Liên hoan phim Venice lần thứ 80 được đánh giá cao khi có sự tham gia của những tên tuổi lớn, từ những gương mặt kỳ cựu như Michael Mann, David Fincher, Wes Anderson đến những tên tuổi đang lên như Yorgos Lanthimos, Ryusuke Hamaguchi, Richard Linklater, Sofia Coppola, Bradley Cooper.
Thậm chí cả Woody Allen cũng mang tới tác phẩm tốt nhất của ông trong nhiều năm trở lại đây – Coup de chance, dù không tranh giải.
Sức hấp dẫn khó cưỡng
Ban giám khảo xem 23 phim tranh giải trong suốt 10 ngày diễn ra Liên hoan phim Venice và phim được giới phê bình đánh giá cao chót vót là Poor things đã giành giải thưởng cao nhất.
Trong hơn một thập niên qua, Yorgos Lanthimos nổi lên như một đạo diễn có phong cách làm phim kỳ dị và đậm đặc sự phi lý nhưng hấp dẫn khó cưỡng, với những tác phẩm như Dogtooth (2009, đề cử Oscar phim nước ngoài xuất sắc nhất), Lobster (2015, đề cử Oscar kịch bản xuất sắc) và The favourite (2018, giải Sư tử bạc và nhận 10 đề cử Oscar).
Những ý tưởng độc đáo, thậm chí hơi dị thường, của vị đạo diễn sinh năm 1973 này chinh phục giới hàn lâm lẫn khán giả đại chúng mà Poor things là minh chứng mới nhất.
Với màn diễn xuất tỏa sáng của Emma Stone trong vai một người phụ nữ đã chết được một bác sĩ phẫu thuật giúp tái sinh với bộ não của đứa con còn nằm trong bụng cô, Poor things khiến những khán giả có mặt trong buổi chiếu đầu tiên sững sờ với một cuộc phiêu lưu tình dục đầy hài hước.
Nhiều nhà phê bình gọi nó là bộ phim “kinh điển” ngay từ khi mới ra mắt vì sự vượt trội về tầm nhìn, nghệ thuật kể chuyện của Lanthimos và diễn xuất sáng chói của Emma Stone.
Cầm tượng Sư tử vàng trên tay, Yorgos Lanthimos chia sẻ rằng ông phải mất nhiều năm để biến bộ phim này trở thành hiện thực bởi không dễ thực hiện một phim có ý tưởng táo bạo và điên rồ như thế.
Ông cũng ca ngợi cuốn tiểu thuyết tuyệt vời của nhà văn người Scotland Alasdair Gray là cảm hứng chuyển thể và đặc biệt là Emma Stone – diễn viên chính và cũng là nhà sản xuất của bộ phim.
Những chủ đề thời cuộc tỏa sáng
Những tác phẩm đoạt các giải thưởng quan trọng khác tại LHP Venice năm nay lại xoáy sâu vào những chủ đề mang tính chính trị, thời cuộc hoặc đặt ra những vấn đề mang tính đạo đức trong một thế giới dễ bị chia rẽ hơn bao giờ hết vì sự khác biệt góc nhìn.
Evil does not exist, phim mới nhất của đạo diễn người Nhật Bản Ryusuke Hamaguchi, có thông điệp môi trường đầy mạnh mẽ kể về sự xung đột giữa những cư dân đô thị giàu có muốn “trốn thoát” về vùng nông thôn hẻo lánh để xây nhà nghỉ dưỡng nhưng lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi sinh của một cộng đồng nhỏ bé ở đây, thắng giải Sư tử bạc – giải thưởng lớn của ban giám khảo.
Ba năm qua, Ryusuke Hamaguchi liên tiếp giành các giải thưởng quan trọng tại ba liên hoan phim hàng đầu là Cannes, Berlin, Venice và giành Oscar cho phim quốc tế xuất sắc nhất. Thành tích này chỉ có duy nhất một đạo diễn huyền thoại của Nhật Bản là Akira Kurosawa giành được trước Hamaguchi.
Hai phim về đề tài nhập cư là Me captain (của đạo diễn người Ý Matteo Garrone) và Green Border (của đạo diễn Ba Lan Agnieszka Holland) mang về chiến thắng Đạo diễn xuất sắc nhất và Giải đặc biệt của ban giám khảo.
Cả hai phim đều nhận được đánh giá tích cực của giới phê bình. Me captain kể về trải nghiệm khốc liệt của một chàng trai Senegale trên hành trình nguy hiểm từ châu Phi đến châu Âu qua sa mạc và biển Địa Trung Hải.
Ngoài giải Đạo diễn xuất sắc nhất, bộ phim còn thắng giải Diễn viên mới xuất sắc cho Seydou Sarr – nam diễn viên trẻ nghiệp dư người Senegale lần đầu đóng phim.
Còn Green Border theo chân một gia đình tị nạn người Syria, một giáo viên tiếng Anh đến từ Afghanistan và một người lính biên phòng. Tất cả họ đều gặp nhau tại biên giới của Ba Lan – Belarus trong cuộc khủng hoảng người tị nạn bùng phát gần đây ở Belarus.
Giải Kịch bản xuất sắc nhất thuộc về El Conde – một bộ phim giễu nhại chính trị kể về nhà độc tài Augusto Pinochet, người không chết mà trở thành một ma cà rồng già quyết định sẽ chết một lần và mãi mãi.
Bộ phim của đạo diễn người Chile nổi tiếng Pablo Larraín và do chính anh viết kịch bản với một đồng nghiệp.
Hai giải thưởng quan trọng cuối cùng là Volpi Nam và Nữ diễn viên xuất sắc thuộc về hai diễn viên người Mỹ là Cailee Spaeny và Peter Sarsgaard. Cailee Spaeny, 25 tuổi, tỏa sáng trong vai Priscilla Presley thời trẻ trong bộ phim tiểu sử được yêu thích Priscilla của nữ đạo diễn Sofia Coppola.
Giải Nam diễn viên xuất sắc được trao cho Peter Sarsgaard trong một bộ phim cảm động có tên Memory của đạo diễn người Mexico Michel Franco, đóng chung với nữ diễn viên đoạt giải Oscar Jessica Chastain.
Tuổi Trẻ Online – Giải trí – RSS Feed