Trước khi đưa kích thước màn hình trên iPhone 16 Pro Max lên mức 6.9 inch như hiện nay, chúng ta có lẽ đã quên mất chiếc iPhone đầu tiên trong lịch sử mới chính là điện thoại “khổng lồ” nhất từ trước đến nay, xét về kích thước màn hình ở thời điểm ra mắt và cả về mức độ ảnh hưởng vĩ đại sau này.
Quay trở lại vào năm 2007, iPhone ra đời đã đánh dấu một kỷ nguyên mới cho điện thoại di động. Thiết bị này đã thay đổi cách chúng ta sử dụng công nghệ cá nhân và tác động của nó vẫn có thể được cảm nhận trong ngành cho đến tận ngày nay. Một chiếc điện thoại vượt lên trước thời đại và tạo ra một tiêu chuẩn mà các nhà sản xuất khác chỉ có thể mơ ước vào thời điểm đó.
Để hiểu được tầm quan trọng của chiếc iPhone đầu tiên, chúng ta phải xem xét bối cảnh điện thoại thông minh vào thời điểm ra mắt. Chỉ khi so sánh với các điện thoại thông minh khác thời điểm ấy, chúng ta mới nhận ra khái niệm của Apple mang tính đột phá như thế nào. Thật không may, ngày nay tầm nhìn của Apple dành cho iPhone không còn táo bạo như vậy nữa.
Một mình chống lại thế giới
Chiếc iPhone đầu tiên không chỉ là một bước tiến; mà là một bước nhảy vọt lớn. Nó đã biến đổi điện thoại thông minh từ những tiện ích cồng kềnh, khó sử dụng và khó hiểu thành những người bạn đồng hành bóng bẩy, trực quan và mạnh mẽ.
Trước khi có iPhone, điện thoại thông minh chủ yếu là công cụ dành cho giới doanh nhân, với bàn phím vật lý, hệ thống menu phức tạp và màn hình điện trở khó bấm. Chúng thiên về chức năng hơn là hình thức và giao diện người dùng là cơn ác mộng đối với bất kỳ ai không phải người đam mê công nghệ thực sự.
Hãy nhìn lại HTC TyTN năm 2006, chiếc điện thoại thông minh phổ biến được phát hành chỉ một năm trước iPhone. TyTN là điện thoại thông minh cỡ lớn có bàn phím QWERTY trượt ra và màn hình cảm ứng điện trở đòi hỏi phải sử dụng bút stylus với độ chính xác cao. Windows Mobile, nền tảng mà máy sử dụng, trông giống như một hệ điều hành máy tính để bàn được đơn giản hóa hơn là thứ được hình thành cho một nền tảng di động.
Việc điều hướng qua các menu về cơ bản là rất thô sơ và trải nghiệm tổng thể rất khác so với bản chất mượt mà của các hệ điều hành di động ngày nay. TyTN hoàn toàn trái ngược khi so sánh với iPhone đầu tiên.
Chỉ cần nhìn vào cả hai sản phẩm cạnh nhau và xem xét sự khác biệt to lớn về tư duy và tầm nhìn. Chúng giống như hai sản phẩm đến từ hai hành tinh khác nhau vậy.
Những chiếc điện thoại thông minh khác cùng thời, như BlackBerry Curve và Motorola Q, cũng trông bất đối xứng khi so sánh với iPhone đời đầu. Với bàn phím vật lý nổi tiếng và dịch vụ nhắn tin BlackBerry, BlackBerry Curve là thiết bị có khả năng gửi email, nhưng nó lại thiếu sự mượt mà và sức hấp dẫn trực quan tuyệt đối của iPhone.
Trong khi đó, Motorola Q tỏ ra thiếu sức hút. Màn hình nhỏ và thiết kế cứng nhắc, hướng đến giới doanh nhân nên nó có vẻ lỗi thời ngay cả vào bối cảnh khi ấy. Những thiết bị này thực sự có nhiều tính năng, nhưng chúng đến từ thời đại không coi trọng trải nghiệm toàn diện của người dùng như Apple đã làm với iPhone.
