Năm 2022, tại Tây An, Trung Quốc, bà Cai Xiuqin, một người phụ nữ lớn tuổi, đối mặt với hoàn cảnh khó khăn khi ngôi nhà gia đình mà bà đã sống suốt đời đột ngột bị buộc phải phá bỏ theo chính sách mới. Mặc dù đã được hỗ trợ tài chính đáng kể (tương đương gần 5 tỷ VNĐ) cho việc phá dỡ nhưng vấn đề chỗ ở của bà sau đó mới là điều đáng lo.
Khi đó, bà Cai đã bước qua tuổi 80. Dù vẫn còn mạnh khỏe, hai con trai của bà lo lắng khi nghĩ đến việc để mẹ sống một mình. Với lòng hiếu thảo, họ ngay lập tức muốn đón mẹ về nhà chăm sóc.
Tuy nhiên, bà Cai Xiuqin lại không hào hứng với ý tưởng này. Bà là người rất cởi mở và hiểu rõ sự khác biệt giữa các thế hệ cũng như thói quen sinh hoạt. Từ trước đến nay, bà luôn từ chối sống chung với con cái, ngay cả khi chồng bà qua đời hơn mười năm trước.
“Tôi vẫn còn di chuyển được, không cần ai chăm sóc cả. Tôi có thể tự mình lo liệu việc nhà đơn giản”, bà chia sẻ. “Tôi cảm thấy thoải mái khi sống một mình và rất thích tận hưởng khoảng thời gian của bản thân.”
Bà Cai tin rằng, ngay từ lúc con cái chào đời, chúng đã là những cá thể độc lập. Vai trò của người làm cha mẹ là chăm sóc và hướng dẫn, nhưng không nên kiểm soát cuộc sống của con hay gây phiền toái cho chúng. Vì vậy, bà chưa từng có ý định sống dựa dẫm vào con cái và không muốn trở thành gánh nặng cho con mình. Bà buộc phải tìm ra một giải pháp khác.
“Tôi sẽ đi tìm thuê nhà,” bà Cai quyết định. “Người trẻ thường thuê nhà, tại sao người già lại không thể? Chỉ cần tìm được căn nhà mình thích, tôi có thể tiếp tục trải qua một cuộc sống bình thường.”
Nhưng thực tế không đơn giản như vậy. Việc tìm được một căn nhà phù hợp cho người già đã khó, và ngay cả khi tìm được, không có chủ nhà nào sẵn lòng cho bà thuê. Họ e rằng nếu bà sử dụng nhà không đúng cách, căn nhà sẽ bị hư hỏng. Thêm vào đó, việc người già sống một mình cũng khiến nhiều người sợ hãi vì lo ngại về vấn đề an toàn.
Sau thời gian dài tìm kiếm nhưng không thành công, bà Cai buộc phải tìm đến giải pháp mà bà không mong muốn: vào viện dưỡng lão. Bà đi tham quan một số cơ sở nổi tiếng trong vùng nhưng cũng không cảm thấy ưng ý. Với tính cách độc lập và khao khát tự do, bà Cai khó lòng chấp nhận môi trường mà mọi hoạt động của người già đều bị ràng buộc bởi các quy định và thời gian biểu cứng nhắc.
Trước ngày ngôi nhà cũ bị phá dỡ, bà vẫn chưa tìm được nơi nào thích hợp để sống. Các nhân viên cộng đồng đã đề nghị đưa bà đến một khách sạn gần đó để thư giãn vài ngày. Điều bất ngờ là, chính tại khách sạn bình thường này, bà Cai lại cảm thấy an tâm.
Ban đầu, bà cũng chỉ coi khách sạn là nơi tạm trú, nhưng sau vài ngày sống ở đó, bà nhận ra mình không muốn rời đi. Các tiện ích tại khách sạn rất đầy đủ, còn có bữa sáng tự chọn hàng ngày. Quan trọng hơn, chi phí thuê phòng hàng tháng tại khách sạn cũng hợp lý không kém so với việc sống tại viện dưỡng lão.
