Sau khi thấy các đồng nghiệp cũ quay lại với nghề môi giới và liên tục khoe chốt giao dịch thành công, chị Minh Thư (Hà Nội) quyết định quay trở lại với nghề.
Chị Thư có 6 năm làm nghề môi giới bất động sản nhà đất thổ cư, chung cư ở khu vực Thanh Xuân, bên cạnh đó sale cả đất nền tỉnh, bất động sản nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, thời điểm thị trường trầm lắng, chị Thư chuyển sang kinh doanh cửa hàng ăn.
“Thực sự lãi từ việc kinh doanh đồ ăn không bằng hoa hồng, thưởng nóng vài chục đến hơn trăm triệu đồng khi chốt một giao dịch. Nhớ nghề và muốn kiếm tiền to, tôi quyết định sang nhượng cửa hàng, quay lại làm môi giới”, chị Thư chia sẻ.
Anh Lâm – môi giới đất nền tỉnh Phú Thọ, Bắc Ninh, Bắc Giang cũng đã quay lại nghề được hơn 5 tháng nay. Thời điểm thị trường trầm lắng, đất nền cắt lỗ không có giao dịch, anh Lâm chuyển sang sale chung cư. Tuy nhiên, vì không chuyên loại hình này nên mãi không có giao dịch thành công, khách hàng ít. Do đó, anh Lâm đã chuyển sang làm quản lý ở một cửa hàng ăn uống.
“Thực sự, mình quen mặc vest đi tiếp khách VIP, lái ô tô đưa khách từ Hà Nội đi các tỉnh xem đất với giờ giấc linh hoạt. Mỗi lần giao dịch thành công, mình có thể kiếm được từ tiền chục đến hàng trăm triệu đồng. Đến khi bỏ nghề đi làm việc khác, thời gian gò bó, lương cũng thấp, mình cố gắng lắm mới trụ được một thời gian. Đến tầm tháng 4, bất động sản các tỉnh có dấu hiệu tích cực hơn, một số khu vực có giao dịch trở lại. Mình cũng quyết định quay lại với nghề môi giới”, anh Lâm chia sẻ.
Năm 2023 – khi thị trường bất động sản khó khăn, trầm lắng, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) thống kê, các đơn vị kinh doanh, dịch vụ, môi giới bất động sản bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng, có gần 80% các đơn vị môi giới phải rời bỏ thị trường để tìm kiếm cơ hội khác.
Đến quý 3/2024, có 5.565 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản quay trở lại hoạt động với nhiều văn phòng môi giới mở mới hoặc mở cửa trở lại tại các khu vực có nguồn cung lớn. VARS ước tính, khoảng 70% doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ môi giới và người môi giới có ý định gắn bó lâu dài với nghề đã quay lại hoạt động.
Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, sự quay trở lại hoạt động của môi giới bất động sản đang cho thấy thị trường có nhiều tín hiệu hồi phục tích cực. Tại nhiều phân khúc như đất nền, chung cư đang có dấu hiệu tăng nhiệt, sốt nóng, thu hút sự quan tâm của nhiều môi giới, các khách hàng, nhà đầu tư.
Trong bối cảnh hành lang pháp lý ngày càng được hoàn thiện, VARS kiến nghị, các chủ đầu tư, sàn giao dịch và môi giới bất động sản cần chủ động cập nhật và nắm bắt kịp thời các thay đổi mới. Đồng thời, doanh nghiệp cần điều chỉnh chiến lược kinh doanh để phù hợp với hành lang pháp lý và xu hướng phát triển thị trường.
Cụ thể, VARS đề xuất các chủ đầu tư cần đẩy mạnh nghiên cứu phát triển sản phẩm theo đúng xu hướng và khả năng chi trả của phần đông người dân. Các sàn giao dịch bất động sản phải nâng cao trách nhiệm trong việc thẩm định pháp lý dự án, nhằm đảm bảo lựa chọn những dự án chất lượng tham gia phân phối.
Đối với môi giới bất động sản, việc tham gia các chương trình đào tạo, thi sát hạch chứng chỉ hành nghề là bước đi quan trọng để xây dựng sự chuyên nghiệp và uy tín trong nghề.
Ngoài ra, chủ đầu tư, sàn giao dịch và môi giới bất động sản nên tập trung vào thế mạnh, tránh “dàn trải, ôm đồm” làm giảm hiệu quả hoạt động, phân tán nguồn lực và khó đạt được kết quả tối ưu. Trong mọi hoạt động cần lấy thị trường chung làm trọng yếu. Cần xác định rõ, “thị trường có khỏe” thì “doanh nghiệp, môi giới bất động sản mới khỏe, khi đó, khách hàng và nhà đầu tư mới yên tâm”.
Nguồn: Sưu Tầm internet