Sự kiện đồng thời cũng mở màn dự án âm nhạc Good morning Vietnam hoạt động vì cộng đồng, dự kiến được tổ chức thường niên do báo Nhân Dân và IB Group Vietnam khởi xướng.
Kenny G nghịch lý và hấp dẫn
Kenny G là nghệ sĩ có đĩa nhạc bán chạy nhất mọi thời, với tổng cộng hơn 75 triệu đĩa trên toàn thế giới.
Năm 1994, ông từng đoạt giải thưởng Grammy với tác phẩm Forever in love, là nghệ sĩ duy nhất trên thế giới được ghi vào sách Kỷ lục Guinness bằng việc chơi một nốt lâu nhất bằng saxophone trong 45 phút 47 giây.
Tuy nhiên Kenny G cũng là nghệ sĩ gây ra nhiều tranh cãi về việc đại chúng hóa nhạc jazz của mình.
Những người theo chủ nghĩa nhạc jazz thuần túy, sang trọng, đặc quánh không chấp nhận nổi một nghệ sĩ làm “loãng” jazz, bình dân, đại chúng hóa nhạc jazz lại nổi tiếng đến vậy.
Họ còn nghi ngờ thứ nhạc jazz mà Kenny G đang chơi có phải là nhạc jazz hay không? Cuối cùng, họ đành dùng cụm từ “smooth jazz” để nói về phong cách nhạc jazz thương mại của ông.
Dầu khiến các nhà phê bình âm nhạc tốn không biết bao nhiêu bút mực, khán giả của Kenny G vẫn ở đó, trên khắp thế giới, sẵn sàng và háo hức chờ đợi tiếng kèn saxophone “nghịch lý và hấp dẫn” của ông.
Ông từng nói trong bộ phim tài liệu Listening to Kenny G (do HBO sản xuất), “những lời chỉ trích không ảnh hưởng đến tôi lúc đó và bây giờ nó cũng không ảnh hưởng đến tôi”.
Trong đêm nhạc Good morning Vietnam, tiếng kèn saxophone của Kenny G chinh phục và làm tan chảy gần 4.000 khán giả có mặt tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình với loạt nhạc phẩm: Going home, Romeo & Juliet, Forever in love, My heart will go on, The Moment …
Âm nhạc cởi mở, khán giả tan chảy
Kenny hào phóng, cởi mở, không hoa mỹ như phong cách âm nhạc uyển chuyển của ông.
Kenny không xuất hiện trên sân khấu mà có mặt ở hàng ghế khán giả để chơi ca khúc đầu tiên Home quen thuộc.
Ông tập nói tiếng Việt, chịu khó giao lưu với khán giả Việt Nam, kể “sáng nay ăn phở gà rất ngon”, tâm sự “yêu Việt Nam”. Dẫu mấy câu tiếng Việt của Kenny G chưa sõi, có những chữ khiến ông phải cố gắng nhớ lại đến vã mồ hôi nhưng khán giả Việt Nam hoàn toàn bị chinh phục bởi sự thân thiện, nồng ấm của người đàn ông này.
Kenny G cũng “chiêu đãi” khán giả bằng một thao tác kỹ thuật hết sức cổ điển, như giữ một nốt nhạc trong vài phút, khoe làn hơi dày, hiếm có của một nghệ sĩ đã 67 tuổi. Trong quá trình đó, người nghệ sĩ vẫn giữ tương tác, kết nối với khán giả thông qua những cái vẫy tay, đập tay giao lưu.
Sau màn “chào hỏi” đầy ấn tượng, Kenny mới trở lên sân khấu, hòa cùng những người cộng sự lâu năm của ông: Ron Powell (bộ gõ), Vail Johnson (bass), Robert Damper (piano), Vento Raymond (guitar)…
Mượt mà và gấp khúc là những trạng thái mà những người đàn ông đến từ Mỹ mang đến cho khán giả tối ngày 14-11.
Bên cạnh những quãng tình ca mềm mại, tha thiết, có vẻ dìu dặt, êm đềm, thỉnh thoảng lại nổi lên những đoạn guitar riff nghịch dị, bộ gõ xoáy lên riết róng và những màn dạo piano kéo dài, tưởng chừng bất tận…
Đêm nhạc mang tên Kenny G Live in Vietnam, linh hồn đêm nhạc là Kenny G nhưng rõ ràng, không có nghệ sĩ nào vai chính, vai phụ. Mỗi nghệ sĩ đều có một khoảng ánh đèn trên sân khấu dành cho bản thân, để “phô” ra những “ngón nghề” cũng như thăng hoa mang tính cá nhân nhất.
Chương trình kéo dài gần 120 phút, đưa khán giả trải qua nhiều cung bậc của thứ nhạc jazz biến hóa, đa dạng. Không ai để tâm tới đó là jazz nguyên bản hay jazz đã được “pop hóa”.
Như chia sẻ trước đó tại họp báo ngày 13-11, Kenny nói, khi chơi nhạc, ông chơi với tất cả trái tim mình và chơi một cách chân thành.
Đêm diễn kết thúc khá muộn nhưng hàng dài người hâm mộ vẫn chờ đợi ở sảnh để được gặp thần tượng, được chụp ảnh cùng nghệ sĩ và được Kenny G ký tặng lên những đĩa nhạc của ông.