Có một video trên mạng kể về cậu bé 9 tuổi ở Trung Quốc phải chăm sóc người cha nằm liệt giường. Mẹ cậu bé đã qua đời do một tai nạn, kể từ đó trách nhiệm chăm sóc cha và mọi thứ đều đổ dồn lên vai cậu bé.
Mặc dù cuộc sống khó khăn như vậy nhưng cậu bé không phàn nàn, mỗi ngày trên đường đi học về đều đi lượm ve chai để kiếm chút tiền rau cháo qua ngày. Cậu phải tự nấu ăn, giặt giũ, tắm rửa cho cha mình.
Khi được phóng viên hỏi “mỗi ngày đi học và chăm sóc cha như vậy có mệt không“. Câu trả lời của cậu bé khiến mọi người bất ngờ: “Con không mệt. Đây là cách mà cha mẹ con đã chăm sóc ông bà con trước đây“.
Chỉ một câu nói của cậu bé đã lột tả được tấm lòng hiếu thảo mà cậu được thừa hưởng từ cha mẹ mình.
Từ xưa đến nay, chữ hiếu luôn là một trong những tiêu chuẩn quan trọng để đo lường đạo đức, nhân cách con người. Con cái có thể không thành công theo cách cha mẹ kỳ vọng nhưng chúng nhất định cần được dạy dỗ để trở thành một người hiếu thảo.
Trên thực tế, một đứa trẻ luôn lấy chữ hiếu đặt lên đầu tiên sẽ thường xuyên nói 3 câu dưới đây trong cuộc sống hàng ngày. Đó là một điều rất phúc đức đối với cha mẹ.
1. “Con cảm ơn cha/mẹ”
Cảm ơn hay xin lỗi là phép tắc tối thiểu mà bất kỳ cha mẹ nào cũng phải dạy con mình biết trước tiên. Tuy nhiên, thực tế thì không có nhiều trẻ nói “cảm ơn” với cha mẹ mình.
Lý do thực ra rất đơn giản.
Kể từ khi con chào đời, cha mẹ sẽ làm tất cả mọi thứ để đảm bảo con mình có điều kiện sống tốt nhất. Điều này khiến trẻ hiểu lầm rằng, những gì cha mẹ làm cho mình là chuyện hiển nhiên. Vì thế, việc nói “cảm ơn” với cha mẹ là không cần thiết.
Tuy nhiên, đằng sau lời nói cảm ơn mà con cái dành cho cha mẹ mình lại có ý nghĩa rất quan trọng, đó là sự biết ơn mà trẻ đã nhìn thấy về những gì cha mẹ đã làm cho mình.
Nếu một đứa trẻ có khả năng suy nghĩ đứng từ góc độ của người khác, chúng sẽ không tận hưởng mọi thứ cha mẹ dành cho mình mà cảm nhận được sự vất vả của cha mẹ. Một đứa trẻ như vậy không thể nào là người con bất hiếu được.
2. “Cha/mẹ rất tuyệt”
Nếu được con cái coi mình là thần tượng, có lẽ cha mẹ nào cũng đều rất tự hào và vui sướng. Khi trẻ còn nhỏ, nếu chúng thường xuyên nói “cha/mẹ rất tuyệt”, điều đó cho thấy trẻ cảm thấy may mắn và hạnh phúc khi được sinh ra trong gia đình này.
Đây là một kiểu thừa nhận và khẳng định, nó cũng cho thấy trẻ được nuôi dưỡng trong môi trường gia đình lành mạnh, có được sự phát triển tốt, mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái vô cùng tốt đẹp.
Những đứa trẻ thường khen ngợi, tự hào về cha mẹ trước mặt người khác thường có tấm lòng biết ơn. Nói cách khác, chúng sẽ rất hiếu thảo và nhạy cảm.
Pang Zhongwang là một nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Thanh Hoa, Trung Quốc. Anh từng gây sốt khi thi đại học được 744/750 điểm. Tuy nhiên, hoàn cảnh gia đình của anh khiến người ta rất xót xa.
Bố anh bị bệnh tâm thần, mẹ ngồi xe lăn quanh năm, nhà nghèo đến nỗi không có một cái bàn mà chỉ có 2 chiếc giường. Mặc dù sinh ra trong điều kiện nghèo khó nhưng điều đó không ngăn cản việc học của anh.
Sau khi có kết quả thi đại học cao ngất ngưỡng, anh trả lời trong một cuộc phỏng vấn rằng: “Tôi chưa bao giờ cảm thấy có điều gì mà mình không thể làm được. Tôi không chê trách gì gia đình, không nghĩ cha mẹ sẽ làm mình xấu hổ. Ngược lại, tôi nghĩ mọi người có thể sẽ ghen tị vì mình có một gia đình hạnh phúc“.
Những đứa trẻ sống biết ơn thường nhìn thấy được sự kiên trì, hy sinh của cha mẹ, nhờ đó chúng có khả năng cảm nhận được hạnh phúc nhiều hơn.
3. “Cha/mẹ ơi, con kể cho cha mẹ nghe nhé, hôm nay…”
Là cha mẹ, nếu muốn đánh giá con mình có hiếu thảo hay không, điều quan trọng nhất là xem con mình có thích nói chuyện với cha mẹ hay không.
Thông thường, nếu mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái hòa thuận, dù có bao nhiêu tuổi con cái vẫn như một đứa trẻ, thích kể chuyện cho cha mẹ nghe.
Khi trẻ tin tưởng vào cha mẹ mình, chúng sẽ thoải mái và cảm thấy dễ chịu khi ở bên cạnh cha mẹ. Đặc biệt, trẻ nói rất nhiều, kể mọi thứ cho cha mẹ nghe.
Có một chàng trai phàn nàn về bạn cùng phòng của mình, bởi tối nào cậu cũng thấy bạn mình gọi điện “tám” với cha mẹ. Lúc đầu, cậu nghĩ bạn mình thuộc kiểu người “bám váy mẹ”. Sau này, khi không nhịn được nữa, cậu hỏi: “Ngày nào bạn cũng gọi về cho cha mẹ, không thấy phiền sao“.
Người bạn này đáp: “Cha mẹ mình cả đời sống ở quê, chưa từng đi học, nếu mình kể những gì mình được thấy ở trường, họ sẽ rất vui. Quan trọng hơn, nếu mình gọi điện cho họ mỗi ngày, họ sẽ không còn lo lắng nữa“.
Sau khi nghe xong những lời này, cậu chợt cảm thấy xấu hổ về bản thân mình, bởi vì cậu hiếm khi gọi điện nói chuyện với cha mẹ.
Hóa ra việc nói chuyện với cha mẹ thường xuyên thực chất là một kiểu tình yêu thương và sự biết ơn sâu sắc. Hãy thử tưởng tượng, nếu một đứa con xa nhà hiếm khi gọi điện cho cha mẹ, hay một đứa con không nhớ gì về ngày sinh nhật cha mẹ mình, một người như vậy liệu có hiếu thảo với cha mẹ?
Những đứa con có tấm lòng hiếu thảo sẽ luôn đặt cha mẹ là ưu tiên hàng đầu của mình, có gì ngon sẽ nghĩ tới cha mẹ, có gì vui đều muốn chia sẻ với cha mẹ.
Nếu nuôi dạy được một đứa con biết suy nghĩ như vậy, dù vất vả đến mấy cha mẹ cũng cảm thấy hạnh phúc.
Nguồn: Sưu Tầm internet