Lý do đơn giản là dự án phim kinh dị sinh tồn Móng vuốt bị coi là quá khó thực hiện so với thị trường phim Việt Nam.
Sau mấy năm sản xuất, hoãn chiếu hai năm để làm kỹ xảo, kinh phí đội lên rất cao. Theo quan sát về giá trị sản xuất (từ buổi công chiếu phim tối 4-6 tại TP.HCM), kinh phí Móng vuốt thuộc dạng cao vượt trội trong điện ảnh Việt, có thể so với Đất rừng phương Nam, Em và Trịnh.
Do kỹ xảo là yếu tố sống còn của phim, cách đây gần một năm, vẫn có những dự báo hoài nghi cho rằng Móng vuốt sẽ là phim dở.
Kỹ thuật sản xuất phim vượt trội ở điện ảnh Việt
Phim kể về gấu tấn công người trong rừng sâu. Toàn bộ câu chuyện chỉ diễn ra trong vòng một ngày, tập trung vào đêm sinh tồn khi nhóm bạn trẻ căng thẳng giành giật sự sống.
Có nhiều cảnh đẫm máu, rùng rợn so với mặt bằng chung phim Việt. Những bộ phận cơ thể bị cào toác hoặc đứt lìa. Nhưng cũng có những cảnh xúc động khi cả người và gấu đều gánh chịu mất mát.
Hình ảnh con gấu Mật hầu như xuất hiện xuyên suốt cả phim, do diễn viên mặc đồ xám thể hiện, không được phép “giả trân” nếu không sẽ phá hỏng cảm xúc của khán giả.
Hậu trường làm kỹ xảo phim Móng vuốt – Video: ĐPCC
Gấu Mật có gương mặt đầy sẹo do bị những kẻ ác thường xuyên đặt bẫy, tấn công nhằm bắt giữ nó. Ê kíp làm kỹ xảo phải tính đến chuyện màu sẹo, chỗ trụi lông sao để khán giả cảm nhận đây là con thú thật.
Yêu cầu của đạo diễn Lê Thanh Sơn là làm sao để “khi con gấu vừa xuất hiện là một câu chuyện quá khứ hiện ra ngay”.
Kết quả ra sao? Không hẳn vậy vì khi con gấu xuất hiện thì người xem còn bận hồi hộp, và cũng do bối cảnh trời tối.
Nhưng sau những tình tiết, câu thoại cho thấy sự săn đuổi của kẻ ác, người xem đoán được quá khứ đáng thương của con gấu.
Không chỉ có kỹ xảo con gấu, phim còn sử dụng kỹ xảo trong nhiều cảnh, đặc biệt là bối cảnh chính – khi nhóm bạn dừng xe bên bờ vực trên đỉnh núi cao để nhìn xuống một hồ nước tuyệt đẹp.
Cảnh nhân vật Sơn (Gi A Nguyễn) đu dây trèo xuống vực được nhiều người khen ngợi, được làm theo phương án nửa thực tế, nửa kỹ xảo.
Lê Thanh Sơn nâng độ khó cho ê kíp kỹ xảo khi làm cú máy quay 180 độ, từ dưới chân Gi A Nguyễn xoay lên đầu để thấy cả đáy vực đến bầu trời sau lưng nhân vật.
Trong cảnh này, sương mù, độ dốc, độ cao, độ sâu của vực, hay mây ngoài xa đều là kỹ xảo.
Đoàn phim cũng áp dụng phương pháp quay phim hiện đại của thế giới là dựa trên previs (thay vì storyboard). Đây là cách quay hình dung, mô phỏng trước một sự việc bằng những chuyển động hình ảnh.
Để chuẩn bị cho phương pháp này, ê kíp mất đến một tháng nhưng bù lại mỗi shot quay đều được hình dung sẵn, giúp diễn viên dễ diễn hơn và tiết kiệm rất nhiều thời gian, công sức, cũng dễ làm kỹ xảo hơn.
Móng vuốt – cột mốc mới của dòng phim sinh tồn Việt
Kết quả của tất cả công sức kể trên là gì?
Dù cho sản xuất với trình độ nào, điều quan trọng nhất của điện ảnh là cảm xúc mang lại cho khán giả. Với thành quả cuối cùng, Móng vuốt chứng minh được tâm huyết của đội ngũ thực hiện.
Phim khiến người xem tin, bị cuốn theo, hồi hộp, sợ hãi, hy vọng, vài lúc lắng đọng và xúc động… dù ban đầu còn ngờ ngợ: “Tại sao nhóm bạn trẻ trung, xinh đẹp này lại ngu ngốc đâm đầu vào khu rừng cấm để rồi gặp nguy hiểm chết người như vậy?”.
Câu trả lời rất muôn thuở cho dòng phim sinh tồn: nếu họ không làm vậy, đã chẳng có bộ phim nào.
Trên thế giới, dạng phim này rất quen thuộc: một nhóm người nhỏ bị dồn vào không gian mắc kẹt, chỉ có một lối ra duy nhất nhưng bị một thế lực nguy hiểm (con gấu) chắn giữ, bị tấn công nhiều đợt đến nỗi lần lượt từng người bỏ mạng một cách thảm thương.
Nhóm bạn cũng có lối sống khá Tây, ăn mặc sành điệu, xăm trổ, mê nhạc rock, đi chiếc Volkswagen màu vàng tự lái.
Về lối sống, nhóm không bừa bãi mà rất chung thủy, nặng tình.
Mỗi đôi tình nhân đều có câu chuyện, nỗi niềm riêng, dù không thể khai thác sâu như phim tâm lý nhưng khá dễ thương khi gài cắm qua những câu thoại lúc hài hước, lúc cảm động và đều rất ngắn gọn.
Ở Việt Nam, câu chuyện kiểu này sẽ gây cảm giác hơi Tây, “không được Việt Nam lắm” – nhưng đây cũng chính là cảm giác mà Em chưa 18 (năm 2017) của Lê Thanh Sơn từng mang lại.
Em chưa 18 (cũng là của bộ đôi biên kịch – đạo diễn Trần Khánh Hoàng và Lê Thanh Sơn) vẫn thành công do quá duyên dáng, độc đáo với điện ảnh Việt khi đó.
Vậy với Móng vuốt – cũng khá duyên dáng và độc đáo với điện ảnh Việt hiện nay – cả hai có thành công lần nữa hay không?
Câu trả lời sẽ có khi phim khởi chiếu từ 7-6, có các suất chiếu sớm từ 5-6.