Clip diễn viên Thanh Loan nói về mối tình với chồng GS Toán:
– Sau 35 năm, vai diễn Ni cô Huyền Trang đến hiện tại có ý nghĩa như thế nào với cô?
Phim Biệt động Sài Gòn quay xong cách đây 35 năm rồi. Đó là một thời gian rất dài của đời người nghệ sĩ. Bộ phim được xét vào phim kinh điển về cách mạng Việt Nam. Mỗi dịp lễ 30/4 hay 2/9, bốn tập phim màu của bộ phim lại được chiếu lại trên hệ thống truyền hình cả nước. Đó là niềm vui của những người tham gia chúng tôi. Riêng với bản thân tôi, đó là một phần thưởng cao quý nhất. Sau 35 năm, tôi đi đâu mọi người vẫn nhận ra “Ni cô Huyền Trang”. Tôi cứ đùa đó là một “giải thưởng nhân dân” cho cuộc đời nghệ sĩ của mình.
– Tham gia một bộ phim về Sài Gòn kinh điển như vậy trong khi cô là người Hà Nội gốc, hồi đó cô cảm nhận và lấy cảm xúc ở đâu để hoàn thành tốt vai diễn này?
Tôi là con gái Hà Nội, sinh ra và lớn lên ở phố cổ. Tôi đã sống trong môi trường nhà lính, rất nghiêm khắc từ năm 15 tuổi. Tôi ăn ngủ theo kẻng, mệnh lệnh. Chính điều đó làm nên sự tích lũy của tôi. Nhiều người cũng nhận xét, khuôn mặt của tôi phù hợp với những nhân vật chịu đựng gian khổ, phụ nữ nông thôn, chịu thương chịu khó. Tôi nghĩ, bản chất người lính chính là một chất xúc tác mạnh giúp cho vai diễn của tôi được hoàn thành ngọt ngào hơn.
– Để có những thước phim kinh điển ‘Biệt động Sài Gòn’, những gian khổ ở phía sau mà mọi người không thấy là gì?
Thời đó là thời bao cấp, sống bằng tem phiếu, chúng tôi sống vất vả lắm. Chúng tôi ăn cơm tập thể, tự nấu nướng và xa gia đình, con cái để đóng phim. Thời đó không có máy bay nhiều và không đi dễ như bây giờ.
Tôi nhớ, hồi đó diễn viên chúng tôi thường đi nhờ máy bay quân sự về Hà Nội. Trong một chuyến đi, chúng tôi mua mỡ từ Sài Gòn mang về Hà Nội để dùng. Mỗi chuyến như vậy, phi công lại nhắc chúng tôi ngồi cẩn thận nếu không thì máy bay nặng quá không cất cánh được. Đó là một kỷ niệm sâu sắc, gian khổ của anh em nghệ sĩ chúng tôi.
Hồi đó, chúng tôi được mời đóng phim là vinh dự rồi chứ không phải ký hợp đồng xem là cát-xê bao nhiêu. Những người làm diễn viên chỉ có tiền bồi dưỡng thanh sắc, đường sữa thịt lợn. Tổng cộng 4 năm, tôi được tất cả là 1,8 triệu nhưng cũng không được lĩnh cả một lần mà phải dần dần.
– Trong cuộc đời diễn xuất, có vai diễn nào đến hiện tại cô vẫn nhớ và thích nhất?
Tôi đóng rất nhiều. Vai diễn tôi thích nhất là vai ký sư Khuê trong phim Bản đề án bị bỏ quên của cố đạo diễn Nông Ích Đạt. Phim về đấu tranh chống tiêu cực của một trại chăn nuôi lợn. Có những trường đoạn diễn giờ tôi vẫn rất thích nhất là trường đoạn tôi diễn cùng chị Thúy Vinh, anh Hoàng Sự. Tôi cảm thấy tôi thích nhất và tự tin nhất bởi nó có chiều sâu, tâm trạng khi một người phụ nữ bị hiểu nhầm.
– Thời của cô, nghề diễn viên có gì đặc biệt, khác với bây giờ không?
Thời đó, diễn viên chúng tôi rất khó khăn thiếu thốn về vật chất nhưng về tình cảm rất thương yêu và trân quý nhau, có gì ngon là chúng tôi đều chia cho nhau ngay. Ngày xưa, diễn viên chúng tôi có khi còn mặc áo vá đi đóng phim ấy chứ.
Tôi còn nhớ vào năm 1986, có một đạo diễn mang chiếc tivi màu về nơi chúng tôi tập trung để đóng phim. Chúng tôi thức cả đêm để xem tivi màu nó như thế nào.
Thời của chúng tôi là thời cổ điển, không hiện đại như bây giờ, có bạn trai đến chơi phòng là phải mở toang hết cửa. Nếu có chuyện gì, chúng tôi luôn bảo nhau phải nhường nhịn. Ngày trước, chúng tôi cũng không có điện thoại di động. Bây giờ các bạn trẻ hiện đại hơn, tiếp xúc nhiều hơn nên phá cách và hợp thời thế hơn. Bây giờ bắt các bạn trẻ sống ở thời chúng tôi có lẽ không ai chịu được.
– Thời hiện tại, diễn viên hay nghệ sĩ đều ít nhiều có nhiều tin đồn scandal, cô có bị dính tin đồn thất thiệt nào không trong cuộc đời diễn viên của mình?
