Một người cha ở Mỹ có 7 đứa con nhận thấy những dấu hiệu đáng lo ngại ở các con mình, ông nhanh chóng nghĩ ra một ý tưởng sáng tạo để hạn chế thời gian sử dụng các thiết bị điện tử của con và được kết quả đáng kể.
Richard Wadsworth (41 tuổi) là một bác sĩ tâm thần, ông sống cùng vợ, 5 cô con gái và 2 cậu con trai ở Idaho, Mỹ.
Sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Wadsworth nhận thấy thời gian sử dụng các thiết bị điện tử của các con tăng lên rõ rệt, đặc biệt là khi bọn trẻ chuyển sang học trực tuyến.
“Hầu như chúng luôn dán mắt vào màn hình. Ngay cả những hoạt động giải trí hàng ngày của chúng cũng được thực hiện thông qua màn hình“, ông chia sẻ.
Từ việc xem các video ngắn trên YouTube đến việc chơi các trò chơi trực tuyến, các thiết bị điện tử bắt đầu dần xâm nhập vào mọi khía cạnh cuộc sống của các con Wadsworth.
“Theo tôi, điều này rất giống với những gì tôi thấy ở các hiện tượng nghiện ngập“, Wadsworth nói, với tư cách là một bác sĩ tâm thần, ông cũng đã từng thấy những hành vi tương tự khi làm việc với những người nghiện rượu và ma túy.
Trong công việc, ông thường xuyên tiếp xúc với một số thanh thiếu niên cảm thấy chán nản, bồn chồn đến khám bệnh.
Wadsworth cảm thấy vừa tò mò vừa bối rối về tình trạng của những đứa trẻ này, vì vậy ông đã hỏi cha mẹ của các bệnh nhân về cách con cái họ dành thời gian mỗi ngày. Và câu trả lời mà ông thường nhận được là “chúng dành cả ngày để chơi điện thoại“.
Thậm chí đối với một số đứa trẻ, khi điện thoại của chúng bị tịch thu, chúng sẽ đe dọa tự làm hại bản thân hoặc bạo lực với người khác.
“Rất nhiều đứa trẻ mà tôi tiếp xúc cuối cùng đều được đưa vào bệnh viện tâm thần. Cảm giác của chúng giống như bị ai đó cưỡng chế lấy đi ma túy của mình vậy. Thấy cảnh tượng đó, tôi thực sự rất sợ hãi“, ông nói.
Sau khi chứng kiến những hành vi cực đoan của các bệnh nhân vị thành niên, ông kết luận rằng, lối sống của giới trẻ hiện đại khác xa so với thời thơ ấu của bản thân, khi ông dành phần lớn thời gian ở ngoài trời.
Những trải nghiệm làm việc với những bệnh nhân nghiện công nghệ đã khiến ông bắt đầu quan tâm đến thời gian mà các con mình dành cho màn hình điện tử. Điều này thúc đẩy ông thảo luận với chúng về những tác động tiêu cực của việc sử dụng màn hình quá nhiều đến sức khỏe tâm thần. Ban đầu, ông gặp phải sự phản đối của hầu hết các con. 7 đứa con của ông có độ tuổi từ 1 đến 14.
“Chúng không muốn ngừng sử dụng các thiết bị điện tử. Chúng muốn tiếp tục xem màn hình và tận hưởng niềm vui từ đó“, Wadsworth nói.
Trùng hợp thay, trước đó, một trong những cô con gái của ông cũng nhận ra những tác hại của việc nghiện thiết bị điện tử và đang cố gắng thoát khỏi sự ràng buộc của màn hình. Cô bé chủ động tìm đến cha và nói: “Bố ơi, con cần bố lấy chiếc máy tính này đi, hoặc đơn giản là đập vỡ nó và ném vào thùng rác. Con đã dành quá nhiều thời gian trước màn hình máy tính đến nỗi không muốn làm bất cứ điều gì khác. Chỉ cần có cơ hội, con sẽ cố gắng quay lại máy tính và dành hàng giờ để xem các video ngắn trên TikTok hoặc YouTube“.
Người cha nhận ra rằng, việc loại bỏ hoàn toàn các thiết bị điện tử khỏi cuộc sống là rất khó, vì vậy ông đã nghĩ ra một ý tưởng thực tế hơn, đó là hạn chế việc sử dụng màn hình trong các khoảng thời gian nhất định mỗi ngày và gọi đó là “giờ giới nghiêm màn hình”.
Chỉ sau 1 ngày thực hiện “giờ giới nghiêm”, ông đã thấy các con (trừ những đứa nhỏ) đều đang đọc sách. Đây là một cảnh tượng mà trước đây ông chưa từng thấy.
Rất nhanh chóng, “giờ giới nghiêm màn hình” được lấp đầy bởi một loạt các hoạt động có ý nghĩa, chẳng hạn như dọn dẹp phòng, giặt quần áo, hoạt động thể chất và chơi ngoài trời. Nói cách khác, Wadsworth sẽ lập một danh sách các nhiệm vụ cho các con trước, sau đó khóa tất cả các thiết bị điện tử trong văn phòng của mình cho đến khi chúng hoàn thành tất cả các nhiệm vụ mới trả lại cho chúng.
Kể từ khi thực hiện những phương pháp giảm thời gian sử dụng màn hình này, ông nhận thấy điều đó thực sự đã mang lại những tác động tích cực cho các con của mình.
“Chúng dành nhiều thời gian hơn để chơi ngoài trời, thường xuyên chơi với bạn bè ở ngoài, thích nhiều hoạt động khác nhau. Bọn trẻ đã xây dựng một pháo đài nhỏ trong sân sau, ngoài ra, chúng đều thích đọc sách hơn. Tuần này tôi và các con đã có một tuần thật ý nghĩa“, ông chia sẻ.
Được khích lệ bởi điều này, Wadsworth đã quay một video giải thích và chia sẻ nó trên mạng, và không ngờ video đó nhanh chóng trở nên phổ biến. Rất nhiều phụ huynh cảm thấy đồng cảm và để lại những bình luận.
Giờ đây, Wadsworth không cho phép các con tiếp xúc với điện thoại thông minh, mỗi đứa chỉ có một chiếc điện thoại cơ bản với các chức năng gọi điện, nhắn tin và tìm đường.
Lời khuyên của ông dành cho các bậc phụ huynh khác là hãy đợi đến khi con cái đủ 18 tuổi mới mua cho chúng điện thoại thông minh.
Ông nói: “Nếu trẻ em sở hữu điện thoại thông minh khi còn quá nhỏ, thì một khi nghiện, nó sẽ rất nguy hiểm ở nhiều cấp độ“.
Nguồn: Sưu Tầm internet