Mới đây trên diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm về cách quản lý thu chi tài chính thông minh, câu chuyện cần tư vấn của một nhân viên văn phòng 24 tuổi, lương 15 triệu đồng/tháng nhận được khoản tiền thừa kế 87 tỷ đồng thu hút đông đảo nhiều người quan tâm.
Theo thông tin chia sẻ, tổng tài sản thừa kế mà nhân viên văn phòng nhận là khoảng 87 tỷ, bao gồm 14 tỷ tiền gửi tiết kiệm, 4 tỷ tiền cổ phiếu riêng lẻ và chứng chỉ quỹ, ngôi nhà chính đang ở trị giá thị trường khoảng 62 tỷ và căn chung cư giá thị trường khoảng 7 tỷ, đang cho thuê 15 triệu/tháng.
Người được thừa kế khối tài sản này cũng cho biết: “Em biết bản thân còn trẻ và khối tài sản này rất lớn. Bản thân em bị ngợp và không chắc nên bắt đầu từ đâu, nên giữ nguyên hay cơ cấu khối tài sản này như thế nào để duy trì về lâu dài, nên đầu tư thêm gì không?”
Bình luận dưới bài đăng, nhiều người cho rằng câu chuyện này quá phi thực tế, bởi một nhân viên văn phòng 24 tuổi, với mức lương chỉ 15 triệu đồng/tháng thì khó có thể xuất thân từ một gia đình có mức tài sản khổng lồ như vậy. Thừa kế khối tài sản này mà lại không hề biết gì về quản lý tài chính cũng là điều bất thường, vì thông thường những người sinh ra trong gia đình giàu có thường đã có ít nhiều sự hiểu biết hoặc hướng dẫn về tài chính.
(Bài đăng về câu chuyện thừa kế tài sản trên mạng xã hội nhận được nhiều tương tác)
Chia sẻ quan điểm, ông Ngô Thành Huấn, CEO Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và Quản lý gia sản FIDT cho biết, câu chuyện được đăng trên mạng xã hội nên rất khó để xác minh tính chân thực. Tuy nhiên, trong nhiều năm làm tư vấn tài chính cá nhân, vị chuyên gia cũng đã gặp không ít trường hợp bạn trẻ nhận được khoản thừa kế lớn từ gia đình.
Đối với trường hợp trong câu chuyện nêu trên, ông Huấn phân tích, thông thường, người con được nhận thừa kế với tài sản lớn trong trường hợp bố mẹ của họ có thể làm công việc kinh doanh hoặc giữ chức vụ lớn trong doanh nghiệp nên mới tích lũy khối tài sản lớn.
Tuy nhiên, theo ông Huấn, với người trẻ 24 tuổi, chưa lập gia đình nhận được khối tài sản thừa kế gần 100 tỷ đồng, có thể gia đình gặp biến cố đặc biệt nên mới có câu chuyện chuyển giao thừa kế sớm.
Nhiều năm tư vấn, ông Huấn cho biết, điểm chung của các gia đình chuyển thừa kế cho con nếu bố mẹ làm trong lĩnh vực kinh doanh, đó là người con được tham gia dần vào những hoạt động này. Bởi với những người tự thân tạo ra khối tài sản này, họ hiểu rất rõ sự vất vả. Họ có kinh nghiệm trong quản lý tài chính và đầu tư.
“Thông thường tình huống tôi gặp, người con sẽ tham gia vào hoạt động kinh doanh, đầu tư của gia đình để bố mẹ an tâm chuyển giao. Người tạo ra khối tài sản tự thân họ hiểu rất rõ phải vất vả như thế nào? Họ có nhiều kinh nghiệm trong quản lý tài chính và đầu tư”, ông Huấn nêu.
Ở trường hợp 2, bố mẹ sức khỏe yếu nên mới chuyển giao tài sản. Họ sẽ có sự dặn dò và sắp xếp cho người con. Thường họ sẽ có xu hướng dặn người con không làm thay đổi cơ cấu tài sản nhiều quá. Ví dụ nếu như một căn nhà 50 tỷ đồng, cứ để cho thuê sẽ không thể mất mát được. Dù ngôi nhà này so về tốc độ tăng về giá chậm hơn loại bất động sản nhỏ. Hay căn nhà phố cũng sẽ tăng trưởng ổn định, bền vững, tạo ra dòng tiền đều đặn.
Tuy nhiên, theo ông Huấn, với người trẻ nhận được khoản tiền thừa kế lớn, điều quan trọng nhất về tâm thế. Khi chưa đủ năng lực, kinh nghiệm, quản lý tài chính với số tiền lớn như vậy, người trẻ dễ sa vào tình cảnh lạm phát lối sống. Điều này có thể làm lu mờ và làm lụi đi khả năng tạo tiền.
Đối với người giữ khối tài sản này, người trẻ phải trang bị nhận thức, kiến thức kĩ năng để giữ và tái cơ cấu khối tài sản này. Thông qua nguồn thông tin trên kênh chính thống hay các khóa học cơ bản để nâng cấp nhanh chóng và rộng để quản lý khối tài sản.
Cũng theo ông Huấn, đối với người trẻ có khối tài sản lớn cần có lộ trình kinh nghiệm để quản lý. Họ có thể sử dụng dịch vụ từ định chế tài chính lớn uy tín. Thực tế một số ngân hàng nước ngoài có dịch vụ quản lý gia sản.
Nguồn: Sưu Tầm internet
Leave a Reply