Tiền tiết kiệm “bốc hơi”
Năm 2018, người phụ nữ họ Dư đến một ngân hàng ở Đại Liên, Liêu Ninh (Trung Quốc) để rút số tiền tiết kiệm 13,1 triệu NDT (hơn 45 tỷ đồng) và tiền lãi. Tuy nhiên cô Dư đợi cả buổi sáng vẫn chưa nhận được tiền, trong khi nhân viên tìm cách trốn tránh, yêu cầu cô chờ thêm mà không đưa ra bất kỳ lời giải thích nào.
Chỉ khi cô Dư làm lớn chuyện, yêu cầu giải quyết ngay lập tức, nhân viên mới thông báo: “Chúng tôi không thể rút tiền vì số dư trong tài khoản của cô là 0 đồng”. Thông báo này như sét đánh ngang tai với cô Dư vì đây là toàn bộ số tiền cô tích lũy từ việc kinh doanh suốt nhiều năm, nay lại biến mất một cách bí ẩn.
Người phụ nữ này yêu cầu gặp Giám đốc chi nhánh ngân hàng họ Tôn, cũng là người tư vấn cho cô các gói tiết kiệm vào 4 năm trước. Khi đó biết cô Dư dự định gửi khoản tiền lớn, ông Tôn đã nhiệt tình dẫn cô lên phòng VIP, giới thiệu các sản phẩm tài chính.
Tuy nhiên cô Dư từ chối, chỉ lựa chọn gửi tiết kiệm với lý do gửi tiền là cách bảo đảm tài sản an toàn nhất, tránh các rủi ro khi đầu tư. Không còn cách nào thuyết phục nên ông Tôn đành phải làm thủ tục gửi tiết kiệm cho cô Dư.
Vừa gặp lại cô Dư, vị giám đốc này đã lập tức xin lỗi và nói: “Đừng lo lắng, tôi đã giúp cô dùng tiền tiết kiệm để mua vàng và các sản phẩm tài chính, chắc chắn sinh lời cao hơn cả gửi tiết kiệm”.
Cô Dư ngỡ ngàng với lời giải thích của ông Tôn, yêu cầu ông cung cấp chứng chỉ vàng và hợp đồng mua bán sản phẩm tài chính.
Giám đốc Tôn không thể đưa ra bất kỳ giấy tờ nào nên lại viết giấy cam kết, hứa với cô Dư sẽ trả lại tiền trong thời gian sớm nhất. Vài ngày sau, không thấy giám đốc ngân hàng liên lạc, người phụ nữ này quyết định báo cảnh sát địa phương.
Vị Giám đốc lừa đảo
Khi bị cảnh sát thẩm vấn, ban đầu giám đốc Tôn vẫn khẳng định đã dùng tiền của cô Dư mua sản phẩm tài chính và sẽ rút được tiền trong vài ngày tới. Tuy nhiên vì không có bằng chứng, người này phải khai nhận đã chiếm đoạt 13,1 triệu NDT vì mục đích cá nhân.
Trước đó, ông Tôn quan sát thấy những khách hàng gửi khoản tiền tiết kiệm lớn thường không rút ra trong vòng 3-5 năm và cũng không thường xuyên kiểm tra tài khoản. Như trường hợp của cô Dư, sau 4 năm cô chỉ đến ngân hàng gửi thêm tiền mà không rút, số tiền tích luỹ càng ngày càng lớn nên vị giám đốc sinh lòng tham.
Năm 2017, ông Tôn gặp gỡ một khách hàng họ Trần dự định gửi tiết kiệm 30 triệu NDT. Bên cạnh việc giới thiệu sản phẩm tài chính, vị giám đốc khuyên anh Trần nên giao tiền cho mình để quản lý và đầu tư hiệu quả hơn, tránh rủi ro.
Anh Trần đồng ý vì tin tưởng uy tín của giám đốc ngân hàng, tuy nhiên ông Tôn lại không dùng tiền đầu tư mà phung phí cho tiêu dùng, mua sắm. Khi bị phát hiện, ông Tôn bắt đầu biển thủ tiền từ các tài khoản khách hàng khác của ngân hàng, bao gồm 13,1 triệu NDT từ cô Dư để trả lại tiền cho anh Trần.
Vị Giám đốc chi nhánh ngân hàng ngay lập tức bị cảnh sát bắt giữ vì đã lạm dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tổng cộng 40 triệu NDT (138 tỷ đồng) của khách hàng. Cuối tháng 7/2021, ông Tôn bị kết án 19 năm tù, tài sản bị tịch thu để bồi thường cho các nạn nhân. Người đàn ông này đã đệ đơn kháng cáo nhưng bị bác bỏ, giữ nguyên mức án ban đầu.
Cảnh sát Trung Quốc nhắc nhở người muốn gửi tiết kiệm cần lựa chọn ngân hàng có uy tín, thường xuyên theo dõi số tiền trong các tài khoản để có biện pháp xử lý kịp thời, cảnh giác với các lời mời gọi mua bán sản phẩm tài chính không minh bạch tránh “tiền mất tật mang”.
Theo Toutiao
Nguồn: Sưu Tầm internet