Trong 1 video được quay tại Phủ Thuận, Liêu Ninh (Trung Quốc), một ông bố nắm chân con gái treo ngược ra ngoài cửa sổ, đứa trẻ la khóc, hét lớn: “Bố, bố…”. Người đàn ông không quan tâm, chỉ tra hỏi: “Không đi tiểu trong nhà vệ sinh, lại đi tiểu ở trong nhà, mày làm sao vậy”. Nghe bố mắng, đứa bé càng khóc lớn, ông bố liên tục la không được làm ồn. Cứ thế, đứa trẻ bị treo ngược hai, ba phút, mãi khi bị nhiều người can ngăn, ông bố mới ngừng dọa dẫm con mình. Được biết, bé gái này sau đó phải đến phòng khám để được hỗ trợ tâm lý.
Một video khác ở Trung Quốc cũng quay lại cảnh đứa trẻ mắc lỗi, nhưng cách ứng xử sau đó lại vô cùng nhân văn. Trong đoạn clip, một cô bé vô tình làm gãy cây đàn violin và hét lên: “Mẹ, xong rồi!”.
Ngay khi cư dân mạng lo lắng đứa trẻ sẽ bị mắng thì một cảnh tượng cảm động xảy ra. Người mẹ bước tới, dịu dàng ôm lấy con gái, trầm giọng an ủi: “Không sao đâu, chúng ta sẽ tìm cách giải quyết vấn đề”. Đồng thời, người bố cũng đứng dậy, lặng lẽ kiểm tra cây đàn violin bị hỏng của con gái và tìm cách sửa chữa.
Cô bé phạm lỗi nằm trong vòng tay mẹ, cảm thấy vô cùng hối hận: “Nếu không sửa được thì sao ạ?”. Mẹ trả lời: “Không sửa được thì chỉ có thể thay thế. Con có bao nhiêu tiền riêng?”. Cô bé nói mà không cần suy nghĩ: “Hai hoặc ba ngàn tệ ạ”. Lúc này, người em bên cạnh cũng đứng dậy giơ tay nói: “Em tài trợ 20 tệ”. Ông nội còn hào phóng hơn, vẫy bàn tay to lớn lên tiếng: “Ông tài trợ cho 2 ngàn!”.
Trước phản ứng của cả nhà, cô bé vừa rồi còn đang tự trách mình đã vui vẻ trở lại, ngập tràn hạnh phúc và an tâm. Sự náo loạn được xoa dịu nhờ cả nhà đã chủ động quyên góp tiền.
Cuối cùng, sự việc còn mở ra một cái kết bất ngờ hơn: Bố sửa đàn được thật nên cả nhà uống trà sữa ăn mừng.
Cũng là một sai lầm, trong khi một số trẻ chỉ nhận về sự sợ hãi và đau đớn, những trẻ khác học được cách ân cần và khoan dung.
Cha mẹ và con cái, giống như một vòng luân hồi
Cha mẹ tốt đối với con cái sẽ nhận lại được sự đền đáp từ con cái; cha mẹ liên tục làm tổn thương con cái của mình sẽ phải nhận lại sự báo ứng từ chính mình. Những ông bố bạo lực nuôi nấng những đứa trẻ cũng dễ nổi nóng; những ông bố ích kỷ, lạnh lùng nuôi nấng những đứa trẻ cũng lạnh lùng, vô tâm.
Vụ án Tôn Hiểu Quốc từng gây xôn xao dư luận Trung Quốc. Năm 2019, Tôn Hiểu Quốc đã đánh người đến mức bị thương nặng và bị cơ quan công tố bắt giữ. Tuy nhiên, trong quá trình bắt giữ, nhân viên làm việc ngạc nhiên phát hiện ra rằng Tôn Hiểu Quốc đã bị kết án tử hình vào năm 1998.
Sau khi thông tin được công bố, vụ án đã gây ra một làn sóng lớn và những hành vi ác độc của Tôn Hiểu Quốc cũng liên tục bị phơi bày: Bắt giữ và hiếp dâm các cô gái trẻ, một trong số đó chưa đầy 14 tuổi; giam giữ trái phép và ngược đãi, nhục mạ hai phụ nữ vị thành niên, bắt họ cắn vào mép bàn cà phê và liên tục dùng chân đá vào đầu họ, ra lệnh cho đồng bọn đánh họ cho đến khi họ không còn nhận ra được nữa.
Nhưng chính kẻ quỷ dữ này, lại thoát khỏi hình phạt của pháp luật nhiều lần nhờ sự thao túng của mẹ và cha dượng. Khi sự thật dần được hé lộ, mọi người mới nhận ra hạt giống tội lỗi đã được gieo từ khi Tôn Hiểu Quốc còn nhỏ.
