa.
Bên cạnh đó, chính Lệ Thu lại thích cách giải nghĩa thứ hai, tức “lệ” có nghĩa là đẹp, “lệ thu” là mùa thu đẹp đẽ, mỹ lệ.
Song dù với nghĩa nào, trùng hợp một cách kỳ diệu, 60 năm sự nghiệp của Lệ Thu luôn gắn chặt hoặc với các tình khúc buồn, giai điệu đẹp (lệ); hoặc với các ca khúc về mùa thu (thu). Các nhạc phẩm bất hủ qua giọng hát Lệ Thu có: Xin còn gọi tên nhau; Thu sầu; Mùa thu chết; Thu, hát cho người; Hương xưa… Nhà văn Mai Thảo nhận định: “Lệ Thu bất tử với Hương xưa”.
Nói thêm về Lệ Thu và nhạc Trịnh, khán giả chỉ công nhận 2 nàng thơ của cố nhạc sĩ là Khánh Ly và Hồng Nhung. Nhưng thực tế, giới chuyên môn nhận định, Lệ Thu xứng đáng là người hát nhạc Trịnh hay thứ nhì chỉ sau Khánh Ly và nhỉnh suýt soát hơn Ngọc Lan. Trịnh Công Sơn từng nói, Lệ Thu hát bài Hạ trắng của ông hay nhất.
Ngoài bài Nước mắt mùa thu của Phạm Duy kể trên, ít ai biết, bài Lệ đá trứ danh (thơ: Hà Huyền Chi; nhạc: Trần Trịnh) cũng được “biếu không” Lệ Thu.
Nói để thấy, vốn dĩ, với giọng hát trời phú, Lệ Thu đã mang định mệnh của một ngôi sao. Từ khán giả bình dân đến giới chuyên môn, giới nhà văn, nhà báo Sài Gòn thập niên 60 – 70 đều mê đắm bà. Lệ Thu hát toàn phòng trà, vũ trường top đầu.
Đời tư Lệ Thu có nhiều nốt trầm đẫm lệ
Sau này, khi định cư Mỹ, Lệ Thu từng bước tiến đến đỉnh cao trong sự nghiệp. Lệ Thu cùng Thái Thanh và Khánh Ly vượt lên trên cả hàng danh ca, là bộ ba huyền thoại của nền tân nhạc Việt Nam.
Trái với sự nghiệp lẫy lừng, đời tư Lệ Thu có nhiều nốt trầm đẫm lệ. Ba cuộc hôn nhân của bà lần lượt tan vỡ vì lấy nhầm chồng trăng hoa, bạc bẽo. Khán giả đồn đoán những bài thu ca thê lương bà hát đã vận vào đời danh ca.
Sau 3 lần đò, Lệ Thu thôi tìm bạn đời. Các con gái trưởng thành, có gia đình riêng, bà lại sống một mình an nhiên, tĩnh tại. Bà cô đơn nhưng không cô độc, thi thoảng buồn nhưng không bi quan. Ca sĩ Quang Thành nói, trước mọi người, Lệ Thu luôn giữ nụ cười trên môi và trong ánh mắt. Song biết đâu, chỉ là bà giỏi giấu nỗi buồn sâu kín vào trong.
Sự nghiệp Lệ Thu trải dài hơn 60 năm nhưng bà chưa từng chịu cảm giác hẩm hiu xuống dốc. Một số bầu show hải ngoại thông tin cho VietNamNet, Lệ Thu vẫn là ngôi sao đến cuối đời, giữ vị trí đặc biệt trong các chương trình lớn nhỏ.
Lệ Thu an nhiên tuổi thất thập cổ lai hy. |
Lệ Thu vốn giọng nữ trung trầm (mezzo-alto), giọng bà thời trẻ ít khào nhưng vẫn đanh, sắc lạnh, có đủ vang – rền – nền – nẩy tuyệt vời. Về già, màu giọng bà tối dần, khào hơn, sâu và lạnh thêm, như tải cả một đời mình vào từng câu hát.
Người chị cả của bộ ba nữ danh ca huyền thoại là Thái Thanh ra đi đầu tiên, giờ đến Lệ Thu giã từ cõi tạm. Khán giả lo lắng Khánh Ly sẽ buồn, sốc, nhất là ca sĩ Quang Thành kể, danh ca luôn miệng gọi “Thu ơi” khi hay tin dữ. Liệu sau thế hệ vàng ấy, âm nhạc Việt Nam còn có thể tìm lại một “Tiếng hát vàng mười” như Lệ Thu?
Lê Thị Mỹ Niệm
Nghệ sĩ tiếc thương trước tin danh ca Lệ Thu qua đời
Ca sĩ Quang Thành, Mỹ Hạnh và Phương Thanh chia sẻ với VietNamNet câu chuyện về danh ca Lệ Thu – người không chỉ có sự nghiệp lừng lẫy mà còn là một nhân cách đẹp.
Tin giải trí – Scandal mới, hot nhất showbiz Việt và thế giới
Nguồn: Internet