Ông lão U80 đơn độc
Ông Mã hơn 80 tuổi sống cô độc một mình trong căn nhà ở Thượng Hải, Trung Quốc. Trong khu nhà ông ở có một gia đình người ngoại tỉnh đến thuê cửa hàng bán tạp hóa. Những lúc rảnh rỗi, ông Mã thường ghé qua chơi và trò chuyện với người chủ cửa hàng họ Du. Dần dần, họ đã trở thành những người hàng xóm thân thiết và nương tựa lẫn nhau.
Ban đầu ông sống cùng vợ và con trai, nhưng nhiều năm trước đó, vợ ông bị bệnh nặng qua đời. Đến một ngày, con trai ông Mã cũng đột ngột qua đời trong đêm. Trong lúc cấp bách, ông Mã gọi điện thoại nhưng không người họ hàng nào chịu đến giúp đỡ. Cuối cùng, chỉ có anh Du chủ cửa hàng tạp hóa không ngại khó khăn, sẵn sàng giúp ông lo chuyện hậu sự cho con trai.
Sau khi con trai qua đời, ông Mã vì quá đau buồn nên đổ bệnh, sức khỏe ngày một yếu đi. Đến lúc ông ốm nặng và bị ngất xỉu ở nhà, cũng chỉ có anh Du đến thăm phát hiện ra và đưa ông nhập viện. Cảm kích trước sự quan tâm từ một người không máu mủ như anh Du, ông Mã đưa ra đề nghị mời vợ chồng anh và con nhỏ đến nhà mình sống. Điều này vừa để vợ chồng anh không phải tốn chi phí thuê nhà bên ngoài, vừa để căn nhà của ông bớt hiu quạnh trong những tháng ngày cuối đời. Sợ ông Mã tuổi cao sức yếu, ở một mình có thể xảy ra chuyện không hay, vợ chồng anh Du đã đồng ý về sống cùng ông.
Bản di chúc nhiều tranh cãi
Không chỉ mời người dưng về sống chung, ông Mã còn lập di chúc tặng lại hết nhà cửa, tiền tiết kiệm và các tài sản khác cho anh Du khi ông qua đời. Hai người đã cùng ký một bản “thỏa thuận thừa kế và phụng dưỡng”. Theo đó, anh Du cũng sẽ thực hiện nghĩa vụ chăm sóc, lo toan tất cả các vấn đề từ ăn, mặc, ở, y tế, cho đến dưỡng lão… cho ông Mã.
Biết được tin này, họ hàng ông Mã phẫn nộ và bắt đầu đến thăm ông nhiều hơn, đồng thời khuyên nhủ ông không nên vội vào trao tài sản cho người dưng nước lã. Thậm chí, họ còn cáo buộc gia đình anh Du lợi dụng ông Mã. Trước những nghi ngờ từ bên ngoài, anh Du thậm chí còn lắp camera giám sát tại nhà, ghi chép lại nhật ký giám hộ ông Mã.
Cuối năm 2021, ông Mã qua đời. Họ hàng ông Mã vẫn không lấy lại được căn nhà và tất cả 3 triệu nhân dân tệ (hơn 10 tỷ đồng) tiền tiết kiệm nên cùng nhau kiện anh Du ra tòa.
Chị gái của ông Mã và những người thân khác trong gia đình nói với tòa án rằng ông cụ có một số triệu chứng của bệnh Alzheimer (suy giảm trí nhớ tuổi già) trước khi thực hiện bản công chứng. Đồng thời, họ buộc tội anh Du có dấu hiệu lừa đảo người già bị mất năng lực nhân sự, cho rằng bản di chúc thiếu tính xác thực.
Thông qua điều tra, cơ quan chức năng xác định bản di chúc là hợp lệ, không có dấu hiệu ép buộc hay làm giả. Sau thời gian kiện tụng kéo dài, đến tháng 12/2023, tòa sơ thẩm ở Thượng Hải ra phán quyết căn nhà của ông lão, bao gồm đồ đạc trong nhà, tiền tiết kiệm trong tài khoản đứng tên ông Mã đều thuộc về người hàng xóm họ Du.
Phán quyết này đương nhiên không thể khiến những người thân của ông Mã hài lòng, họ vẫn tiếp tục kháng cáo để mong giành lại tài sản của người đã khuất từ tay anh Du. Tháng 5/2024, Tòa án nhân dân số 2 Thượng Hải đã tiến hành phiên xử sơ thẩm lần 2 của vụ án. Kết quả phán quyết cuối cùng, anh Du vẫn được nhận tài sản của Mã đúng theo như di chúc của ông để lại, không có gì thay đổi.
Sau khi câu chuyện được các đăng tải trên các nền tảng truyền thông của Trung Quốc, nhiều cư dân mạng nước này đều bày tỏ chúc mừng cho gia đình anh Du và lên án việc làm của họ hàng ông Mã. Mặc dù không phải máu mủ ruột thịt, nhưng những ngày tháng cuối đời, chính những người xa lạ như vợ chồng người hàng xóm mới mang đến tình thương và sự ấm áp cho ông Mã. Vì vậy, hầu hết đều cho rằng việc ông Mã để lại tài sản cho anh Du là điều hợp lý.
Theo Baijiahao
Nguồn: Sưu Tầm internet
Leave a Reply