Sau 40 năm – với kịch bản có từ thập niên 1980, bộ phim Megalopolis của huyền thoại Francis Ford Coppola cuối cùng đã được công chiếu tại Liên hoan phim Cannes.
Và không nằm ngoài dự đoán, giới phê bình dậy sóng với những bình luận trái ngược: “tham vọng đáng kinh ngạc”, “điên rồ tuyệt đối”, “nông cạn một cách khó hiểu”…
Nhiều lời chê bai
Megalopolis chiếu tại Cannes tối 16-5, nhận tràng pháo tay đứng kéo dài 7 phút.
Bộ phim từng được coi là một giấc mơ điện ảnh viển vông. Những năm khởi đầu dự án có nhiều sai lầm, đầy những cảnh quay bị bỏ đi cũng như tiền đề kiểu baroque, ý tưởng trừu tượng về “tham vọng chính trị, thiên tài và tình yêu đầy mâu thuẫn”;
Hay “số phận của thành Rome tỏa bóng đen lên một thế giới hiện đại không thể giải quyết các vấn đề xã hội của chính mình”.
Coppola, nhà làm phim 85 tuổi của The Godfather (Bố già) và Apocalypse Now, tạo ra nhân vật chính Cesar Catilina (Adam Driver đóng) – một kiến trúc sư và nhà khoa học đoạt giải Nobel.
Nhân vật này dường như đã có được sức mạnh để kiểm soát thời gian và không gian sau một khám phá khoa học.
Phần lớn bộ phim xoay quanh kế hoạch lớn của anh, một “dự án xây dựng không tưởng” mang tên Megalopolis, xung đột với mục tiêu của thị trưởng thành phố Cicero (Giancarlo Esposito).
Megalopolis Teaser Trailer (2024)
Trong bài phê bình chấm phim 2 sao trên The Guardian, Peter Bradshaw chê phim “khủng khiếp và nhàm chán”, “một dự án đam mê nhưng không có đam mê… chứa đầy những chân lý kiểu thủ khoa trường trung học về tương lai của nhân loại”.
Nhà phê bình Bilge Ebiri viết trên Vulture rằng Megalopolis “đôi khi giống như những suy nghĩ cuồng nhiệt của một đứa trẻ sớm phát triển, bị thúc đẩy, choáng váng và có thể hơi lạc lõng trước mọi khả năng của thế giới trước mắt”.
“Không có gì ở Megalopolis giống như một bộ phim ‘bình thường’ – ông viết – Các nhân vật nói bằng những cụm từ và từ cổ xưa, pha trộn các đoạn của Shakespeare, Ovid, và có lúc là tiếng Latin”.
Trong một cảnh, Adam Driver đọc lại toàn bộ bài độc thoại nổi tiếng “tồn tại hay không tồn tại” của nhân vật Hamlet.
New York Times nhận xét “phong cách diễn xuất hỗn tạp”. Jason Gorber của AV Club viết: “Megalopolis gây cảm giác như thể kịch bản Rome của HBO được viết lại bởi hàng nghìn con khỉ, một số trong số chúng thậm chí còn viết đúng chính tả”.
Megalopolis gợi nhớ số phận Apocalypse Now
Các bài phê bình khác tích cực hơn. Deadline dù thấy phim “lộn xộn, ngỗ ngược, phóng đại” nhưng ca ngợi “sự táo bạo tuyệt đối”, vẫn là tác phẩm của một nghệ sĩ bậc thầy (Coppola).
Tờ New Yorker mô tả Megalopolis là “khoái cảm vô cùng sâu sắc”.
The Hollywood Reporter nhận xét điểm yếu của phim là niềm đam mê hơi buông thả, nhưng phim vẫn “thú vị, vui tươi, hình ảnh rực rỡ và được chiếu sáng bởi niềm hy vọng xúc động dành cho nhân loại”.
IndieWire đánh giá tích cực rằng phim không cho thấy nhiều về tương lai của điện ảnh, nhưng khơi dậy mong muốn của chúng ta là “đảm bảo cho điện ảnh có một tương lai”.
Theo The Guardian, việc Megalopolis gây chia rẽ giới phê bình hôm nay gợi nhớ đến bộ phim chiến tranh năm 1979 của Coppola, Apocalypse Now.
Apocalypse Now cũng có một quá trình sản xuất rất chông gai và khiến giới phê bình phân cực tại Cannes, trước khi phim ra mắt công chúng và được hoan nghênh.