Là nghệ sĩ, diễn viên, người nổi tiếng, ai cũng bị nhiều tin đồn. Tôi bị đồn chết nhiều lắm. Tôi nhớ hồi đó, tôi đi dự liên hoan phim năm 1987. Sau khi xong việc, mọi người về Việt Nam còn tôi đi Đức để gặp chồng. Mọi người lâu không thấy tôi thì đồn là đã chết. Tôi cũng bị đồn ly dị vì thấy không bao giờ đi với chồng. Đến nỗi bố tôi còn phải đến tận cơ quan hỏi có phải tôi chết thật không?… Sau đó tôi phải gửi ảnh và thư về cho các cụ ở nhà yên tâm.
– Chồng đi xa, việc đóng phim với cô khó khăn như thế nào?
Chồng tôi đi khoảng 2-3 năm mới về một lần. Con tôi 6 tháng đã phải cai sữa để đi mẹ đi biểu diễn. Nhưng tôi rất may mắn khi có mẹ chồng tâm lý. Cả gia đình chồng tôi làm về bên giáo dục và có sự văn minh, hiểu biết nên rất thương tôi. Thời tôi đóng phim nhẹ nhàng lắm, không có cảnh ôm hôn nằm ngủ trên giường nên cả nhà rất thông cảm. Năm 1976, tôi chuyển sang làm phát thanh viên của truyền hình quân đội nên cuộc sống ổn định hơn, không phải đi diễn đêm nhiều nữa.
– Chuyện tình của cô và chú trước đây có gì đặc biệt?
Trước đây mọi người hay khen tôi xinh gái nhưng lại sống môi trường quân đội nên không gặp gỡ nhiều người để mà có tình cảm. Tôi lại không thích yêu nghệ sĩ cùng đoàn bởi quan niệm nghề của mình hay đi đây đi đó. Nếu cả hai cùng đi thì sau này ai nuôi dạy các con. Tôi chọn yêu khác ngành nghề.
Tôi với chồng đến với nhau là do thím ruột của chồng giới thiệu. Cô ấy cũng là nghệ sĩ cải lương nổi tiếng cùng thời với nghệ sĩ Ái Liên – mẹ của Ái Vân. Tôi tuy con gái Hà Nội nhưng giản dị chân chất kiểu toàn mặc quần áo bộ đội, đi dép cao su, chẳng bao giờ có cái áo hoa nào tử tế cả. Mặc dù tôi vụng về nội trợ lắm nhưng chắc hiền lành, chịu thương chịu khó.
– Nhiều khán giả tò mò, cuộc sống hiện tại của cô ở tuổi 70 như thế nào?
Tôi nghỉ hưu được hơn chục năm rồi nhưng tôi làm công tác hội. Đây là sân chơi cuối cùng cho những người như tôi để có cơ hội gặp bạn bè nhiều hơn. Hiện nay, tôi là quyền chủ tịch của Hội điện ảnh Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội. Những hoạt động này còn bận rộn hơn là khi tôi chưa nghỉ. Tôi nghĩ chính những bận rộn này khiến tôi khỏe mạnh hơn, chống lão hóa. Tôi được gặp những anh chị em yêu mến điện ảnh.
Ngày nào tôi cũng phải đến cơ quan sinh hoạt học tập hay tổ chức những buổi tọa đàm, thâm nhập thực tế rất vui. Hiện tôi có 3 cháu ngoại, 2 cháu nội. Con cháu đều ngoan và giỏi nên tôi rất mừng và yên tâm.
Chồng tôi là giáo sư tiến sĩ và vẫn nghiên cứu đề tài khoa học. Hai vợ chồng tôi chẳng ai nghĩ đã đến tuổi về hưu. Cuộc sống hiện tại, tôi bằng lòng dù so với nhiều người cũng không phải giàu có hơn. Tôi là đại tá về hưu nên cũng không bị ràng buộc gì về kinh tế.
– Đến tuổi này, quan niệm về hạnh phúc của cô là gì?
Tôi thấy cuộc sống trong gia đình bình yên là hạnh phúc. Con cái ngoan ngoãn trường thành thì tôi cho đó là hạnh phúc. Bản thân mình bằng lòng với những cái mình có, chọn lối sống phù hợp, không bon chen đòi hỏi. Chồng trân quý, gia đình nhà chồng thấu hiểu, yêu thương là sự hạnh phúc nhất của tôi.
Ở tuổi này, tôi chỉ cần sức khỏe thôi. Các nghệ sĩ nhiều khi ôm mãi quá khứ dễ bị trầm cảm, Quá khứ đã qua rồi, không có ích gì cho cuộc sống hiện tại. Tôi vẫn rất thích một câu: “Quá khứ vinh quang của mỗi người chỉ làm người ta hiểu anh và trân quý anh nhưng không có giá trị nếu ngày hôm nay anh sống lẩn tránh, sống không xứng đáng”. Câu này như một tôn chỉ lối sống của tôi.
Hàn Triệt
Ảnh, clip: Hoàng Dương
Thiết kế: Nguyễn Huệ
Sao ‘Biệt động Sài Gòn’ sau 33 năm: Người qua đời, người lao đao vì cờ bạc
– Nếu Thương Tín lừng lẫy một thời phải sống nghèo khó khi về già thì nghệ sĩ Thanh Loan, Hai Nhất lại có cuộc sống ổn định, viên mãn bên con cháu.
Tin giải trí – Scandal mới, hot nhất showbiz Việt và thế giới
Nguồn: Internet