Ra rạp ngày thứ 5, phim hiện thu về hơn 1 tỉ đồng doanh thu phòng vé (theo boxofficevietnam).
Bộ phim Án mạng lầu 4 được đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn làm lại từ kịch bản phim Melbourne của Iran, kể về đôi vợ chồng trẻ chuẩn bị đi Canada để lao động và định cư thì phát hiện đứa bé được gửi ở nhà họ đột tử.
Chìa khóa của phim không phải là những cú twist mà cần bầu không khí hồi hộp, căng thẳng, nghẹt thở từ đầu đến cuối thông qua diễn xuất. Nhưng phim không làm được.
Dồn nhân vật cô độc vào chân tường
Giữa lúc tất bật dọn nhà để chuẩn bị bay đi Canada vào buổi tối, đôi vợ chồng Thắng (Trương Thế Vinh) và Đình Đình (Lương Bích Hữu) vẫn chấp nhận yêu cầu từ một phụ nữ lạ mặt – mà họ cho là người giúp việc nhà hàng xóm – là gửi nhờ đứa bé chỉ mới ít tháng tuổi.
Chuyến đi Canada này là “một đi không trở lại”. Thắng ôm mộng làm việc, định cư và đổi đời, không quay lại Việt Nam.
Đôi vợ chồng sốt ruột đợi người đón đứa bé.
Sự chờ đợi vốn đã khó chịu, rồi Thắng phát hiện ra sự thật kinh hoàng: đứa bé đã tắt thở từ lúc nào.
Bộ phim đi theo mô típ phim thriller quen thuộc và khá thu hút của phương Tây lâu nay: bối cảnh không gian, thời gian đều rất chật hẹp như dồn nhân vật vào chân tường.
Họ phải cô độc đối mặt với một hoàn cảnh ngặt nghèo, bị “tấn công” liên tục bởi những tình huống nguy hiểm nên phải đấu tranh vì sự sống còn của bản thân.
Hình ảnh trên poster phim với hai vợ chồng Thắng – Đình Đình bị hút chân không thể hiện ý đồ “hút cạn sự sống” này.
Trong vỏn vẹn buổi chiều cuối cùng ở Việt Nam và gói gọn trong một căn hộ chung cư cũ, hai vợ chồng liên tục phải tiếp vô số vị khách khiến họ phải căng não nghĩ cách che giấu đứa bé.
Các vị khách đó là bố đứa bé – người hàng xóm chưa từng giao thiệp, rồi mẹ đứa bé, người thanh lý nội thất, mẹ Thắng, chị Đình Đình…
Mỗi lúc hai vợ chồng tưởng như sắp để lộ sự việc, lại có một bước ngoặt khiến họ vẫn giữ được bí mật.
Tuy nhiên, “căng thẳng” hay “nghẹt thở” chỉ dừng lại ở mong muốn. Trên thực tế, phim không tạo được không khí đó bởi diễn xuất đều ở lưng chừng của tất cả diễn viên.
Khoảng 30 phút đầu phim, Lương Bích Hữu và Trương Thế Vinh chưa thực sự nhập vai, đặc biệt là Lương Bích Hữu với biểu cảm gượng gạo trong những cảnh quan trọng.
Về sau, cặp diễn viên chính hòa nhập tốt hơn, Lương Bích Hữu có cảnh hát ru bằng tiếng Hoa khá xúc động nhưng vẫn là chưa đủ với kịch bản nặng về tâm lý nhân vật như vậy.
Hỏng vì phi logic và Việt hóa chưa tốt
Kể cả khi diễn xuất trong phim có tốt, có tạo được không khí kịch tính thì Án mạng lầu 4 vẫn không thuyết phục vì nhân vật liên tục đưa ra nhiều quyết định khó hiểu và phi logic từ đầu đến giữa phim.
Đôi vợ chồng chất vấn nhau vì sao lại nhận trông em bé cho một người xa lạ, giữa lúc “nước sôi lửa bỏng” sắp đi nước ngoài.
Nhưng đó cũng là điều khán giả muốn chất vấn nhà làm phim, họ không thể nuốt trôi tình tiết đó dù phim cố gắng giải thích.
Có nhiều khoảnh khắc khác khiến khán giả bị kéo tuột khỏi bộ phim.
Đó là mỗi khi các tình huống tạo căng thẳng bắt đầu lặp đi lặp lại mà diễn xuất không hề đẩy được mức độ căng thẳng lên.
Đó là mỗi khi một nhân vật diễn yếu, gượng gạo, nhả hàng tràng thoại thừa thãi; mỗi khi một nhân vật để lộ tâm lý khiên cưỡng…
Dàn nhân vật phụ có quá nhiều thoại nên đâm thừa thãi.
Khi một bé gái phát hiện ra em bé trên giường, bé khóc và chạy ra báo cho mẹ, người mẹ nhất định không tin con và liên tục hỏi “Em bé đâu, em bé nào”.
Khi hai vợ chồng ngồi ăn cùng hàng xóm, câu chuyện cả buổi cứ xoay quanh việc người Việt định cư nước ngoài vất vả, khổ sở như thế nào với nhiều câu thoại na ná nhau.
Rapper Blacka diễn xuất rất non nhưng lại được giao quá nhiều thoại và vài cảnh phim dài không cần thiết nên khiến nhiều khán giả “buông” phim từ lúc anh xuất hiện.
Dù làm tốt hơn về bầu không khí kịch tính và căng thẳng, bản gốc Melbourne của Iran cũng từng vấp phải lời chê là nhàm chán, khiên cưỡng.
Tuy nhiên, Án mạng lầu 4 không ẩu hay nghiệp dư đến mức thảm họa – mức độ của bộ phim tệ hơn nhiều như Duyên ma, Cù lao xác sống, Virus cuồng loạn, Huyền sử vua Đinh…
Và không thể đánh đồng Án mạng lầu 4 với nhóm “phim tốt nghiệp nhưng đòi ra rạp” vì khâu thiết kế bối cảnh, dàn cảnh, dựng phim đều chỉn chu và có tay nghề hơn.