Mùa hè năm 2015, sau 4 năm học tập tại ĐH Vũ Hán (Trung Quốc), nam sinh Trương Bằng phát hiện bản thân không có trong danh sách sinh viên trường. Anh tìm cách liên lạc với “cố vấn học tập” tên Vương Kiệt nhưng người này đã tắt máy. Phòng Đào tạo cho biết trong trường cũng không có cố vấn học tập nào tên như vậy. Chuyện gì đã xảy ra với nam sinh này?
Tuyển sinh “hệ đặc biệt”
Năm 2011, Trương Bằng và gia đình nhận điểm thi ĐH chỉ đủ theo học một trường cao đẳng. Nam sinh đối mặt với lựa chọn nhập học một trường bình thường hoặc học thêm 1 năm để thi lại. Bố Trương Bằng chợt nảy ra ý định nhờ đến các mối quan hệ xung quanh để con đi học ĐH bằng mọi giá.
Người thân đã giới thiệu cho gia đình họ một “giảng viên” từ ĐH Vũ Hán, ngôi trường nằm trong top 10 Trung Quốc, thuộc dự án trọng điểm quốc gia 985. Người này cho biết chỉ cần bỏ ra 150.000 NDT (520 triệu đồng) là Trương Bằng có thể theo học chương trình chính quy, bằng tốt nghiệp do chính trường cấp.
Cha Trương Bằng thanh toán tiền xong, nửa tháng sau họ nhận giấy báo nhập học ngành Tài chính của trường. Tháng 9/2011, Trương Bằng đến ĐH Vũ Hán nhập học, gặp cố vấn học tập Vương Kiệt và 6 người bạn khác.
Vương Kiệt nhấn mạnh với những nam sinh này không được tiết lộ cho người khác biết cách họ được nhận vào trường, đồng thời yêu cầu thanh toán học phí. Học phí tại ĐH công lập thời điểm này khoảng 5.000 – 6.000 NDT/năm (17-20 triệu đồng) nhưng Trương Bằng và các bạn phải trả 18.500 NDT/năm (64 triệu đồng) cho học phí và chỗ ở. Cố vấn học tập giải thích vì họ được tuyển sinh theo “kênh đặc biệt” nên học phí đắt hơn sinh viên bình thường.
Kỳ quân sự sau khi nhập học, nhóm sinh viên này cũng không học chung cùng cả trường mà được gửi đến vùng ngoại ô để huấn luyện cá nhân. Đến buổi học đầu tiên, Trương Bằng và các bạn đến lớp từ sớm nhưng suốt cả buổi đều không nghe thấy giảng viên điểm danh hay gọi tên mình phát biểu.“Tên các em không có trong danh sách của tôi. Các em có thể hỏi cố vấn học tập sau giờ học”, giảng viên bộ môn nói.
Vương Kiệt tiếp tục giải thích việc nhóm của Trương Bằng được nhận vào trường theo “kênh đặc biệt” nên không có tên trong danh sách, tuy nhiên họ vẫn có thể tham gia các lớp học và tốt nghiệp đúng hạn.
Trương Bằng và các bạn cũng không có thẻ sinh viên nên không thể dùng căng tin và thư viện. Trong các kỳ thi, nhóm sinh viên này phải làm bài trong một phòng riêng và một thời gian sau cũng phải dọn khỏi KTX. Họ cảm thấy bất lực vì không nhận được sự hỗ trợ từ cố vấn học tập, nhưng chỉ có thể thỏa hiệp vì gia đình họ đã mất một khoản tiền không nhỏ để nhập học ĐH Vũ Hán.
Sự thật sau 4 năm học “chui”
Đến thời gian sinh viên bận rộn chuẩn bị khóa luận tốt nghiệp, Trương Bằng lại “rảnh rỗi” đến bất ngờ vì không có ai thông báo cho cậu giảng viên hướng dẫn. Đứng trước nguy cơ không thể tốt nghiệp, cố gắng 4 năm học sẽ thành vô nghĩa nên Trương Bằng quyết định không hỏi cố vấn học tập Vương Kiệt nữa mà lên thẳng văn phòng khoa để hỏi thông tin.
Giảng viên trực văn phòng khoa cho biết tên hay kết quả học tập của Trương Bằng không được ghi nhận trên hệ thống của khoa hay ĐH Vũ Hán. “Điều này có nghĩa chúng tôi chưa từng nhận sinh viên nào có thông tin như em mô tả”, giảng viên này nói. Phòng Đào tạo cho biết ĐH Vũ Hán cũng không có cố vấn học tập nào tên Vương Kiệt.
Trương Bằng kể lại cho những người bạn cùng được “tuyển sinh hệ đặc biệt”. Họ cũng lâm vào tình cảnh tương tự khi kiểm tra thông tin tại văn phòng khoa. Nhóm sinh viên này vội báo với phụ huynh, đem giấy báo nhập học họ nhận được lên phòng tuyển sinh.
Nghe Giám đốc Văn phòng Tuyển sinh ĐH Vũ Hán nói giấy báo nhập học của họ là giả, nhóm phụ huynh này bàng hoàng, ngay lập tức báo cảnh sát. Lực lượng chức năng nhanh chóng bắt được “cố vấn học tập” Vương Kiệt và đồng bọn.
Nhóm tội phạm đã hối lộ nhân viên bảo vệ KTX để cung cấp phòng trống tạm thời, sau đó lợi dụng kẽ hở trong việc quản lý sinh viên để nhận tiền, đưa các sinh viên giả vào trường. Tổng cộng 32 sinh viên đã bị lừa theo cách thức tương tự.
ĐH Vũ Hán giải thích môi trường ĐH mang tính mở, sinh viên các ngành, khoa khác nhau có thể vào học chung một lớp, chưa kể sinh viên trao đổi, học lại nên giảng viên không thể kiểm soát chặt chẽ sĩ số. Nhà trường cũng chưa từng công nhận kết quả học tập của nhóm sinh viên học “chui” nên không thể xét tốt nghiệp cho Trương Bằng và các bạn.
Không có thông tin liên quan đến Trương Bằng và nhóm bạn sau vụ việc. ĐH Vũ Hán và cảnh sát Trung Quốc lên tiếng cảnh báo phụ huynh không tin theo lời chào mời về phương thức tuyển sinh “đặc biệt”, tránh tiền mất tật mang, lãng phí công sức học tập của sinh viên và tiền bạc của gia đình.
Nguồn: Sưu Tầm internet