Cha Tôn Hiểu Quốc luôn uống rượu và đánh mẹ con họ khi say. Cho đến khi Tôn Hiểu Quốc năm tuổi, mẹ anh ta ly hôn. Trong mười năm tiếp theo, Tôn Hiểu Quốc sống với cha và thường xuyên bị đánh. Khi được mẹ nhận nuôi lại, Tôn Hiểu Quốc đã kế thừa sự tàn nhẫn từ cha và trở thành một thiếu niên có tính cách kỳ quái và hung hãn.
Tuy nhiên, mẹ anh ta không những không giáo dục nghiêm khắc mà còn nuông chiều. Cuối cùng, bà đã đưa con trai mình đến bước đường cùng.
Yêu con là bản năng của cha mẹ, nhưng giáo dục con lại là sự tu tập. Đừng đợi đến khi con cái kế thừa tất cả những khuyết điểm và cuộc sống già nua của bạn trở nên ảm đạm, mới hối hận rằng bạn không thể chỉ đường cho con cái đi đúng hướng.
Trong giáo dục học có một khái niệm gọi là “giai đoạn xi măng ẩm”. Điều này ám chỉ giai đoạn từ 3-6 tuổi của một người, khi 85% tính cách, thói quen và cách hành xử của trẻ có thể được hình thành tốt trong giai đoạn này. Khi trẻ từ 7-12 tuổi, chúng bước vào “giai đoạn xi măng đang cứng lại”. Lúc này, tính cách, thói quen và cách hành xử của trẻ cơ bản đã được hình thành và ít có khả năng thay đổi lớn sau này.
Một số bậc cha mẹ luôn nghĩ rằng trẻ nhỏ không cần phải quản lý, và khi trẻ lớn lên sẽ tự biết điều. Họ quên mất rằng, giáo dục là một quá trình nhân quả. Khi trẻ còn nhỏ, bạn không dạy cho chúng biết đúng sai, và khi chúng lớn lên, những giáo dục đã bỏ lỡ đó sẽ trở thành cơn báo thù mà bạn không thể trốn tránh.
Tại sao nhiều bậc cha mẹ dù yêu con như mạng nhưng con cái lại không hề biết ơn, một số thậm chí còn hận cha mẹ đến tận xương tuỷ? Câu trả lời thực sự rất đơn giản: Cha mẹ và thức ăn giống nhau, đều có “hạn sử dụng”. Một khi “hết hạn”, cha mẹ không chỉ mất quyền giáo dục con cái mà còn bị con cái lãng quên, thậm chí ghét bỏ.
Giáo sư Lý Mai Cẩn, người đã dành nhiều năm nghiên cứu về vấn đề tâm lý của thanh thiếu niên, tin rằng vấn đề tâm lý của con người có tính chất trì hoãn. Trẻ em gặp vấn đề không phải vì cha mẹ đã làm sai điều gì vào thời điểm đó, mà vì nhiều năm trước, cha mẹ đã sử dụng cách dạy con sai lầm và bây giờ đang phải chịu đựng hậu quả.
Có những cách nuôi dạy gây hại cho con cái:
1. Làm cho đứa trẻ cảm thấy mình vô dụng và không được ai đánh giá cao: Ví dụ như chê con học không giỏi, ngoại hình xấu, không giỏi làm việc nhà, bất cẩn và khiến gia đình phải đau khổ vì mình…
2. Thường dùng người “tốt hơn” mình để kích thích con: Cha mẹ luôn so sánh, hạ thấp con so với người khác.
3. Đóng vai nạn nhân: “Kể từ khi có cpn, mẹ thậm chí còn chưa xem một bộ phim nào”; “Nếu không phải chăm sóc cho con, mẹ đã tiến bộ rất nhiều trong sự nghiệp của tôi”. Điều này sẽ khiến đứa trẻ cảm thấy tội lỗi, và người cảm thấy tội lỗi thường sẽ dành phần đời còn lại của mình để tự chuốc lấy thất bại.
4. Làm con xấu hổ ở nơi công cộng: Đây là con át chủ bài để hủy hoại con bạn.
5. Nuông chiều con vô lối: Trẻ em cần được chăm sóc và quan tâm để phát triển. Nhưng đôi khi, cha mẹ cưng chiều con quá mức, muốn thỏa mãn con vô điều kiện, con muốn sao trên trời, cha mẹ cũng sẽ tìm mọi cách để hái được. Cha mẹ nuông chiều thái quá có thể khiến trẻ hình thành tính cách ích kỷ, không biết nghe lời và có nhiều hành vi tiêu cực.
Nếu hiện tại bạn đang đau đầu vì những vấn đề của con, có thể kiểm tra xem liệu trước đây bạn có từng rơi vào trường hợp nào ở trên hay không. Tìm ra nguyên nhân không phải là lên án chính mình mà là tìm ra chìa khóa để sửa chữa.
Hy vọng rằng mỗi ngày trong tương lai, chúng ta có thể đối xử với con mình với sự kiên nhẫn giống như lúc con còn là trẻ sơ sinh. Hãy để trẻ lớn lên thành một người tự tin, tỏa nắng, và hãy để mình có một tuổi già hạnh phúc.
Nguồn: Sưu Tầm internet