Mới đây, mạng xã hội lan truyền một bức ảnh chụp bóng lưng của một thầy giáo già đi trong sân trường giữa trời mưa nhận về hàng nghìn lượt yêu thích. Được biết, chủ nhân của bóng lưng ấy chính là thầy Nguyễn Xuân Khang – Chủ tịch hội đồng trường Marie Curie (Hà Nội). Bức ảnh đang viral rần rần ghi lại cảnh thầy Khang đang đi giữa sân trường Marie Curie cơ sở Việt Hưng (Long Biên) khi trời lất phất mưa cách đây không lâu.
Bức ảnh rất giản dị nhưng nó lại chạm đến trái tim nhiều người và khiến người ta liên tưởng ngay đến một câu hát trong Người Thầy – ca khúc nổi tiếng ca ngợi công lao của những giáo viên mang trong mình trọng trách “trồng người”: “Người thầy vẫn lặng lẽ đi về sớm trưa…”.
Bên dưới phần bình luận, ai cũng gửi những lời chúc tốt đẹp, sự kính trọng đến với người thầy đáng kính này.
– Kính trọng thầy nên lại càng thêm yêu Marie Curie.
– Không phải học sinh Marie Curie nhưng vẫn biết đến thầy và kính trọng những việc tử tế thầy làm.
– Kính chúc thầy thật nhiều sức khỏe.
– Kính chúc thầy bình an, hạnh phúc và có thật nhiều sức khỏe chắp cánh ước mơ để các học trở thành người tử tế, bay cao, bay xa.
Được biết, thầy Nguyễn Xuân Khang quê ở Nghệ An, là lứa học sinh chuyên Toán đầu tiên của Việt Nam những năm 1965. Năm 1968, thầy học tại Đại học Tổng hợp Hà Nội khoa Vật lý. Sau khi tốt nghiệp, thầy được giữ lại trường Đại học Tổng hợp dạy. Thầy dạy Vật lý cho khối phổ thông chuyên Lý Đại học Tổng hợp – nơi có rất nhiều học sinh đạt giải Olympic Toán học Quốc tế từ những lứa đầu như Hoàng Lê Minh, Đàm Thanh Sơn…
Thầy tự nhận vào thời điểm đấy, hoàn cảnh của bản thân tương đối khó khăn. Thầy chỉ có một bộ áo quần lành lặn và 2-3 bộ không đủ lành lặn để lên bục giảng.
Hiện tại, thầy Khang đã tự tin khẳng định rằng mình không còn “nghèo” nữa. Không chỉ đơn giản tiền bạc, mà còn là tinh thần. Thầy Khang quan niệm, gia tài lớn nhất của mình chính là những cô cậu học trò.
Trong quan điểm giáo dục, thầy Khang cho rằng “nhu” luôn nhiều hơn “cương”. Dạy học, dạy kiến thức là điều bắt buộc, nhưng còn một điều quan trọng hơn chính là dạy học trò cách làm người, dạy cách sống, cách đối nhân xử thế.
Đối với thầy và trò trường Marie Curie, thầy Khang không chỉ là một người thầy cần mẫn, mà còn là “ông nội” – một tiếng gọi chan chứa đầy tình yêu thương của học sinh dân Marie Curie dành cho thầy.
Không chỉ có nhiều đóng góp trong sự nghiệp giảng dạy, đào tạo, thầy Khang nổi tiếng với tấm lòng bao la. Mới đây nhất, dân tình đã được dịp cảm động trước thông tin thầy Khang quyết định nhận nuôi tất cả trẻ em, học sinh may mắn còn sống sót sau trận lũ quét kinh hoàng tại thôn Làng Nủ – trận lũ quét gây ra do tác động của bão Yagi. Cụ thể, thầy sẽ cấp dưỡng các em học sinh ăn học cho đến 18 tuổi bằng cách cấp tiền 3 triệu đồng/tháng/em, chuyển khoản trực tiếp cho bố mẹ hoặc người đỡ đầu của các em.
Trước đó, vào năm 2021, xuất phát từ đề án Quốc gia trồng 1 tỷ cây xanh, thầy Khang cũng từng quyết định trồng 2 vạn cây Sa Mộc tại xã Khâu Vai với hy vọng tương lai sẽ tạo thành khu rừng Marie Curie. Rồi sau đó, thầy trò Marie Curie còn hỗ trợ sách giáo khoa, truyện, đồ dùng học tập cho một số trường ở Mèo Vạc.
Ngoài ra, thầy Khang cũng nảy ý tưởng đào tạo người địa phương trở thành giáo viên tiếng Anh sau khi nghe thầy Bùi Văn Thư – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mèo Vạc chia sẻ về vấn đề thiếu giáo viên tiếng Anh dạy lớp 3 tại tỉnh nhà. Để hiện thực hóa điều này, thầy Khang cùng trường Marie Curie đã cấp học bổng tối thiểu 5 triệu/tháng/sinh viên trong 4 năm, bắt đầu từ tháng 12/2023 cho các bạn sinh viên tại huyện Mèo Vạc học ngành sư phạm tiếng Anh. Về kế hoạch tương lai, dự án sẽ “nuôi” đủ 30 sinh viên, dự tính kinh phí lên tới 6 tỷ – 12 tỷ đồng.
Tổng hợp
Nguồn: Sưu Tầm internet