Bà Cai vốn là một người sống giản dị và tiết kiệm suốt đời, chưa bao giờ nghĩ đến việc ở khách sạn lâu dài. Nhưng giờ đây, khi đã thử, bà thấy cuộc sống ở đó vô cùng thoải mái. Tại nhà, mỗi sáng bà phải tự dọn dẹp, gấp chăn và chuẩn bị bữa sáng. Nhưng ở khách sạn, nhân viên dọn dẹp lo liệu tất cả, còn bà chỉ việc ra khu vực ăn sáng và thưởng thức các món ăn ngon lành.
Dần dần, cuộc sống của bà trở nên đều đặn. Bà thức dậy sớm mỗi ngày, dành thời gian tập thể dục, đi dạo và tận hưởng không khí trong lành. Tại khu vực ăn sáng của khách sạn, bà có thể chọn từ nhiều món ăn khác nhau, từ bánh bao hấp, sữa đậu nành đến bánh mì và bánh ngọt kiểu phương Tây. Sau bữa sáng, bà trở về phòng và làm những việc mình thích, như xem tin tức, đọc tiểu thuyết trên điện thoại, xem video ngắn, trò chuyện với bạn bè, người thân…
Nếu xảy ra vấn đề gì, bà luôn có thể dễ dàng nhấc điện thoại lên và gọi cho lễ tân để tìm kiếm sự trợ giúp. Đây là một lợi thế tốt hơn hẳn so với việc thuê nhà bên ngoài.
Với thái độ sống tích cực, bà Cai rất chú trọng đến sức khỏe. Sau khi ngồi trước máy tính hoặc điện thoại một lúc, bà thường đứng dậy di chuyển và thậm chí thực hiện vài động tác giãn cơ. Vào các bữa chính trong ngày, bà sẽ đi ăn ở nhà hàng ngay trong khách sạn, hoặc gọi đồ ăn ngoài về phòng. Sau một tuần tạm trú, bà Cai đã hình thành thói quen sống đều đặn.
Bà chia sẻ với con trai: “Khách sạn tiện nghi hơn viện dưỡng lão và thoải mái hơn so với việc thuê nhà. Mẹ không muốn tìm nơi nào khác nữa, chỉ muốn sống ở đây mãi. Con thấy có khả thi không?”
Hai người con trai ban đầu cũng ít nhiều phản đối, nhưng chứng kiến cuộc sống của mẹ thật sự an nhàn, họ cũng quyết định thử trao đổi với quản lý khách sạn. Họ cũng đồng ý ký thỏa thuận miễn trừ trách nhiệm với khách sạn nên phía quản lý khách sạn đã đồng ý, thậm chí còn đưa ra mức giá ưu đãi dành riêng cho người già cùng gói dịch vụ thuê phòng theo tháng.
Với chi phí 5.000 NDT mỗi tháng, bao gồm chỗ ở, phí dọn dẹp và bữa sáng, bà Cai đã tìm thấy một giải pháp hợp lý và tiện lợi nhất cho tuổi già của mình. Số tiền đền bù được bà gửi vào tài khoản ngân hàng, dùng để đều đặn chi trả phí thuê khách sạn.
“Sau này, khi già yếu hơn, tôi mới tính toán phân chia khoản tiền còn lại. Hiện giờ, đó sẽ là tiền phòng thân để lo cho cuộc sống của tôi”, bà cho biết.
Có thể thấy, việc chăm sóc người cao tuổi ngày càng trở nên đa dạng hơn. Nhiều người già hoàn toàn có thể sống tự lập mà không cần phải phụ thuộc vào con cháu, hay bị ràng buộc trong các viện dưỡng lão.
*Nguồn: Sohu
Nguồn: Sưu Tầm internet