Mới đây, một sự việc xảy ra tại Đại học Bách Khoa Hà Nội thu hút sự quan tâm của dư luận đã được chương trình Chuyển động 24h của VTV24 phản ánh. Theo đó, các sinh viên năm nhất – khi tham gia 2 tuần giáo dục quốc phòng tại trường – đã được phát các suất ăn có cơm và canh thừa, được thu gom lại từ các suất ăn của nhóm sinh viên trước đó.
Đơn vị cung cấp các suất ăn này là Công ty cổ phần dịch vụ đầu tư thương mại Bách Khoa thừa nhận để xảy ra tình trạng này ở Nhà ăn A15, nơi họ cung cấp hơn 2.000 suất ăn mỗi ngày cho sinh viên học giáo dục quốc phòng, với mức giá 85.000 đồng/ngày cho 3 bữa.
Người phụ trách Nhà ăn A15, sau khi xem những hình ảnh được ghi lại, bào chữa rằng do sơ suất nên đã để cho một nhân viên mới thực hiện hành vi tái sử dụng cơm, canh ăn thừa của bàn ăn trước cho bàn ăn sau. Trong khi theo quy định, toàn bộ số đồ ăn thừa này phải đổ bỏ.
Mặc dù vậy, đơn vị cung cấp các suất ăn trên cho biết họ chưa nhận được phản ánh của sinh viên về vệ sinh thực phẩm, cũng như chưa có ca ngộ độc thức ăn nào được ghi nhận.
Trên thực tế, ngộ độc thực phẩm không phải là nguy cơ chính của hành vi quay vòng thức ăn thừa của người này sang cho người khác. Bởi các vi khuẩn gây ra ngộ độc thực phẩm, nếu có, đã tồn tại trong chính thực phẩm.
Ngay cả khi thức ăn không được quay vòng, cùng một mẻ thực phẩm bị nhiễm khuẩn sẽ lây nhiễm cho tất cả những người ăn cùng mẻ thực phẩm đó, bất chấp việc họ có ăn đồ thừa của người khác hay không.
Vì vậy, nguy cơ chính của hành vi sử dụng thức ăn thừa của người này để phục vụ người khác là khả năng lây nhiễm chéo một số loại bệnh, có thể truyền từ người đã ăn trước sang người ăn sau.
Các loại bệnh trong trường hợp này thường liên quan đến con đường lây nhiễm qua giọt bắn, hoặc nước bọt có thể lẫn vào thực phẩm thừa, bao gồm bệnh cúm, bệnh sởi, thủy đậu, rubella, bệnh lao hoặc mụn rộp…
Ngoài ra, có một căn bệnh cực kỳ nguy hiểm được cảnh báo là có thể lây chéo trong trường hợp này, khi các sinh viên ăn thức ăn thừa của nhau. Đó là bệnh viêm màng não mô cầu.
Theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Bệnh dịch Hoa Kỳ (CDC), viêm màng não mô cầu là bệnh do một chủng vi khuẩn có tên là Neisseria meningitidis gây ra. Thông thường, cứ 10 người thì sẽ có 1 người mang loại vi khuẩn này ở sau mũi và cổ họng, nhưng chúng không gây bệnh.
Mặc dù vậy, những người này vẫn có thể truyền mầm bệnh sang cho người khác. Vi khuẩn Neisseria meningitidis chủ yếu lây qua dịch tiết đường hô hấp và hầu họng, bao gồm giọt bắn và nước bọt.
Các hoạt động làm lan truyền nước bọt và giọt bắn được cho là có thể gây nguy cơ cao lây nhiễm vi khuẩn Neisseria meningitidis bao gồm:
– Hôn
– Dùng chung dụng cụ ăn uống
– Chia sẻ thức ăn, nước uống
– Hút chung thuốc lá (bao gồm thuốc lá điện tử)
– Ở trong phạm vi dưới 2 mét với người bệnh đang ho hoặc hắt hơi
Với các con đường lây nhiễm kể trên, bệnh viêm màng não mô cầu khuẩn được cảnh báo là đặc biệt dễ lây lan trong môi trường sinh viên và quân đội. Một nghiên cứu của CDC cho biết sinh viên đại học năm nhất và các tân binh nhập ngũ là những đối tượng dễ bị nhiễm viêm màng não mô cầu nhất, với yếu tố nguy cơ được chỉ ra chính là các “khu ký túc xá có phục vụ ăn uống”.
Trong số khoảng 9 triệu sinh viên từ 18-21 tuổi đang theo học tại các trường đại học tại Mỹ, trung bình có 20 trường hợp và 2-4 đợt bùng phát viêm màng não mô cầu được báo cáo hàng năm.
Việc tiếp xúc gần gũi trong ký túc xá đại học, kết hợp với một số hành vi nhất định (như uống rượu, tiếp xúc với thuốc lá, chia sẻ thức ăn hoặc đồ uống và các hoạt động khác liên quan đến việc trao đổi nước bọt) có thể khiến sinh viên đại học có nguy cơ mắc bệnh cao hơn các nhóm dân số thông thường.
Viêm màng não mô cầu được đánh giá là một căn bệnh cực kỳ nguy hiểm. Khi vi khuẩn Neisseria meningitidis xâm nhập được vào máu và đi tới tủy sống và màng não, nó sẽ gây ra các triệu chứng bao gồm:
– Sốt
– Đau đầu
– Cứng cổ
– Lú lẫn
– Buồn nôn, nôn
– Kiệt sức
– Phát ban xuất huyết màu tím do nhiễm trùng máu
Căn bệnh này thường khởi phát rất đột ngột và có thể gây tử vong trong vòng 24-48 giờ nếu không được điều trị. Ngay cả khi được điều trị với kháng sinh liều cao, vẫn có từ 10-15% bệnh nhân không thể qua khỏi.
Ngay cả khi đã qua khỏi, trong số những người sống sót vẫn có khoảng 10-20% sẽ phải đối mặt với di chứng nặng nề từ căn bệnh như bị cắt bỏ chân hoặc tay do nhiễm trùng máu, bị khiếm thính, gặp vấn đề về hệ thần kinh, bao gồm các vấn đề thần kinh lâu dài như co giật hoặc đột quỵ.
Vì vậy, cách tốt nhất để đối phó với căn bệnh nguy hiểm này là phòng ngừa. CDC Hoa Kỳ khuyến cáo các đối tượng có nguy cơ cao nên tiêm phòng vắc-xin viêm màng não mô cầu, bao gồm sinh viên đại học và tân binh quân sự.
Ngoài ra, việc giữ gìn vệ sinh cá nhân và vệ sinh chung trong các môi trường tập thể như ký túc xá và quân đội nên được thực hành nghiêm ngặt. Rửa tay thường xuyên, không chia sẻ đồ uống, thức ăn và đồ dùng cá nhân là các biện pháp phòng ngừa tiêu chuẩn, cần phải được áp dụng.
Nguồn: WebMD, CDC, Mass, Nfid
Nguồn: Sưu Tầm internet