Apple thay đổi mọi thứ
Một bìa sách đẹp không đảm bảo cho một cuốn sách hay. Chiếc iPhone đầu tiên sẽ không bao giờ trở thành hiện tượng nếu chỉ trông cậy vào thiết kế phi thường. Thiết bị của Apple phải đồng thời mang đến trải nghiệm người dùng mang tính cách mạng.
Nó không chỉ là một chiếc điện thoại thông thường – mà là một máy tính di động mạnh mẽ với hệ điều hành mới lạ, trực quan, nhanh và đơn giản. Đây chính là iPhone OS (sau này đổi tên thành iOS).
iPhone thực tế đã giới thiệu cảm ứng đa điểm điện dung, một công nghệ mang tính cách mạng đã thay đổi cách người dùng tương tác với thiết bị. iPhone trở nên sống động nhờ các cử chỉ sáng tạo, dễ dàng như chụm để thu phóng, vuốt để điều hướng và chạm để chọn.
Độ mượt mà và khả năng phản hồi của iPhone cũng mang tính đột phá. Các ứng dụng mở ngay lập tức, thao tác cuộn trơn tru và toàn bộ trải nghiệm được thiết kế để ít chạm nhất có thể. Đây là sự tương phản hoàn toàn với hiệu suất giật lag, chậm chạp của các điện thoại thông minh khác, thường phải vật lộn để theo kịp ngay cả các tác vụ cơ bản.
iPhone là điện thoại thông minh đầu tiên thực sự nhanh và phản hồi tốt, đồng thời thiết lập một tiêu chuẩn mới về hiệu suất trong ngành công nghiệp di động.
Sự ra mắt App Store năm 2008 là một khoảnh khắc đột phá khác. Người dùng giờ đây có thể tải xuống và cài đặt nhiều ứng dụng chỉ bằng một vài thao tác chạm. Điều này đã biến iPhone thành một nền tảng chơi game và các ứng dụng đa năng. Sự dễ dàng trong cách mà người dùng tùy chỉnh iPhone bằng các ứng dụng là yếu tố chính trong thành công lâu dài của thiết bị và củng cố vị trí như một hiện tượng văn hóa.
“Đi trước đối thủ 5 năm”
Nhìn lại, rõ ràng là chiếc iPhone đầu tiên là một gã khổng lồ theo nhiều cách. Nó không chỉ là một chiếc điện thoại Apple mà là lối tư duy mới cho câu hỏi: Một chiếc điện thoại có thể là gì?
Từ thiết kế mang tính cách mạng đến chức năng đột phá, iPhone đã thiết lập tiêu chuẩn khác biệt cho toàn bộ ngành công nghiệp và thay đổi cách chúng ta sống và làm việc.
Khi công bố thiết bị đầu tiên, Steve Jobs cho biết sáng chế của ông đã đi trước đối thủ 5 năm. Tuyên bố này không có vẻ quá tự cao. Phải mất nhiều năm để Android phát triển và trưởng thành đến mức cho phép trải nghiệm tổng thể trôi chảy tương tự.
iPhone những năm gần đây không có nhiều đột phát mà chỉ lặp lại một chút so với những gì đã có. Chúng vẫn là những sản phẩm tuyệt vời nhưng an toàn. Điều đó không hẳn là vấn đề. Không phải năm nào cũng cần mang đến những thay đổi và cải tiến triệt để. Nhưng nếu muốn có điều đó, chúng ta sẽ phải cần tới Apple.
Chiếc iPhone đầu tiên là nguồn cảm hứng tuyệt vời, vì tầm nhìn táo bạo, can đảm khi chống lại xu hướng đang có, chống lại hiện trạng và chống lại số đông để đi đến thành quả.
Đây vẫn là ví dụ thuần túy nhất cho sự đổi mới trong ngành công nghệ và rõ ràng cần một nhân vật gây tranh cãi như Jobs để thực hiện điều đó. Chúng ta hãy cùng chờ xem phép màu tương tự tiếp theo sẽ đến từ đâu.
Nguồn: Sưu Tầm internet