Sở dĩ dễ nhầm vì bài hát Năm anh em trên một chiếc xe tăng được nhạc sĩ Doãn Nho phổ nhạc từ bài thơ Trên một chiếc xe tăng của nhà thơ Hữu Thỉnh. Trong bài thơ này, Hữu Thỉnh viết: “Năm quả tim chung nhịp đập dồn”.
Vậy thực hư ra sao?
“Đập rộn ràng” hay “đập dồn”?
Trên một vài diễn đàn hoặc ở phần bình luận liên quan đến ca khúc Năm anh em trên một chiếc xe tăng, có người cho rằng đập rộn ràng mới đủ nhịp, chứ đập dồn cứ thấy kỳ kỳ.
Có người phản bác ngay: “Bạn chưa rành về nhịp nên nói vậy thôi. Bài này nhịp 2/4”, “khi hát kéo dài là được, đập dồn mới đúng”.
Đúng là câu thơ cuối này khá khó hát vì lỡ nhịp, sau chữ dồn là ngắt nhịp, nên một số ca sĩ và lính tăng đã sáng tạo bằng cách thêm vào một từ trước chữ dồn, thường là Năm quả tim chung nhịp đập (la /hoặc ư) dồn cho dễ hát.
Thậm chí một đại tá quân đội từng phân tích: “Tim đập rộn ràng chỉ khi đi gặp người yêu thôi. Còn khi ra trận, trước mắt là kẻ thù, là cái sống và cái chết thì làm sao có chuyện tim đập rộn ràng được”.
“Đập rộn ràng” mới đúng
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, nhạc sĩ Doãn Nho cho hay đúng là nhiều người bị nhầm lẫn giữa bài thơ và bài hát. Đây là điều dễ hiểu, có thể thông cảm được.
Ông kể ông viết Năm anh em trên một chiếc xe tăng từ thơ Hữu Thỉnh và lấy chất âm nhạc từ dân ca Nghệ Tĩnh.
“Trong bài thơ của nhà thơ Hữu Thỉnh, làm gì có từ rộn ràng. Ra trận làm gì rộn ràng. Chỉ có thắng trận mới rộn ràng. Hữu Thỉnh rất đúng khi viết Năm quả tim chung nhịp đập dồn. Lời bài hát không đúng như lời thơ, thậm chí sai hẳn”, nhạc sĩ Doãn Nho nói.
Nhưng tại sao phải sửa?
Năm anh em trên một chiếc xe tăng – Trình bày: Quang Thọ
Nhạc sĩ lý giải: “Câu Năm quả tim chung nhịp đập dồn khi hát lên nghe không ra sao cả. Khán giả nghe không hiểu gì”.
Theo Doãn Nho, vì phục vụ giai điệu nên chỗ này, ông phải sửa thành “đập rộn ràng”.
“Nhà thơ Hữu Thỉnh cũng ủng hộ thôi, để âm nhạc bay bổng hơn, cũng để bài hát dễ phổ biến hơn”, ông nói.
Hồi đầu năm, trong buổi trao tặng tài liệu cho Trung tâm Lưu trữ quốc gia III nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Lưu trữ Việt Nam, nhạc sĩ Doãn Nho cũng chia sẻ nhiều người hát nhầm lời ca khúc Năm anh em trên một chiếc xe tăng.
Ông ví dụ, trong phần lời của bài hát có câu “Cái nết ở, ăn mỗi người một tính”, hiện bị không ít người hát thành “Cái nết ở anh mỗi người một tính”.
Nhạc sĩ không phiền lòng về chi tiết này và rất vui vì tác phẩm được mọi người yêu thích. Song ông vẫn mong lời ca khúc được hát chính xác hơn.
Nhân đây, ông cũng giải đáp thắc mắc của không ít người: Vì sao xe tăng có ba người mà ca khúc của ông lại viết năm người?
Thời trước, biên chế xe tăng là năm người lính, sau đó mới còn ba người. “Sau này, xe tăng không người lái thì không còn biên chế nào. Ca khúc của tôi… vẫn đúng”, nhạc sĩ nói.