Và trong một cảnh phim tràn đầy khoái lạc nhưng cũng rất mực điên rồ, họ lần lượt hôn nàng, bị nàng cuốn vào trong chiêu trò đùa nghịch của mình để rồi cuối cùng hai chàng thấy mình đang… hôn nhau.
Challengers là một bàn tiệc xa xỉ của tuổi trẻ
Cảnh phim được bàn tán rộng rãi ấy của Challengers, bộ phim tình cảm mới nhất của nhà làm phim người Ý Luca Guadagnino, người từng thực hiện Call me by your name, diễn ra trên nền ca khúc Uncle ACE của Blood Orange, một ca khúc dành cho những người đồng tính vô gia cư, bị gia đình ruồng bỏ ở New York.
Cũng giống như hiện tượng Call me by your name năm ấy, Challengers là một bàn tiệc xa xỉ của tuổi trẻ, của khao khát, của cảm hứng tình dục, của ánh nắng, và cả của âm nhạc nữa.
CHALLENGERS | Official Trailer 2
Nếu như ngày đó người ta không hiểu làm cách nào mà Luca Guadagnino có thể bê cả những bản nhạc cổ điển dưới ngón đàn của nghệ sĩ dương cầm Valeria Szervanszky người Hungary trộn với những bản nhạc pop thiếu niên thập niên 80 để làm thành soundtrack đầy hoài cổ cho cuộc tình giữa cậu bé 17 tuổi và người trợ lý của cha;
Thì đến Challengers, ta cũng không hiểu làm cách nào mà bộ phim có thể suôn sẻ nhảy cóc từ những bản nhạc thế kỷ 17 của Henry Purcell nhằm tụng ca ngày sinh thần của Nữ hoàng Anh, đến những bản nhạc dân ca Xứ Wales gợi ra sự cô đơn của con người giữa mây nước rộng dài;
Đến những bản nhạc techno, EDM xập xình và sống động của hai nhà soạn nhạc phim Trent Reznor và Atticus Ross, đến những ca khúc đến từ những làn sóng LGBTQ ngầm trong lòng các thành phố lớn.
Từ những trang tin về nhạc cổ điển đến những trang tin nghiêng về âm nhạc indie trên thế giới đều có dịp phân tích rôm rả về soundtrack của Challengers.
Sự đồng bóng, khó lường và đa nhân cách trong soundtrack của Challengers ăn khớp tuyệt vời với câu chuyện tình tay ba rắc rối mà sau rốt, ta không biết ai mới là người thứ ba – là một trong hai chàng trai chen vào chuyện tình của thằng bạn chí cốt, hay chính là cô nàng xinh đẹp tham vọng đã chen vào tình cảm tri giao giữa hai người đàn ông.
Cách mà những bản nhạc với nhịp độ, tiết tấu và thể loại khác nhau một trời một vực lần lượt diễu hành trong bộ phim làm ta liên tưởng tới những cú trả giao bóng giằng co, quyết liệt, tranh nhau từng điểm một giữa hai người bạn từng thân trong trận chung kết của một giải quần vợt hạng bét.
Trong trận chung kết ấy, một người từng vô địch hàng tá Grand Slam nhưng nay đang xuống dốc, những tưởng sẽ dễ dàng qua mặt cậu bạn vốn tiềm năng hơn, nhưng kết cục lãng phí tài năng của mình, xếp hạng ngoài 200 thế giới, ngụp lặn trong những giải đấu vớ vẩn. Vậy mà không.
Cả hai cân tài cân sức và cống hiến một trận đấu mãn nhãn.
Từng track nhạc đều tuyệt vời
Ta cũng thấy chính điều đó trong âm nhạc của Challengers. Không thể đo đếm độ hay của từng bài bằng danh tiếng của tác giả.
Từng track nhạc đều tuyệt vời, dù đó là một ca khúc của nhà soạn nhạc vĩ đại thế kỷ 20 như Benjamin Britten vang lên trong đêm trước ngày diễn ra trận đấu định mệnh;
Hay đó là bản nhạc EDM dồn dập, khiêu khích, ồn ào và rầm rĩ vang lên khi hai người bạn thân lần đầu nói chuyện sau nhiều năm khi cả hai đang trần trùng trục nằm xông hơi.
Dù là một ca khúc của huyền thoại nhạc đại chúng như David Bowie hay ca khúc của một ban nhạc ít ai còn nhắc tới như Fine Young Cannibals, tất cả đều được đặt đúng chỗ và vì thế đều gây phấn khích.
Việc lựa chọn những ca khúc ít được biết tới, ngay cả với những nghệ sĩ nổi tiếng thì Luca Guadagnino cũng cố tình chọn những nhạc phẩm ít nổi tiếng của họ, cũng vừa vặn với câu chuyện về một giải đấu bên lề.
Âm nhạc hay có ở khắp mọi nơi, cũng như những trận đấu quần vợt hay, chỉ là ta không để ý tới sự tồn tại nhỏ nhắn của chúng.
Và nếu như cái ôm chầm lấy nhau của hai tay vợt trong cú đập bóng cuối cùng kết thúc trận đấu là sự chiến thắng tuyệt đối của tình bạn và quần vợt, thì Challengers cũng là một chiến thắng tuyệt đối cho âm nhạc.
“Games. Set. Match” – như các trọng tài vẫn thường hô khi điểm số cuối cùng đã định. Trận đấu kết thúc. Thể thao đã thắng, tình bạn đã thắng và âm nhạc đã thắng.Hiền Trang