Chiều 17/11, thông tin từ Bệnh viện T.Ư Huế (cơ sở 2, xã Phong An, huyện Phong Điền, Thừa Thiên-Huế) cho biết, đơn vị vừa tiếp nhận điều trị một trường hợp bệnh nhân dương tính với Burkholderi pseudomallei (bệnh Whitmore) chưa rõ nguồn lây.
Bệnh nhân là anh N.N.T. (SN 1982, trú huyện Phong Điền , tỉnh Thừa Thiên-Huế)
Trước đó, anh T. nhập viện tại khoa bệnh nhiệt đới Bệnh viện T.Ư Huế (cơ sở 2) với triệu chứng sốt cao. Bệnh nhân được các bác sĩ chỉ định dùng kháng sinh hạ sốt, làm các xét nghiệm nhưng sốt không hạ.
Bác sĩ điều trị sau đó tiếp tục chỉ định chụp MRI khớp háng trái, phát hiện bệnh nhân T. bị viêm khớp háng trái không rõ nguyên nhân. Sau khi chỉ định làm định danh vi khuẩn và kháng sinh đồ, kết quả xét nghiệm của anh T. dương tính với khuẩn Burkholderi pseudomallei (Whitmore).
Điều tra yếu tố dịch tễ cho thấy, trong vòng 14 ngày trước khi phát hiện bệnh, bệnh nhân T. chỉ sinh sống và làm công nhân xây dựng tại địa phương, không đi xa. Người nhà bệnh nhân và khu vực xung quanh nhà anh T. sinh sống thuộc địa bàn cao ráo, không ngập lụt. Nơi đây chưa ghi nhận ca bệnh liên quan. Gia đình chỉ sử dụng nước máy để sinh hoạt. Hiện chưa rõ nguồn lây Whitmore đối với bệnh nhân T.
Theo Bệnh viện T.Ư Huế (cơ sở 2), đây là ca bệnh Whitmore thể viêm tủy xương ít gặp. Bệnh nhân T. được điều trị hai loại kháng sinh theo phác đồ tại khoa bệnh nhiệt đới; hiện đã hết đau khớp háng, hết sốt, da niêm mạc hồng hào. Sau khi xuất viện, bệnh nhân sẽ tái khám và uống thuốc điều trị trong vòng 6 tháng.
Được biết, năm 2023, Bệnh viện T.Ư Huế từng tiếp nhận khoảng 30 ca bệnh Whitmore; trong đó có một số bệnh nhi; có ca bệnh chuyển biến nặng phải hồi sức tích cực thở máy.
Whitmore/Melioidosis là bệnh đặc hữu ở các vùng nhiệt đới. Bệnh xuất hiện ở các vùng kém vệ sinh hoặc trong thời gian xảy ra bão lụt. Một số biểu hiện thường gặp của bệnh gồm nhiễm trùng da và mô mềm, viêm phổi, nhiễm trùng máu, áp xe đa cơ quan…
Nguồn: Sưu Tầm internet
Leave a Reply